Nền tảng TMĐT hoạt động kinh doanh tại Việt Nam nhưng chưa đăng ký

0
47

Gần đây, hàng loạt các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới như Temu, Shein, 1688… hoạt động kinh doanh tại Việt Nam nhưng chưa đăng ký với Bộ Công Thương. Dưới đây là bài phỏng vấn luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch công ty luật SBLAW trả lời truyền thông.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Những khó khăn trong việc thu thuế đối với livestream bán hàng và TMĐT
Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch công ty luật SBLAW

Câu 1: Theo ông, việc một sàn thương mại điện tử chưa đăng ký nhưng vẫn bán hàng cho người tiêu dùng trong nước cho thấy kẽ hở pháp lý ở đây là gì? việc này gây ra những rủi ro tiềm ẩn gì? Làm thế nào để ngăn chặn?

Trả lời:

Trước hết, việc thiếu kiểm soát về nguồn gốc và chất lượng sản phẩm khiến các cơ quan quản lý gặp khó khăn trong việc kiểm tra, giám sát. Khi sàn thương mại điện tử không đăng ký, người tiêu dùng có nguy cơ mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng hoặc không đạt tiêu chuẩn an toàn, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và quyền lợi của họ. Ngoài ra, các sàn không đăng ký thường tránh được nghĩa vụ nộp thuế, gây thất thu cho ngân sách quốc gia và tạo ra môi trường cạnh tranh thiếu lành mạnh khi đặt doanh nghiệp tuân thủ đúng quy định vào thế bất lợi.

Một vấn đề khác là các sàn này thiếu các chính sách bảo vệ người tiêu dùng. Do không đăng ký, họ thường không cam kết về chất lượng sản phẩm hay có các chính sách đổi trả, bảo hành, dẫn đến rủi ro cao khi xảy ra tranh chấp mà người tiêu dùng không có cơ sở để bảo vệ quyền lợi của mình. Đặc biệt, nhiều sàn không đăng ký tại Việt Nam, không có địa chỉ trụ sở rõ ràng, khiến các cơ quan chức năng khó xác định trách nhiệm pháp lý và xử lý khi cần thiết.

Để ngăn chặn tình trạng này, trước tiên, cần quy định bắt buộc các sàn thương mại điện tử hoạt động trong nước phải đăng ký và nộp thuế đầy đủ, cũng như phải tuân thủ các yêu cầu về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Các cơ quan quản lý cần tăng cường giám sát trực tuyến và áp dụng chế tài nghiêm khắc đối với các sàn vi phạm, chẳng hạn như xử phạt hành chính hoặc đình chỉ hoạt động. Đồng thời, cần đẩy mạnh các chương trình nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, khuyến khích người tiêu dùng ưu tiên mua hàng từ các sàn đã đăng ký và có uy tín, cảnh báo về rủi ro khi giao dịch với các sàn không rõ nguồn gốc.

Bên cạnh đó, hợp tác quốc tế về quản lý thương mại điện tử xuyên biên giới là điều cần thiết trong bối cảnh toàn cầu hóa. Việc phối hợp với các quốc gia khác sẽ giúp theo dõi và truy vết các hoạt động giao dịch của các sàn nước ngoài, đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn và công bằng trong giao dịch trực tuyến, góp phần bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng và thị trường nội địa.

Nền tảng TMĐT hoạt động kinh doanh tại Việt Nam nhưng chưa đăng ký - SBLAW.jpg
Nền tảng TMĐT hoạt động kinh doanh tại Việt Nam nhưng chưa đăng ký

Câu 2: Sàn Temu đang trả hoa hồng tiếp thị liên kết cho người dùng, trong đó có mô hình trả thưởng cho người giới thiệu theo phương thức bậc thang. Như vậy, đây có phải là một dạng kinh doanh đa cấp? Loại kinh doanh này có phải đăng ký với cơ quan quản lý không?

Trả lời:

Mô hình này mang những đặc điểm tương đồng với đặc điểm của của kinh doanh đa cấp được quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp: “Kinh doanh theo phương thức đa cấp là hoạt động kinh doanh sử dụng mạng lưới người tham gia gồm nhiều cấp, nhiều nhánh, trong đó, người tham gia được hưởng hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế khác từ kết quả kinh doanh của mình và của những người khác trong mạng lưới”.Về mạng lưới cấp bậc, Temu có xây dựng một mạng lưới đa cấp với nhiều cấp bậc và người tham gia được khuyến khích giới thiệu bạn bè để nhận hoa hồng. Đối với cơ chế hoa hồng, Temu áp dụng cơ chế hoa hồng đa cấp, người giới thiệu không chỉ nhận hoa hồng từ người mình giới thiệu trực tiếp mà còn nhận thêm từ các đơn hàng từ những người mà mình đã giới thiệu mua hàng. Tuy nhiên, điểm khác biệt cốt lõi là Temu vẫn duy trì yếu tố trung tâm là sản phẩm: người tham gia có thể kiếm tiền từ việc bán hàng trực tiếp, chứ không hoàn toàn phụ thuộc vào việc mở rộng mạng lưới.

Thêm vào đó, đối với định nghĩa tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 40/2018/NĐ-CP thì phần hoa hồng nhận được từ người tham gia sẽ dựa trên kết quả kinh doanh của những người trong mạng lưới, tuy nhiên ở Temu, hoa hồng sẽ được tính dựa trên các giá trị đơn hàng của những thành viên mới tham gia. Chủ thể kinh doanh ở đây có thể là người trong mạng lưới hoặc những người bán hàng khác không trong mạng lưới.

Như vậy, mô hình trả hoa hồng và trả thưởng của sàn Temu có thể được xem xét là một dạng kinh doanh đa cấp. Theo quy định pháp luật Việt Nam, kinh doanh đa cấp là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Các công ty triển khai mô hình này phải tuân thủ các quy định về thủ tục đăng ký trong Nghị định 40/2018/NĐ-CP.

Doanh nghiệp hoạt động theo mô hình này đều phải đăng ký và được Bộ Công Thương cấp phép nhằm kiểm soát các yêu cầu pháp lý, bảo vệ người tiêu dùng, và ngăn ngừa hành vi lừa đảo. Bên cạnh đó, các công ty phải thực hiện các chính sách bảo vệ người tham gia, bao gồm cung cấp quyền hoàn trả sản phẩm, đảm bảo minh bạch trong chính sách hoa hồng, và không gây sức ép tuyển dụng. Điều này giúp người tham gia tránh việc phải mua hàng tồn kho, nhận đủ thông tin về quyền lợi, và không bị áp lực mở rộng mạng lưới. Kinh doanh đa cấp hợp pháp phải lấy sản phẩm là trọng tâm, tập trung vào giá trị thực tế của sản phẩm hoặc dịch vụ, thay vì chỉ tuyển dụng thêm người. Việc tuân thủ các quy định này tạo điều kiện cho môi trường kinh doanh đa cấp lành mạnh, bảo vệ người tiêu dùng trước những rủi ro, và đảm bảo tính bền vững cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.

Tham khảo thêm >> Tư vấn luật tài chính và ngân hàng