“Lỗ hổng giá” liên quan đến đấu thầu

0
583

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SBLaw đã giải đáp các vấn đề liên quan đến đấu thầu vật tư, y tế trong thời gian gần đây. 

Thời gian vừa qua, xảy ra nhiều vụ án liên quan đến đấu thầu vật tư, thiết bị y tế. Đau buồn là nhiều trí thức, bác sỹ có “bàn tay vàng” trong mổ xẻ, trị bệnh cứu người cũng bị kỷ luật, dính vào lao lý. 

Có nhiều nguyên nhân, nhưng dưới góc độ quản lý nhà nước, rõ ràng còn rất nhiều “lỗ hổng” trong luật pháp, các quy định liên quan.

Luật Quản lý giá 2012 xác định giao cơ quan quản lý giá đối với giá chuyên ngành về cho ngành quản lý. Ví dụ, giá đất giao cho Bộ TN&MT; giá điện, xăng dầu giao về Bộ Công Thương; giá thiết bị y tế do Bộ Y tế chịu trách nhiệm. Từ quy định đó, Nghị định của Chính phủ đã xác định trách nhiệm quản lý giá thiết bị y tế thuộc về Bộ Y tế. Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 14 năm 2020.

Trong lĩnh vực đất đai, cơ quan điều tra cũng vừa khởi tố bắt tạm giam bà Nguyễn Thị Loan, Chủ tịch Vimedimex về hành vi “Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản”.

Với vật tư y tế, gần đây Bộ Tài chính tham gia cùng với Bộ Y tế góp ý để đề nghị Chính phủ bịt chặt “lỗ hổng” này. Liên Bộ Tài chính-Y tế đã thảo luận để xây dựng Nghị định 98 ngày 8/11/2021. Nghị định này quy định phải kê khai giá. Khi đã kê khai giá, nếu bán giá sai so với quy định sẽ bị xử phạt hành chính, thu hồi giấy phép, thậm chí bị xử lý hình sự. Trong kê khai giá, phải có yêu cầu nếu thiết bị y tế nhập khẩu thì nêu rõ giá nhập. Thiết bị sản xuất trong nước cũng phải được công khai các chi phí hợp lý.

Tội phạm diễn ra trên nhiều lĩnh vực như: đầu tư xây dựng cơ bản, thuế, tài chính, quản lý và sử dụng ngân sách, xuất, nhập khẩu, hợp tác đầu tư, quản lý và sử dụng đất đai, tội phạm có tổ chức và có tính quốc tế và tội phạm tham nhũng… Phương thức, thủ đoạn phạm tội và che giấu tội phạm ngày càng tinh vi, phức tạp, như sử dụng công nghệ cao, lợi dụng những sơ hở và sự chưa đồng bộ của pháp luật và chính sách phát triển kinh tế – xã hội để thực hiện hành vi phạm tội. Do đó, việc phát hiện, điều tra, chứng minh tội phạm gặp không ít khó khăn.

Tất nhiên, “lổ hổng” về luật pháp là khách quan. Chính Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã khẳng định trên diễn đàn Quốc hội, các vụ án trong mua sắm trang thiết bị y tế không phải do lỗi cơ chế mà có yếu tố tư lợi, tham ô, trục lợi. Dù các đối tượng cố ý, tuy nhiên, bịt kín “lổ hổng” luật pháp có ý nghĩa phòng tội phạm.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Cty Luật SBLaw: Cần phòng vệ thương mại đối với lĩnh vực sản xuất sứ, sen vòi - Công ty luật SB Law -

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SBLaw

-Ông đánh giá như thế nào về hiện tượng này?

Trả lời:

Trong thời gian vừa qua, Bộ Công An đã phát hiện một số các đơn vị, doanh nghiệp và thậm chí cá nhân các lãnh đạo cơ quan nhà nước đã có những hành vi sai phạm, thiếu minh bạch trong hoạt động mua sắm sinh phẩm, các trang thiết bị vật tư y tế, đồ dùng dạy học và kể cả đấu giá quyền sử dụng đất.

Một loạt các hành vi vi phạm các quy định của Luật đấu thầu, Luật giá, Luật Đất Đai có thể thấy như: trong lĩnh vực y tế có CDC Hải Dương, Nghệ An, Bắc Giang, Thừa Thiên Huế, Hà Nội: “thổi giá” kit test Covid 19, máy xét nghiệm Realtime PCR tự động tăng gấp nhiều lần so với giá trị thực tổ chức đấu thầu mua vật tư phòng, chống dịch bệnh COVID-19, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, thất thoát tài sản nhà nước. Trong lĩnh vực giáo dục có vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại với Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên Văn Kiên – khi “khoán trắng” toàn bộ thủ tục từ xây dựng giá gói thầu, lập hồ sơ mời thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu… đối với 2 gói thầu mua sắm thiết bị dạy học từ giá trị thực chỉ có hơn 8 tỷ đồng/2 gói thầu, đã “thổi giá” lên gần 20 tỷ đồng… Trong lĩnh vực đất đai có vụ án: “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí” , khi bị cáo liều lĩnh giao khu đất vàng 2-4-6 Hai Bà Trưng, TP.HCM cho Sabeco Pearl; hay khu đất “vàng” rộng gần 5.000 m2, nằm tại số 8 – 12 Lê Duẩn, Quận 1 (TP.HCM) giao cho Công ty CP đầu tư Lavenue để thực hiện dự án mà không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất. Trong đại án: “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” xảy ra tại Tổng Công ty bia rượu nước giải khát (Sabeco). Để làm “bốc hơi” khu đất 2–4–6 Hai Bà Trưng về tay tư nhân với số tiền thu về chỉ có 195 tỷ đồng, Sabeco đã hợp thức hóa bởi bảng giá trị thẩm định của doanh nghiệp thẩm định giá Cushman&Wakefield – một trong số 03 đơn vị được thuê có chức năng thẩm định giá, đã đưa ra giá trị thẩm định cao nhất. Chỉ đến khi vụ việc bị thanh tra, thì mới phát lộ số tài sản của Nhà nước mà Sabeco bỏ ra để theo đuổi dự án tới 92 tỷ đồng tiền mặt trong khi khu đất có giá trị ghi sổ tới 1.237 tỷ đồng.

Điều này đặt ra việc phải bịt kín “lỗ hổng” lớn về trong cơ chế quản lý giá và ngăn chặn kịp thời các hành vi tham ô, trục lợi, lợi dụng kẽ hở và sự chưa đồng bộ của pháp luật để thực hiện hành vi phạm tội.  

-Theo ông, nguyên nhân nào dẫn đến hiện tượng này?

Trả lời:

Thứ nhất, trong lĩnh vực Y Tế, Thông tư 14/2020/TT-BYT quy định một số nội dung trong đấu thầu trang thiết bị y tế tại các cơ sở công lập, để lộ ra nhiều bất cập khi Điểm a Khoản 3 Điều 8 Thông tư 14/2020/TT-BYT cho phép các cơ sở y tế khi lập dự toán giá gói thầu nếu có phát sinh “trường hợp giá cao hơn phải giải trình, thuyết minh cụ thể”. Thực tế, để có bộ chứng từ “đẹp” cho giải trình và thuyết minh hợp lý về việc tăng giá thiết bị chỉ cần chứng minh được phiên bản mới, đời sản xuất, … cũng đã thấy có sự chênh nhau về giá hợp lý. Trong khi đó phần lớn các loại trang thiết bị y tế đều được nhập khẩu từ các nước Châu Âu, rất khó có cơ hội để người đứng đầu các cơ sở y tế tiếp cận trực tiếp giá.

Trong lĩnh vực định đất đai về quy trình xây dựng Giá đất cụ thể, trước khi đưa ra đấu giá quyền sử dụng đất, do UBND cấp tỉnh toàn quyền quyết định đồng thời Hội đồng thẩm định giá đất (khoản 3 Điều 114 Luật Đất đai 2013) do Chủ tịch UBND cấp tỉnh làm Chủ tịch và thành viên là đại diện của cơ quan, tổ chức có liên quan, tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất. Điều đó đồng nghĩa với việc quy trình xây dựng Giá đất cụ thể của UBND cấp tỉnh không có cơ quan nào kiểm duyệt, phản biện.

Thứ hai, trong hoạt động đấu thầu, Điều 37, Điều 42 Luật Giá 2012 đã trao quyền cho thẩm định viên, doanh nghiệp có chức năng định giá quyền năng quá lớn: Được quyền cung cấp dịch vụ thẩm định giá và nhận thù lao dịch vụ thẩm định giá theo giá thỏa thuận với khách hàng đã ghi trong hợp đồng; và hoạt động theo nguyên tắc độc lập về chuyên môn nghiệp vụ và chỉ chịu trách nhiệm trước khách hàng về về tính chính xác, trung thực, khách quan của kết quả thẩm định giá. Trong khi đó không hề có quy định cơ quan nào, cấp nào có quyền hậu kiểm kết quả thẩm định, giám sát và kiểm tra quy trình của thẩm định viên trước khi cung cấp cho khách hàng. Vì vậy các hành vi sai phạm liên tiếp xảy ra và thẩm định viên đã tự cho mình quyền uy quá lớn để bất chấp lập khống chứng thư thẩm định giá, bỏ qua quy trình thẩm định giá: khảo sát thực tế, thu thập thông tin và phân tích thông tin (theo quy định tại Điều 30 Luật Giá 2012).

Thứ ba, là sự thiếu vắng vai trò của cơ quan trung gian làm trọng tài, giám sát. Hiện nay, trong thủ tục chỉ định thầu, pháp luật hướng tới sự thông thoáng, cấp thiết khi cần thiết mua các trang thiết bị, điển hình là trang thiết bị sinh phẩm để các cơ sở y tế kịp thời phục vụ phòng chống dịch; thực hiện các dự án đầu tư trang thiết bị giáo dục; quản lí và sử dụng đất đai một cách có hiệu quả,…. Cơ chế kiểm soát của Nhà nước ta mới đáp ứng cơ chế thông thoáng tuy nhiên chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra là giám sát sự thông thoáng đó. Việc xuất hiện các vụ việc nghiêm trọng trong các vụ án trên không phải là nâng khống giá mà là một số cá nhân đã lợi dụng để kiểm chác vài chục tỉ đồng.

Thứ tư, hành vi sai phạm của các bị cáo trong các vụ án có liên quan đến mua sắm thiết bị vật tư y tế, đồ dùng dạy học và kể cả đấu giá quyền sử dụng đất xuất phát do có sự “cộng hưởng” từ những kẽ hở của những đạo luật có liên quan. Đối với Luật Đấu thầu, kẽ hở lớn nhất là điều kiện chỉ định thầu. Ngoài việc cho phép chỉ định thầu trong điều kiện cấp bách thì khoảng trống lớn nhất, đó chính là được phép: “chỉ định thầu đối với nhà đầu tư được áp dụng trong trường hợp chỉ có một nhà đầu tư đăng ký thực hiện” (Khoản 4 Điều 22 Luật Đấu Thầu 2013). Quy định này vô tình khiến các chủ đầu tư dễ dàng chứng minh được tính hợp pháp và hợp lý chỉ có một nhà đầu tư, để lách qua “cửa hẹp” chỉ định thầu đối với một nhà đầu tư tham gia đấu thầu.

-Từ góc độ pháp luật, làm thế nào để có thể giải quyết được tình trạng này?

Trả lời:

Thứ nhất, Bộ Y Tế cần có danh sách đấu thầu tập trung những mặt hàng thiết yếu trong công tác phòng chống dịch và có một giá thành chung trong toàn quốc căn cứ vào kết quả trung ương để có căn cứ mua sắm trang thiết bị, tránh việc bắt tay giữa đơn vị chủ đầu tư và đơn vị trúng thầu. Bên cạnh đó, Bộ Y Tế cần đưa ra các biện pháp đẩy mạnh giám sát việc đấu thầu của các cơ quan quản lí chuyên môn và cơ quan quản lý ngành: thanh tra sở y tế, sở y tế, bộ y tế và các cơ quan thanh tra giám sát khác.

Thứ hai, cần có thêm cơ chế quản lý giám sát song song giữa việc vừa tổ chức đấu thầu, vừa chỉ định thầu theo một thủ tục thông thoáng đồng thời quá trình đó cũng cần có sự kiểm tra chéo lẫn nhau để đảm bảo không có sự thoả thuận, thống nhất về giá và thông thầu, kịp thời ngăn chặn các hành vi qua mặt các cơ quan Nhà nước.

Bên cạnh đó, Luật Giá cần phải điều chỉnh vai trò của thẩm định viên theo hướng: Quyền đấy phải gắn liền với tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp, có trung thực, có độc lập, có khách quan hay không. Cần thiết phải tăng cường vai trò hậu kiểm của kiểm toán độc lập. Khoản 1 Điều 32 Luật Giá 2012 cần sửa đổi bổ sung theo hướng làm rõ về căn cứ pháp lý đối với chứng thư thẩm định giá của tổ chức thẩm định giá cung cấp. Có nghĩa chứng thư thẩm định giá là điều kiện bắt buộc và có giá trị pháp lý khi đã được hậu kiểm bởi một cơ quan thứ ba.

-Về tổng thể, cần những giải pháp như thế nào để có thể hoá giải được tình trạng này, thưa ông?

Trả lời:

Trước tiên, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật trong thẩm định giá; công khai những trường hợp vi phạm của các tổ chức, cá nhân hành nghề thẩm định giá, … Đặc biệt xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với những tổ chức, cá nhân nếu phát hiện có hành vi thông đồng, nâng khống, trục lợi.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cần thiết lập đường dây nóng để người dân phản hồi các mặt hàng được bán cao hơn giá bán lẻ khuyến nghị; công khai, minh bạch về giá cả cũng như nguồn cung ứng tương lai của các loại thuốc và trang thiết bị y tế.