Từ vụ bà Phương Hằng bị “tố”: Lợi dụng tự do dân chủ xâm phạm lợi ích người khác bị xử lý ra sao?

0
770

 Liên quan đến việc nhiều nghệ sĩ nộp đơn tố giác bà  Nguyễn Phương Hằng về một số hành vi vu khống, làm nhục người khác, nhiều người đặt câu hỏi về trình tự pháp lý trong giải quyết vụ việc cũng như chế tài xử lý đối với các đối tượng vi phạm…

Theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Đoàn Luật sư Hà Nội, cơ quan chức năng sau khi nhận được đơn tố giác cần nhanh chóng vào cuộc xác minh làm rõ để xử lý các sai phạm (nếu có), bởi việc chửi bới xúc phạm nhau trên mạng xã hội của những người nổi tiếng, nếu để lâu dài sẽ ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục, thậm chí xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, của tổ chức, cá nhân.

Cũng theo Luật sư Thanh Hà, mọi cá nhân đều phải sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Pháp luật bảo vệ quyền con người, quyền công dân, tôn trọng sự bình đẳng của mọi cá nhân, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.

Do vậy, mọi hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm uy tín của người khác đều là hành vi vi phạm pháp luật.

Tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, hậu quả xảy ra mà cá nhân thực hiện hành vi sẽ bị xử phạt hành chính, hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

 

Trong vụ đối đầu giữa bà Nguyễn Phương Hằng và một số nghệ sỹ, do thông tin của các bên đưa ra trái ngược nhau nên cơ quan chức năng sẽ vào cuộc để làm rõ có hay không hành vi ăn chặn tiền từ thiện.

Theo đó, nếu kết quả xác minh kết luận là có hành vi này thì có thể xử lý các cá nhân vi phạm về Tội lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản.

Còn nếu kết quả xác minh cho thấy hoạt động từ thiện của các nghệ sĩ hoàn toàn trong sạch, minh bạch, nhưng nữ doanh nhân đã đưa thông tin sai sự thật nhằm xúc phạm danh dự nhân phẩm của họ thì có thể khởi tố vụ án hình sự về Tội vu khống, Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, hoặc Tội lợi dụng quyền tự do dân chủ để xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Từ vụ bà Phương Hằng bị “tố”: Lợi dụng tự do dân chủ xâm phạm lợi ích người khác bị xử lý ra sao? ảnh 1

Vụ tranh cãi giữa các nghệ sỹ và bà Phương Hằng về tiền từ thiện đã thu hút sự chú ý của dư luận

 

Cũng theo Luật sư Thanh Hà, mỗi cá nhân đều có quyền phát ngôn, đều có quyền tự do ngôn luận. Tuy nhiên, nếu lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì có thể bị xem xét xử lý hình sự về Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Điều 331 BLHS 2015 nêu rõ, người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng-3 năm. Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 2-7 năm.

Về khách thể, tội phạm này xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân thông qua việc lợi dụng các quyền tự do dân chủ của mình do Hiến pháp quy định.

Người phạm tội có hành vi lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp… xâm phạm lợi ích Nhà nước quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân. Các quyền tự do, dân chủ nêu trên là những quyền cơ bản của con người được Hiến pháp ghi nhận và bảo vệ.

Tội pham được thực hiện với lỗi cố ý (trực tiếp hoặc gián tiếp). Động cơ, mục đích không là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này – Luật sư Thanh Hà phân tích.

Link bài viết: https://anninhthudo.vn/tu-vu-ba-phuong-hang-bi-to-loi-dung-tu-do-dan-chu-xam-pham-loi-ich-nguoi-khac-bi-xu-ly-ra-sao-post481395.antd