Từ vụ bé trai sơ sinh bị bỏ rơi ở cánh đồng Hà Nội: Phát hiện trẻ bị bỏ rơi phải xử lý ra sao?

0
388

Mới đây, trong khi tuần tra, lực lượng Công an xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, Hà Nội phát hiện một bé trai nặng 3,7kg bị bỏ rơi cạnh đường bê tông, sát cánh đồng thôn Quảng Nguyên. Điều được nhiều người quan tâm là, khi phát hiện trẻ em bị bỏ rơi phải xử lý ra sao cho đúng quy định? Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật SB Law đã trả lời phỏng vấn Báo An ninh Thủ đô và đưa ra những nhận định pháp lý cho vấn đề này. SB Law trân trọng gửi tới bạn đọc toàn văn bải viết dưới đây

Cháu bé được mặc quần áo đầy đủ, cạnh người cháu có mảnh giấy nội dung: “Tôi là mẹ đơn thân, không có điều kiện nuôi con nhờ gia đình nào có duyên gặp cháu giúp mẹ cháu nuôi con ngoan ngoãn nên người. Xin chân thành cảm ơn. Con sinh ngày 9.7.2021 cháu nặng 3,7kg”.

Đáng buồn đây không phải sự việc hi hữu. Thời gian qua có khá nhiều trường hợp trẻ bị bỏ rơi ngay từ khi mới lọt lòng. Về cách xử lý khi gặp những trường hợp này, theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw, Điều 14 Nghị định 123/2015/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Hộ tịch quy định, người phát hiện trẻ bị bỏ rơi có trách nhiệm bảo vệ trẻ và thông báo ngay cho UBND hoặc công an cấp xã nơi trẻ bị bỏ rơi. Trường hợp trẻ bị bỏ rơi tại cơ sở y tế thì Thủ trưởng cơ sở y tế có trách nhiệm thông báo.

Ngay sau khi nhận được thông báo, Chủ tịch UBND xã hoặc Trưởng công an cấp xã có trách nhiệm tổ chức lập biên bản về việc trẻ bị bỏ rơi; UBND cấp xã có trách nhiệm giao trẻ cho cá nhân hoặc tổ chức tạm thời nuôi dưỡng.

Sau khi lập biên bản UBND xã phải tiến hành niêm yết tại trụ sở UBND trong 7 ngày liên tục về việc trẻ bị bỏ rơi. Nếu hết thời hạn niêm yết mà không có thông tin về cha, mẹ đẻ của trẻ, UBND cấp xã thông báo cho cá nhân hoặc tổ chức đang tạm thời nuôi dưỡng trẻ để tiến hành đăng ký khai sinh cho trẻ.

Thủ tục đăng ký khai sinh được thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 16 của Luật Hộ tịch và Điều 14 Nghị định 123/2015/NĐ-CP. Theo đó, người đi đăng ký khai sinh nộp tờ khai theo mẫu quy định và biên bản xác nhận việc trẻ bị bỏ rơi do cơ quan có thẩm quyền lập – Luật sư Nguyễn Thanh Hà nhấn mạnh.

Ngay sau khi nhận đủ giấy tờ trên, nếu thấy thông tin khai sinh đầy đủ và phù hợp, công chức tư pháp – hộ tịch ghi nội dung khai sinh vào Sổ hộ tịch; cập nhật vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lấy Số định danh cá nhân.

Công chức tư pháp – hộ tịch và người đi đăng ký khai sinh cùng ký tên vào Sổ hộ tịch. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp Giấy khai sinh cho người được đăng ký khai sinh.

Họ, chữ đệm, tên của trẻ được xác định theo Điều 26 Bộ luật Dân sự 2015. Nếu không có cơ sở để xác định ngày, tháng, năm sinh và nơi sinh của trẻ thì lấy ngày, tháng phát hiện trẻ bị bỏ rơi là ngày, tháng sinh; căn cứ thể trạng của trẻ để xác định năm sinh; nơi sinh là nơi phát hiện trẻ bị bỏ rơi; quê quán được xác định theo nơi sinh; quốc tịch của trẻ là quốc tịch Việt Nam. Phần khai về cha, mẹ và dân tộc của trẻ trong Giấy khai sinh và Sổ hộ tịch để trống; trong Sổ hộ tịch ghi rõ “trẻ bị bỏ rơi”.

Trường hợp có người nhận trẻ em làm con nuôi thì UBND cấp xã nơi phát hiện trẻ em bị bỏ rơi xem xét, giải quyết theo quy định. Về thủ tục nhận nuôi con nuôi, bên nhận nuôi phải nộp hồ tại UBND cấp xã mình thường trú. Hồ sơ của người xin nhận con nuôi gồm: Đơn xin nhận nuôi con nuôi, bản sao hợp lệ CMND, văn bản xác nhận tình trạng hôn nhân…

Nếu không có người nhận trẻ em làm con nuôi thì cơ quan chức năng lập hồ sơ đưa trẻ em vào cơ sở nuôi dưỡng theo quy định.

Nguồn bài viết: https://anninhthudo.vn/tu-vu-be-trai-so-sinh-bi-bo-roi-o-canh-dong-ha-noi-phat-hien-tre-bi-bo-roi-phai-xu-ly-ra-sao-post473109.antd