Cũng giống như các hợp đồng dân sự khác, Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận của bên cho vay và bên vay. Nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng vay tài sản là bên cho vay giao tài sản và bên vay có nghĩa vụ hoàn trả theo đúng số lượng, chất lượng và trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác.
Bên vay tài sản phải chịu lãi theo thỏa thuận trong hợp đồng hoặc theo pháp luật quy định. BLDS năm 2015 đã quy định về lãi suất tại Điều 468, nghĩa vụ trả nợ lãi của bên vay theo khoản 4, khoản 5 Điều 466. Để hướng dẫn cụ thể về lãi, lãi suất và phạt vi phạm trong các hợp đồng vay, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/10/2019. Trong bài viết này, tác giả chỉ đề cập đến các khoản lãi trong Hợp đồng vay tài sản không phải là Hợp đồng tín dụng được xác lập từ ngày 01/01/2017 hoặc xác lập trước ngày 01/01/2017 nhưng chưa được thực hiện mà lãi, lãi suất phù hợp quy định của BLDS năm 2015.
Đối với Hợp đồng vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 BLDS năm 2015 (50% mức lãi suất không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay) trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
Ví dụ: A cho B vay 100.000.000 đồng có viết giấy vay ngày 05/02/2017, trong đó không có thỏa thuận về lãi suất, hẹn đến 05/04/2017 trả. Đến ngày 05/4/2017, B không trả tiền vay của A nên ngày 05/6/2017 A khởi kiện đến Tòa án yêu cầu buộc B phải trả số tiền vay là 100.000.000 đồng và lãi suất theo quy định của pháp luật từ ngày 05/4/2017 đến ngày xét xử sơ thẩm. Ngày 05/9/2017, Tòa án xét xử sơ thẩm vụ án thì B phải trả cho A số tiền gốc là 100.000.000 đồng và lãi suất là: (100.000.000 đồng x 10%/năm) x 5 tháng = 4.166.666 đồng.
Đối với hợp đồng vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi gồm có: Lãi trên nợ gốc, lãi trên nợ lãi và lãi trên nợ gốc quá hạn.
– Lãi trên nợ gốc (lãi trong hạn đối với hợp đồng vay có lãi, có kỳ hạn; lãi trong thời hạn từ thời điểm vay đến thời điểm yêu cầu trả nợ đối với hợp đồng vay có lãi, không kỳ hạn) = (nợ gốc chưa trả) x (lãi suất theo thỏa thuận nhưng không được vượt quá 20%/năm hoặc 50% mức lãi suất giới hạn của 20%/năm nếu không xác định rõ lãi suất hoặc có tranh chấp về lãi suất tại thời điểm trả nợ) x thời gian vay chưa trả lãi trên nợ gốc.
– Lãi trên nợ lãi chưa trả = (nợ lãi chưa trả) x (50% mức lãi suất giới hạn của 20%/năm) x thời gian chậm trả tiền lãi trên nợ gốc.
– Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả = (nợ gốc quá hạn chưa trả) x (lãi suất do các bên thỏa thuận hoặc 150% lãi suất vay do các bên thỏa thuận) x thời gian chậm trả nợ gốc.
Ví dụ: A cho B vay 100.000.000 đồng có viết giấy vay ngày 02/2/2018 hẹn đến 02/02/2019 sẽ trả. Trong giấy vay, các bên có thỏa thuận B phải trả A lãi suất hàng tháng là 12%/năm, quá hạn B không trả thì phải chịu lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả là 150% của 12% và chịu lãi trên nợ lãi chưa trả. Đến ngày 02/02/2019, B không trả A 100.000.000 gốc nên đến ngày 02/3/2019 A khởi kiện B đến Tòa án yêu cầu B phải trả A gồm: Tiền gốc là 100.000.000 đồng, tiền lãi trên nợ gốc, lãi trên nợ lãi và lãi trên nợ gốc quá hạn. Quá trình vay B chưa lần nào trả tiền lãi cho A. B phải trả A các khoản lãi theo thỏa thuận gồm:
Tiền lãi trên nợ gốc = (100.000.000 đồng x 12%/năm) x 12 tháng = 12.000.000 đồng.
Tiền lãi trên nợ lãi chưa trả = (12.000.000 đồng x 10%/năm) x 12 tháng = 1.200.000 đồng.
Tiền lãi trên nợ gốc quá hạn = (100.000.000 đồng x 150% x 12%) x 1 tháng = 18.000.000 đồng.
Việc tính lãi trên nợ lãi chưa trả như trên có quan điểm cho rằng là không đúng vì như vậy là tính lãi chồng lãi. Tuy nhiên, BLDS năm 2015 và Nghị quyết số 01/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đều có quy định được tính lãi trên nợ lãi chưa trả. Quy định này xuất phát từ sự thỏa thuận của các bên khi ký kết hợp đồng vay tài sản. Với quy định cụ thể về các khoản lãi bên vay phải chịu trong BLDS và Nghị quyết số 01/2019 của Hội đồng Thẩm phán của Tòa án nhân dân tối cao tránh sự quyết định tùy tiện và sự thỏa thuận trái pháp luật của đương sự.
(Trích nguồn: Nguyễn Thị Thu Trang – Phòng 9 Viện KSND tỉnh Bắc Ninh)