BẢO HỘ CHỈ DẪN ĐỊA LÝ “XÍN MẦN” CHO SẢN PHẨM GẠO TẺ GIÀ DUI

0
650

Ngày 28/09/2017, Cục Sở hữu trí tuệ ra Quyết định số 3261/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00057 cho sản phẩm gạo tẻ Già Dui “Xín Mần” truyền thống. Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang là Tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này.

Gạo tẻ Già Dui “Xín Mần” là một trong các sản vật có nguồn gốc từ thiên nhiên của tỉnh Hà Giang được xếp vào hàng đặc sản. Đây là một trong những sản phẩm gạo đặc trưng của các tỉnh miền núi cực Bắc, hàng năm cung cấp cho thị trường hàng nghìn tấn gạo thương phẩm. Giống lúa Già Dui được đồng bào xã Nàn Xỉn giữ gìn, lưu truyền và được lựa chọn để bảo tồn nguồn gen quý. Gạo tẻ Già Dui “Xín Mần” đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, chất lượng, danh tiếng đã được khẳng định thông qua người tiêu dùng đón nhận. Gạo tẻ Già Dui “Xín Mần” được xem là quà tặng của thiên nhiên đối với con người và là sản phẩm “độc nhất – vô nhị” cho cả vùng Tây Hà Giang.

Gạo tẻ Già Dui “Xín Mần” hơi tròn, hạt dài trung bình, màu trắng và thơm nhẹ. Chiều dài hạt gạo từ 5,59 – 5,88 mm, chiều rộng hạt gạo từ 2,54 – 2,69 mm, tỷ lệ gạo lật từ 76,61 – 81,91%, tỷ lệ gạo xát từ 65,98 – 73,54%, tỷ lệ gạo nguyên từ 72,25 – 93,55%. Ở Xín Mần , tại khu vực địa lý, gạo tẻ Già Dui đạt đỉnh về độ dinh dưỡng cũng như hương vị với hàm lượng tinh bột từ 66,36 – 72,93%, hàm lượng protein cao từ 8,54 – 9,36%, hàm lượng Vitamin B1 cao từ 0,104 – 0,115 mg/100g gạo xát, hàm lượng amylose thấp từ 13,64 – 14,51%, độ bền gel cao từ 80,34 – 122,29 mm và các chỉ tiêu vi lượng trong gạo đều nằm trong giới hạn cho phép. Vì vậy, gạo tẻ Già Dui “Xín Mần” có chất lượng cao, khi nấu thành cơm có mùi thơm đặc trưng, độ dẻo cao, có vị ngon, vị ngọt khác hẳn với các loại gạo khác.

Gạo tẻ Già Dui “Xín Mần” có được danh tiếng và đặc thù như vậy là nhờ khu vực địa lý rất thích hợp với quá trình sinh trưởng của cây lúa Già Dui và kinh nghiệm tích lũy được của người dân. Khu vực địa lý nằm về phía Tây Bắc của huyện Xín Mần, phân bố ở độ cao từ 800 mét đến 1.200 mét so với mực nước biển, địa hình phổ biến dạng vòm hoặc nửa vòm, quả lê, yên ngựa xen kẽ các dạng địa hình dốc, đôi khi sắc nhọn hoặc lởm chởm dốc đứng, bị phân cắt mạnh, nhiều nếp gấp. Khí hậu nhiệt đới gió mùa kết hợp với khí hậu á nhiệt đới vùng núi cao, nhiệt độ trung bình trong năm khoảng từ 18 – 21oC. Biên độ dao động nhiệt độ ngày đêm từ 6 – 7oC. Tổng lượng nhiệt trong năm từ 8.300 – 8.500 oC. Tổng lượng mưa trung bình trong năm từ 1.700 – 2.700 mm, tập trung chủ yếu vào tháng Sáu, tháng Bảy và tháng Tám. Độ ẩm trung bình năm từ 80 – 85%. Độ ẩm không quá cao từ lúc cây lúa trổ bông đến sắp thu hoạch. Tổng lượng bốc hơi trung bình trong năm là 700 – 900 mm. Khu vực địa lý là vùng chỉ có duy nhất đất ferralit biến đổi do trồng lúa. Thành phần cơ giới của đất là từ thịt pha cát đến thịt pha sét. Hầu hết đất có phản ứng từ chua đến hơi chua, giá trị pHKCl dao động trong khoảng 4,35 – 5,08. Đất có hàm lượng cacbon hữu cơ từ trung bình đến cao 1,64 – 2,97% OC. Đạm tổng số từ trung bình đến giàu: 0,10 – 0,29% N. Lân tổng số ở mức giàu 0,13 – 0,37% P2O5, lân dễ tiêu ở mức nghèo từ 3,46 – 10,98 mg P2O5/100g đất. Kali tổng số ở mức trung bình 0,66 – 2,22% K2O, kali dễ tiêu trung bình 14,46 – 21,58 mg K2O/100g đất. Dung tích hấp thu cao, dao động từ 16,17 – 24,83 lđl/100g đất.

Ngoài ra, người dân Xín Mần trong những năm qua đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong việc gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch lúa Già Dui nên đã tạo ra được sản phẩm có chất lượng tốt. Để điều hòa chất dinh dưỡng trong đất, làm đất thoáng khí tạo điều kiện cho vi sinh vật phát triển mạnh người dân đã cày xới, đảo trộn đất sau khi kết thúc vụ trồng, bón phân hữu cơ như phân chuồng, phân xanh được lấy tại chỗ từ chăn nuôi của gia đình… loại phân này có khả năng làm tăng số lượng vi sinh vật trong đất đặc biệt là vi sinh vật phân giải xenluloza, phân giải protein và nguyên sinh động vật. Người dân còn thực hiện chế độ canh luân cây trồng, phương pháp giúp cho hệ vi sinh vật đất cân đối và phong phú hơn. Sau khi thu hoạch lúa đồng bào thường cho đất nghỉ hoặc trồng vụ sau bằng các loại cây họ đậu. Bên cạnh đó, người dân còn chủ động đầu tư, áp dụng khoa học kỹ thuật vào thâm canh, góp phần tạo nên sản phẩm gạo Già Dui phát triển một cách bền vững, nâng cao vị thế của sản phẩm gạo tẻ Già Dui “Xín Mần” trên thị trường.

Khu vực địa lý: Các xã Thèn Phàng, Bản Díu, Xín Mần, Chí Cà, Nàn Xỉn, Ngán Chiên, Trung Thịnh, Tà Nhìu, Chế Là, Bản Ngò thuộc huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang.

Phòng Chỉ dẫn địa lý và Nhãn hiệu quốc tế

Nguồn: http://www.noip.gov.vn/web/noip/home/vn?proxyUrl=/noip/cms_vn.nsf/(agntDisplayContent)?OpenAgent&UNID=31830F93D8515BB1472581B1003235F0