Điểm mới về chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp

0
534

Ngày 09/5/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 13/2022/QĐ-TTg về “Thực hiện chính sách hỗ trợ Bảo hiểm Nông nghiệp”. Theo đó, đối tượng, phạm vi, rủi ro được bảo hiểm đã được mở rộng; song mức hỗ trợ bảo hiểm vẫn được giữ nguyên, tạo thêm điều kiện cho các tổ chức và người dân trong hoạt động sản xuất nông nghiệp.

 

Nhiều bạn đọc đề nghị Tạp chí Nông thôn mới thông tin cụ thể về chính sách này. Trong khuôn khổ bài viết, chúng tôi không thể trả lời hết những câu hỏi của bạn đọc, xin trích đăng một số câu hỏi và giải đáp của luật sư Nguyễn Thanh Hà (Chủ tịch Công ty Luật SBAW).

 

Bạn đọc Nguyễn Văn Thọ (An Giang): Được biết, so với trước đây, hiện nay Nhà nước mở rộng đối tượng được hỗ trợ Bảo hiểm Nông nghiệp. Vậy đối tượng hỗ trợ được bổ sung thêm thế nào?

 

Theo Quyết định 22/2019/QĐ-TTg ngày 26 tháng 6 năm 2019 “Về thực hiện chính sách hỗ trợ Bảo hiểm Nông nghiệp” thì đối tượng được hỗ trợ chính sách Bảo hiểm Nông nghiệp chỉ bao gồm: cây lúa; trâu, bò; tôm sú, tôm thẻ chân trắng. 

Nhưng theo Quyết định số 13/2022/QĐ-TTg (sau đây gọi tắt là  Quyết định mới), đối tượng bảo hiểm được hỗ trợ đã được mở rộng thêm, cụ thể: đối với cây trồng, ngoài lúa đã bổ sung thêm cao su, hồ tiêu, điều, cà phê; đối với vật nuôi, ngoài trâu, bò đã bổ sung thêm lợn; đối với nuôi trông thủy sản, bên cạnh tôm sú, tôm thẻ chân trắng đã bổ sung thêm cá tra.

Như vậy, đối chiếu với danh mục đối tượng bảo hiểm được hỗ trợ theo Nghị định số 58/2018/NĐ-CP thì đối tượng được hỗ trợ bảo hiểm tại Quyết định mới chỉ còn thiếu cây ăn quả, rau và gia cầm.

 

Bạn đọc Trần Văn Thảo (Thái Bình): Theo quy định mới tổ chức, cá nhân nào được hưởng chính sách hỗ trợ Bảo hiểm Nông nghiệp? Mức hỗ trợ ra sao?

 

Quyết định số 13/2022/QĐ-TTg đã giữ nguyên quy định về tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp được hỗ trợ và mức hỗ trợ phí Bảo hiểm Nông nghiệp tối đa theo quy định tại Điều 19 Nghị định số 58/2018/NĐ-CP.

Cụ thể, mức hỗ trợ như sau: 

 

(1) Cá nhân sản xuất nông nghiệp thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo: Hỗ trợ tối đa 90% phí Bảo hiểm Nông nghiệp.

 

(2) Cá nhân sản xuất nông nghiệp không thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo: Hỗ trợ tối đa 20% phí Bảo hiểm Nông nghiệp.

 

(3) Tổ chức sản xuất nông nghiệp theo mô hình sản xuất hợp tác, liên kết, tập trung, quy mô lớn có ứng dụng khoa học công nghệ và các quy trình sản xuất tiên tiến vào sản xuất, hướng tới nền nông nghiệp sạch, công nghệ cao, thân thiện với môi trường: Hỗ trợ tối đa 20% phí Bảo hiểm Nông nghiệp.

 

Bạn đọc Phạm Thị Lương (Nam Định): Nghe cán bộ Hội Nông dân nói chính sách hỗ trợ Bảo hiểm Nông nghiệp (BHNN) mới mở rộng các rủi ro bảo hiểm được hỗ trợ. Đề nghị cho biết các rủi ro được BHNN hỗ trợ là gì?

 

Quyết định mới (Điều 5, Quyết định số 13/2022/QĐ-TTg) quy định rõ và mở rộng các rủi ro bảo hiểm được hỗ trợ. Theo đó:

 

(1) Đối với cây lúa, Quyết định mới hỗ trợ cho các rủi ro thiên tai (bão, áp thấp nhiệt đới, lốc, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, nước dâng, xâm nhập mặn, nắng nóng, hạn hán, rét hại, mưa đá, sương muối, động đất, sóng thần) và các rủi ro dịch bệnh (bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, lùn sọc đen, đạo ôn, bạc lá, đốm sọc; dịch rầy nâu, rầy lưng trắng; sâu đục thân, sâu năn, sâu cuốn lá nhỏ).

 

(2) Đối với cao su, hồ tiêu, điều, cà phê, Quyết định mới hỗ trợ cho các rủi ro thiên tai (bão, áp thấp nhiệt đới, lốc, sét, lũ, lũ quét, ngập lụt, mưa đá, sương muối), tuy nhiên không hỗ trợ cho các rủi ro dịch bệnh.

Đối với vật nuôi (trâu, bò, lợn), Quyết định mới hỗ trợ cho các rủi ro thiên tai (bão, áp thấp nhiệt đới, lốc, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, nắng nóng, hạn hán, rét hại, mưa đá, sương muối, động đất, sóng thần) và các rủi ro dịch bệnh (bệnh lở mồm long móng, tai xanh ở lợn, nhiệt thán, xoắn khuẩn).

 

(3) Đối với nuôi trồng thủy sản (tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra), Quyết định mới hỗ trợ cho các rủi ro thiên tai (bão, áp thấp nhiệt đới, lốc, sét, mưa lớn, lũ, ngập lụt, sạt lở đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, nước dâng, xâm nhập mặn, nắng nóng, hạn hán, mưa đá, động đất, sóng thần); tuy nhiên, không hỗ trợ cho các rủi ro dịch bệnh.

 

Các bạn lưu ý: Thiên tai, dịch bệnh phải được công bố hoặc xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

 

Bạn Hoàng Văn Tuấn (Kon Tum):  Xem Tivi thấy nói chính sách BNNH mới mở rộng địa bàn được hỗ trợ phí BHNN. So với quy định cũ thì mở rộng thêm địa bàn nào được hỗ trợ?

 

Đúng như bạn đã biết, Quyết định mới đã mở rộng địa bàn được hỗ trợ so với trước. Cụ thể theo Điều 6, Quyết định số 13/2022/QĐ-TTg quy định địa bàn được hỗ trợ phí BHNN như sau.

 

*Đối với cây trồng:

Cây lúa tại 7 tỉnh: Thái Bình, Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Thuận, An Giang, Đồng Tháp;  

Cây cao su tại 8 tỉnh: Bình Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai;.

Cây cà phê tại 7 tỉnh: Sơn La, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Phước;

Cây hồ tiêu tại 6 tỉnh: Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu; 

Cây điều tại 6 tỉnh: Bình Thuận, Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Bình Phước, Đồng Nai.

 

*Đối với vật nuôi:

Đối với trâu, bò, tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Hà Giang, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Dương.

Đối với lợn, tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Hà Nội, Bắc Giang, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Đắk Lắk, Đồng Nai.

Đối với tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra, tại các tỉnh: Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau.

 

Bạn Đoàn Văn Hoàn (Lâm Đồng): Đối với tổ chức sản xuất nông nghiệp thì Quyết định mới quy định việc hỗ trợ phí BHNN ra sao?

 

Căn cứ tại Khoản 3, Điều 4, Quyết định số 13/2022/QĐ-TTg quy định:

Tổ chức sản xuất nông nghiệp: Hỗ trợ mức tối đa theo quy định tại khoản 3 Điều 19 Nghị định số 58/2018/NĐ-CP và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có) khi đáp ứng đầy đủ quy định sau:

 

(1) Doanh nghiệp được thành lập theo Luật Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã được thành lập theo Luật Hợp tác xã.

 

(2) Có hợp đồng liên kết gắn với sản phẩm nông nghiệp là các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ Bảo hiểm Nông nghiệp, đảm bảo quy định tại Điều 4 và Điều 5 Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05 tháng 7 năm 2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác xã, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).

 

(3) Có sản phẩm nông nghiệp là các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ Bảo hiểm Nông nghiệp được chứng nhận đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm của cơ quan có thẩm quyền hoặc được công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định pháp luật về tiêu chí, thẩm quyền, trình tự, thủ tục công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

 

(Nguồn trích: https://tapchinongthonmoi.vn/diem-moi-ve-chinh-sach-ho-tro-bao-hiem-nong-nghiep-21667.htm fbclid=IwAR2PmQW1OVxFnGcpWqc2bG8EPMiS9zvMwzwRnG332cIvVctTxRHrjYeUpaQ)