Vì sao cán bộ lại sợ chịu trách nhiệm?

0
553

Liên quan đến sự việc xử lý những sai phạm các lãnh đạo tại các doanh nghiệp nhà nước, Luật sư Nguyễn Thanh Hà ( Chủ tịch công ty Luật SBLaw) đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo điện tư Một thế giới xung quanh vấn đề này.

1) Như một đại biểu quốc hội phát biểu tại nghị trường, hiện nay,trong bối cảnh “lò lúc nào cũng nóng” nên nhiều cán bộ không dám quyết, dám làm, sợ chịu trách nhiệm, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế. Điều này làm cho công việc quản lý, điều hành ở một số nơi trì trệ. Ông có suy nghĩ thế nào về tình trạng này? Những hệ lụy, thiệt hại của việc này là gì, Thưa ông?

Trả lời:

Phát biểu trên là nhận định về việc giải ngân chậm trong lĩnh vực đầu tư công. Giải ngân chậm lĩnh vực đầu tư công không chỉ làm giảm hiệu quả thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội hằng năm mà còn kìm hãm sự phát triển của đất nước, gây thất thoát, lãng phí rất lớn nguồn lực của Nhà nước, như hạ tầng cơ sở chậm phát triển, dự án phải điều chỉnh nhiều lần, đội vốn cao, lãi suất vay vẫn phải trả, giảm uy tín với nhà tài trợ quốc tế.

Việc cán bộ “không dám làm” khiến cơ hội của người dân, của doanh nghiệp, rộng hơn là cả nền kinh tế bị bỏ lỡ, gây thiệt hạ cho xã hội, cho địa phương, cho đất nước. Nhiều dự án có thể từ đó mà trì trệ, khó đảm bảo tăng trưởng, … Rõ ràng, tình trạng giải ngân chậm là một trong những điểm tối trong một bức tranh sáng của nền kinh tế và đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển KT-XH, nhất là đóng góp của vốn đầu tư công trong giá trị của GDP. Nhiều công trình hạ tầng chậm tiến độ, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn.

2) Theo ông, vì sao họ lại sợ trách nhiệm? Do năng lực yếu kém, sợ sai hay vì sợ các rủi ro khách quan mà họ sẽ liên đới nếu ra quyếtđịnh? 

Trả lời:

Thực tế tâm lý sợ sai đã xuất hiện sau những vụ khởi tố, bắt giam một số nguyên lãnh đạo các thời kỳ tại một số địa phương do sai phạm trong quản lý, gây thất thoát tài sản công.

Trong bối cảnh cuộc chiến chống tham nhũng càng được làm một cách mạnh mẽ càng cho thấy sự quyết tâm của Đảng, của nhà nước trong việc nghiêm trị những cán bộ vi phạm. Những bài học kinh nghiệm đó giúp cán bộ làm tốt hơn trong mọi quyết định thì lại trở thành nỗi sợ hãi, co cụm rồi không dám làm gì. Tâm lý sợ đưa ra quyết đinh rồi phải gánh chịu trách nhiệm hậu quả luôn thường trực, rồi kế đó là lo “mất chức”, “mất quyền”.

Bên cạnh đó, cũng không thể phủ nhận yếu tố chủ quan đó là do năng lực quản lý yếu kém của các cán bộ trong các doanh nghiệp. Thiếu hiểu biết trong công tác nhận định và quản lý, đó chính là nền tảng xấu của thái độ không dám quyết, không dám làm.

3) Nỗi lo về những biến động khách quan cũng là điều mà nhiều lãnh đạo DNNN lo lắng. Có vị lãnh đạo DN cho rằng, “doanh nghiệp tư nhân khi “gặp hạn” chỉ bị mất vốn, thiệt hại về kinh tế, còn lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước, ngoài kinh tế ra còn là sinh mạng chính trị”. Việc này khiến nhiều lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước cũng như các quan chức phụ trách lĩnh vực có phần e dè hơn. Ông có bình luận thế nào về tình trạng này và theo ông, với những thiệt hại do biến động khách quan, việc xử lý trách nhiệm cần được thực hiện thế nào để không tạo ra sự chùn bước đối với những người khác?

Trả lời:

Doanh nghiêp tư nhân, hay doanh nghiệp nhà nước thì đều kinh doanh hướng đến mục đích lợi nhuận, và thất bại là không ai mong muốn. Nhưng, điều khác nhau ở đây là khi ra một quyết định sai lầm, các doanh nghiệp hay chủ các doanh nghiệp tư nhân sẽ phải tự gánh chịu những hậu quả về phần mình; còn đối với các lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước họ đang sử dụng tiền từ ngân sách nhà nước, là tiền thuế, tiền đóng góp từ dân nên khi ra một quyết định sai lầm hậu quả họ gánh chịu là trách nhiệm trước nhà nước và nhân dân.

Về mặt nguyên tắc chung, khi những quyết định mà các lãnh đạo đưa ra không nhắm đến lợi ích chung của doanh nghiệp nhà nước, hoặc những quyết định đó gây ảnh hưởng, thiệt hại nghiêm trọng thì sẽ phải chịu trách nhiệm trước nhà nước và pháp luật. Còn đối với những trường hợp thiệt hại không đến từ sự vi phạm mà hoàn toàn là do lý do khách quan thì cần xem xét xử lý cho phù hợp.

4) Liên quan đến vụ Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, diễn biến mới đây nhất là nhiều lãnh đạo liên quan đến dự án bị kỷ luật. Tuy nhiên, về quy trình cho tăng vốn vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Nhiều ý kiến cho rằng việc tăng vốn là phù hợp với bối cảnh, quy trình tăng vốn cũng tuân thủ theo quy định pháp luật. Là người am hiểu về pháp luật,theo ông, quy trình tăng vốn của dự án này có có đúng hay không?

Trả lời:

Việc tăng vốn đầu tư của Dự án Gang thép Thái Nguyên từ 2.700 tỷ đồng lên đến 8.104 tỷ đồng đã gây nhiều ý kiến trái chiều thời gian qua. Nếu như nhìn lại quy trình, có thể thấy Tổng công ty thép Việt Nam phê duyệt tổng mức đầu tư là hoàn toàn đúng thẩm quyền. Các văn bản, nghị quyết được thông qua đồng ý với đề xuất của Bộ Công Thương cũng được thực hiện theo đúng thủ tục, quy trình.

Đặc biệt nếu xét về tình hình bối cảnh lúc đấy, dự án mở rộng giai đoạn 2 Gang thép Thái Nguyên gồm 02 hợp phần là Hạng mục Công trình khai thác và nhà máy tuyển rửa quặng sắt mỏ Tiến Bộ và Hạng mục Dây chuyền công nghệ luyện kim khu vực Lưu Xá. Hợp phần thứ nhất đã hoàn thiện nhưng hợp phần thứ 2 nếu không được đầu tư thêm vốn thì cũng không thể tiếp tục, gây ra tốn kém tiền bạc và thời gian.

Vấn đề chính nằm ở khâu quản lý dự án trong quá trình thực hiện đã không được sát sao, như không thẩm định những nội dung thay đổi, không làm rõ các nội dung điều chỉnh; bổ sung một số chi phí không có trong quyết định của VNS (Tổng công ty thép Việt Nam).

Đối với Bộ Công Thương, cơ quan này chưa thực hiện đầy đủ chức năng nhiệm vụ được giao, không yêu cầu TISCO, VNS lập thiết kế cơ sở để thẩm định; thiếu kiểm tra, giám sát TISCO, VNS trong việc thẩm định báo cáo đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ; tính chi phí quản lý dự án vượt so với quy định nhưng không làm các thủ tục điều chỉnh, …

5) Theo ông, trong thời gian tới, làm thế nào để vừa có thể giám sát được DNNN nói riêng và cán bộ nói chung, nhưng đồng thời vừa có thể khuyến khích được những cán bộ này dám nghĩ, dám làm, dám quyết, hạn chế được tình trạng sợ sai, khiến nhiều việc bị chậm chạp như hiện nay?

Trả lời:

Để phát triển kinh tế đất nước thì chúng ta phải dám nghĩ, dám làm, dám quyết. Đây là yếu tố rất quan trọng, cần phải nâng cao hơn nữa ý thức của cán bộ về vấn đề này. Để thực hiện điều đó hiệu quả nhưng vẫn giám sát được DNNN nói riêng và cán bộ nói chung, yếu tố quan trọng là sự kiểm tra, giám sát gắt gao trong suốt quy trình thực hiện công việc. Từng bước trong quá trình đều cần phải được kiểm duyệt chặt chẽ, đảm bảo không có vướng mắc nào rồi mới thực hiện bước tiếp theo. Tất nhiên chúng ta không thể không mắc bất kì lỗi nào trong quá trình thực hiện, tuy nhiên điều quan trọng là phải thừa nhận và sẵn sàng khắc phục hậu quả nhanh chóng.

Xin cảm ơn ông!