Ngăn chặn hành vi trục lợi trong việc di chuyển nhà máy, xí nghiệp ra khỏi nội đô

0
421

SBLAW trân trọng giới thiệu bài trả lời PV của luật sư Nguyễn Thanh Hà từ SBLAW cho báo Việt Nam mới với nội dung nêu trên.

1)    Ông đánh giá thế nào về việc các nhà máy, xí nghiệp của doanh nghiệp nhà nước sau khi di dời khỏi nội đô hầu hết đã được Hà Nội cấp phép làm nhà ở, trung tâm thương mại?

Theo tôi, bản thân hiện tượng các chung cư, khách sạn, trung tâm thương mại thay thế các nhà máy, xí nghiệp của doanh nghiệp nhà nước sau khi dời khỏi nội đô không phải là một vấn đề tiêu cực, đáng ngại.

Việc các nhà máy, xí nghiệp của doanh nghiệp nhà nước di dời khỏi nội đô cũng có thể xem là một giải pháp tích cực trong vấn đề bảo vệ môi trường của Hà Nội. Vấn đề ở đây ta cần phải đánh giá đó là hoạt động này đã được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật hay chưa?

Và ta cũng cần phải xem xét xem có dấu hiệu thỏa thuận, phân chia lợi ích nhóm giữa doanh nghiệp nhà nước và các chủ đầu tư dự án chung cư, khách sạn, trung tâm thương mại… nêu trên gây ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước hay không?

Việc đấu thầu có công khai hay không và có lựa chọn được nhà đầu tư trả giá cao nhất hay không?

Có việc thay đổi mục tiêu sử dụng đất hay không? Nhiều dự án sau khi có kế hoạch di chuyển, nhà nước muốn dành thành vườn hoa hoặc tiện ích công cộng, nhưng một số nhóm lợi ích có thể tác động để thay đổi quy hoạch, biến thành nhà cao ốc và trung tâm thương mại.

2)    Theo ông, đâu là kẽ hở của pháp luật trong để doanh nghiệp và quan chức bắt tay trục lợi trong vấn đề này? Liệu có phải do pháp luật không quy định lợi thế thương mại gắn với giá trị quyền sử dụng đất trong lựa chọn nhà đầu tư liên doanh, liên kết là kẽ hở chính sách gây thất thoát ngân sách nhà nước trong quá trình chuyển mục đích sử dụng đất và thực hiện dự án ở những vị trí đắc địa? Xin ông phân tích cụ thể.

Ý kiến này cũng đã được đưa ra trong kết luận của Thanh tra Chính phủ về quá trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại vị trí đắc địa của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước tại Hà Nội giai đoạn 2003-2016.

Theo đó, phía cơ quan này cũng nhận định, việc pháp luật không quy định lợi thế thương mại gắn với giá trị quyền sử dụng đất trong lựa chọn nhà đầu tư liên doanh, liên kết là kẽ hở chính sách gây thất thoát ngân sách nhà nước trong quá trình chuyển mục đích sử dụng đất và thực hiện dự án ở những vị trí đắc địa.

Tôi cho rằng, quan điểm trên Thanh tra Chính phủ đưa ra là hợp lý. Bên cạnh đó, cũng cần đề cập đến công tác giám sát, quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất, hay trong hoạt động xử lý tài sản công của các doanh nghiệp nhà nước chưa chặt chẽ và quyết liệt.

Một kẽ hở nữa là đáng nhẽ, tất cả những khu đất vàng cần được quy hoạch và tiến hành tổ chức đấu giá công khai để chọn ra nhà đầu tư có tiềm lực và trả giá cao nhất, điều đó có lợi cho ngân sách thay vì nhà nước lại đứng ra giao đất.

3)    Ngoài thủ đoạn nêu trên, xin ông chỉ rõ một số thủ đoạn, hành vi bắt tay nhau giữa DNNN và tư nhân để trục lợi tài sản nhà nước?

Bên cạnh thủ đoạn lợi dụng những kẽ hở các quy định của pháp luật, những sơ hở, yếu kém trong công tác quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng thường bị lợi dụng để thực hiện các hành vi trái pháp luật.

Cụ thể như nhiều chủ đầu tư khi được giao dự án xây dựng trung tâm thương mại, nhưng lại luồn lách để xin thêm mục tiêu xây dựng nhà ở để bán và cho thuê, làm phá vỡ quy hoạch chung và làm tăng mật độ dân cư.

Bên cạnh đó, chủ đầu tư cũng không tiến hành xác định lại giá trị đất để thực hiện nghĩa vụ tài chính bổ sung.

Nhiều công trình nhà cao tầng còn vi phạm quy định xây dựng, như xây dựng thêm tầng, nếu mỗi công trình chủ đầu tư xây dựng thêm từ 1 đến 2 sàn sai quy hoạch thì lơi nhuận sẽ rất lớn.

Việc này các cơ quan chức năng hoàn toàn biết nhưng dường như làm ngơ cho sai phạm.

4)    Theo quy định  của pháp luật, những hành vi này sẽ bị xử lý như thế nào? Liệu có phải xử lý hình sự hay không?

Những hành vi vi phạm pháp luật bị phát hiện căn cứ vào mức độ vi phạm, tính nguy hiểm cho xã hội có thể được xem xét xử lý vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự.

Trong Bộ luật hình sự, đã có những quy định xử lý những pháp nhân thương mại vi phạm bằng hình thức phạt tiền và tước giấy phép kinh doanh, bên cạnh đó, những cá nhân vi phạm có thể bị khởi tố vụ án hình sự về tội đưa và nhận hối lộ.

Những cán bộ, công chức có hành vi vi phạm pháp luật, chủ động cấu kết với những nhóm lợi ích, sẽ bị xử lý về mặt hành chính theo quy định về pháp luật cán bộ công chức và có thể bị xử lý hình sự nếu có chứng cứ phạm tội.

5)    Giải pháp nào để ngăn chặn những hành vi, thủ đoạn trục lợi trên, thưa ông? Các quy định của pháp luật cần phải được sửa đổi như thế nào?

Trước hết, pháp luật cần có những quy định rõ ràng hơn trong vấn đề xử lý tài sản công, đặc biệt là vấn đề tôi đã nêu trên về quy định lợi thế thương mại gắn với giá trị quyền sử dụng đất trong lựa chọn nhà đầu tư liên doanh, liên kết.

Bên cạnh đó, cần bắt buộc tổ chức công khai việc cho nhà đầu tư đấu thầu các mảnh đất vàng để nhà nước có thể thu được lợi ích tối đa cho ngân sách.

Bên cạnh đó, các cơ quan có thẩm quyền cũng cần phải tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, thanh tra, qua đó có những biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời, nghiêm túc đối với các hành vi vi phạm pháp luật.