Một số lưu ý đối với doanh nghiệp khi tham gia AEC.

0
404

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch SBLAW đã có phần trả lời phỏng vấn chương trình S Tiêu điểm về Một số lưu ý đối với doanh nghiệp khi tham gia AEC, SBLAW trân trọng giới thiệu nội dung bài phỏng vấn:

Phóng viên hỏi: Thưa ông, với tư cách là chuyên gia pháp lý trong lĩnh vực hội nhập kinh tế quốc tế, qua phóng sự vừa rồi, ông nghĩ như thế nào về cái khó của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay khi gia nhập Cộng đồng Kinh tế chung Asean (AEC)?

Luật sư trả lời : Theo quan điểm của tôi, với tư cách là một luật sư tư vấn cho nhiều loại hình doanh nghiệp Việt Nam, từ doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân thì nhận thấy cái khó của doanh nghiệp Việt Nam đó là cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam phần lớn hiện nay là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Khi đã là doanh nghiệp nhỏ và vừa thì tiềm lực về tài chính, nhân sự đều còn rất hạn chế, mong muốn chiếm lĩnh và mở rộng thị trường trong nước còn khó khăn chưa nói tới việc mở rộng thị trường ra nước ngoài và đặc biệt trong khu vực AEC.

Bên cạnh đó, do là doanh nghiệp nhỏ và vừa, việc tiếp cận thông tin về những vấn đề về hội nhập còn hạn chế,

Ví dụ là khi AEC có những quy định ảnh hưởng trực tiếp tới doanh nghiệp, ảnh hưởng tới ngành, việc một doanh nghiệp có hẳn một bộ phận để phân tích những khó khăn, những thuận lợi của những quy định này như thế nào tới ngành và doanh nghiệp cũng là vấn đề khó.

Phóng viên hỏi: Vậy cách mà doanh nghiệp Việt chuẩn bị cho mình các kiến thức chung về pháp luật, về thị trường Asean trong đó có yếu tố sống còn là vấn đề thương hiệu được ông phân tích như thế nào?

doanh-nghiep-khi-tham-gia-AEC-002

Luật sư trả lời: Là một chuyên gia pháp lý về sở hữu trí tuệ, tôi nhận thấy trong thời gian vừa qua, nhiều doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu ra thị trường đã quan tâm tới vấn đề bảo hộ thương hiệu.

Ví dụ một doanh nghiệp Việt Nam, khi xuất khẩu bồn nước ra các quốc gia Asean, ngoài vấn đề tìm hiểu về pháp lý, về tiêu chuẩn kỹ thuật, hợp đồng, thị trường họ cũng đã quan tâm tới việc bảo hộ thương hiệu tại các quốc gia asean.

Việc bảo hộ thương hiệu ra thị trường nước ngoài trong đó có ASEAN là một bước đi quan trọng và cần tiến hành trước khi tiến hành đưa hàng hóa vào thị trường vì những lý do sau:

Việc đăng ký bảo hộ sẽ mất thời gian tối thiếu là 6 tháng đến 1 năm, nhiều trường hợp còn bị từ chối bảo hộ, vì vậy, doanh nghiệp cần chuẩn bị trước khi đưa vào thị trường.

Việc đăng ký bảo hộ cũng sẽ loại trừ rủi roc ho doanh nghiệp khi bị mất thương hiệu ở nước ngoài, cản trở quá trình đưa hàng hóa vào thị trường.

Phóng viên hỏi: Quay trở lại với cuộc trao đổi cùng khách mời của chúng ta ngày hôm nay. Sau chia sẻ của các doanh nghiệp, ông đồng cảm thế nào khi phần lớn doanh nghiệp cho rằng cần phải có một cơ chế chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp định vị được mình, xây dựng được thương hiệu và chiến thắng được ngay trên sân nhà, vậy cơ chế chính sách đó là gì thưa ông?

doanh-nghiep-khi-tham-gia-AEC

Luật sư trả lời: Như chúng ta đã biết, cùng với AEC và sắp tới là TPP, sẽ có sự cạnh tranh mạnh mẽ của doanh nghiệp ASEAN trên chính thị trường Việt Nam.

Việt Nam là một thị trường với hơn 90 triệu dân, dân số chỉ đứng sau Indonesia trong ASEAN, vì vậy, chúng ta chịu áp lực ngay chính trên sân nhà.

Việc doanh nghiệp xây dựng được thương hiệu và được tin dùng, chiến thắng chính trên sân nhà thì điều này phụ thuộc phần lớn vào sự nỗ lực của mỗi doanh nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp.

Tuy nhiên, nhà nước với tư cách là người tạo ra cơ chế, chính sách pháp luật cũng có thể góp phần vào hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng được thương hiệu của mình.

Ví dụ, mỗi quốc gia đều có một hoặc một số thương hiệu quốc gia, mà đã xây dựng thương hiệu quốc gia thì đòi hỏi phải có sự nỗ lực không chỉ của doanh nghiệp mà của nhà nước, nhà nước cần có chính sách và hỗ trợ đối với một số thương hiệu mạnh để đẩy thành thương hiệu quốc gia.

Bên cạnh đó, khi doanh nghiệp đăng ký bảo hộ thương hiệu ra nước ngoài, nhà nước có thể hỗ trợ doanh nghiệp về kinh phí để giúp họ bảo hộ được.

Phóng viên hỏi: Thưa ông, ngoài gia nhập cộng đồng kinh tế chung, Asean (AEC) chúng ta còn phải kể đến OTT, FTA tức là trong điều kiện hội nhập sâu, những lời khuyên của ông đưa ra với các doanh nghiệp còn chưa có điều kiện tìm hiểu lĩnh vực này là gì?

Luật sư trả lời: Việc Việt Nam ký kết các hiệp định thương mại song phương và đa phương ví dụ gần đây là Hiệp định FTA Việt Nam Hàn Quốc, điều này thể hiện chính sách nhất quán của Việt Nam là hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.

Việc chúng ta gia nhập các hiệp định này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới các doanh nghiệp trong việc cạnh tranh trên thị trường Việt Nam và quốc tế.

Vì vậy, ngay từ khi mà Hiệp định còn đang đàm phán thì các doanh nghiệp cũng cần có sự tìm hiểu để biết được những nội dung trong quá trình đàm phán, để gửi những kiến nghị tới chính phủ, các bộ ban ngành để lưu ý quá trình đàm phán, bảo vệ quyền lợi của mình.

Đối với Hiệp định chuẩn bị có hiệu lực thì cần phải có những phân tích, hiểu biết để đưa ra các chiến lược kinh doanh phù hợp, tận dụng những lợi thế mà Hiệp định mang lại.