Xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ

0
434

 

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch công ty Luật SB Law đã có những ý kiến về vấn đề xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ trên báo Luật Sư Việt Nam. Dưới đây là nội dung chi tiết

Thời gian gần đây, hàng loạt thông báo về phát mại tài sản, bán đấu giá khoản nợ, tài sản bảo đảm để thu hồi nợ liên tục xuất hiện trên trang web của các ngân hàng thời gian qua. Nhưng nhiều tài sản dù được rao bán đến cả chục lần, giá cũng hạ sâu mà vẫn khó bán.

Đấu giá là một trong các phương thức xử lý tài sản thế chấp và được xem là tối ưu mà các ngân hàng lựa chọn khi xử lý tài sản bảo đảm thu hồi nợ. Tuy nhiên, nhiều tài sản dù rao bán và hạ giá nhiều lần vẫn ế ẩm. Nguyên nhân trước tiên của vấn này là về kinh tế. Nhiều tài sản bảo đảm mà ngân hàng muốn phát mại để thu tiền về nhưng qua thời gian xử lý nợ xấu, tài sản trở nên hết giá trị hoặc là giá trị còn thấp.

Thêm nữa, việc định giá tài sản đôi khi lại chưa sát với giá thị trường, dẫn đến việc nhiều tổ chức, cá nhân cũng mong muốn mua tài sản nhưng giá lại quá cao so với thị trường. Chưa kể khi mua xong vẫn còn rất nhiều thủ tục liên quan khác khiến người mua còn e ngại. Ngoài ra, nhiều tài sản bảo đảm để giá rất cao nhưng không bán được, qua nhiều phiên đấu giá lẽ ra giá tài sản sẽ giảm sâu nhưng thực tế, giá chỉ giảm nhỏ giọt. Các thủ tục về đấu giá tài sản ở, định giá tài sản trong các quy định của pháp luật hiện chưa đồng nhất cũng gây khó cho việc thanh lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ.

Các tổ chức tín dụng đều mong muốn xử lý tài sản một cách nhanh chóng. Nhưng nếu đưa ra cơ quan tố tụng như tòa án hoặc trọng tài thì tương đối mất thời gian giải quyết. Các vụ việc khi đưa ra tòa án tại các thành phố lớn như thành phố Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh thường kéo dài rất lâu, nhiều vụ kéo dài đến 2-3 năm, thậm chí đến mười mấy năm mà vẫn chưa kết luận cuối cùng. Đồng thời, các vụ việc về tài chính ngân hàng, xử lý tài sản tương đối phức tạp, mất thời gian, liên quan đến nhiều bên.

Bên cạnh đó, các vụ việc được giải quyết tại tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, có nghĩa là chỉ tòa án nơi cư trú hoặc nơi có trụ sở của bị đơn mới có thẩm quyền giải quyết. Trong khí đó, các tổ chức tín dụng có rất nhiều khách hàng ở khắp các địa phương trên cả nước. Vì vậy, để khởi kiện tổ chức tín dụng phải cử người đi xuống từng quận, huyện để nộp đơn khởi kiện rồi theo đuổi vụ kiện.

Bất động sản là những tài sản có giá trị lớn và được thẩm định tương đối kỹ. Thời gian qua, với sự bùng nổ của thị trường bất động sản thì giá bất động sản cũng đang tăng so với lại các cái mặt hàng khác. Đặc biệt, trong thời điểm dịch Covid-19, các nguồn đầu tư, nguồn lực xã hội đầu tư nhiều vào lĩnh vực bất động sản và chứng khoán. Vì vậy, các ngân hàng đang có tài sản bảo đảm là bất động sản, việc xử lý là thuận lợi. Tuy nhiên, không phải là không có những vướng mắc còn tồn tại. Tài sản bất động sản liên quan đến nhiều lĩnh vực và quy định pháp luật khác nhau như: Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Đầu tư… Vì vậy, để xử lý một tài sản bảo đảm là bất động sản lớn, ngân hàng phải mất rất nhiều thời gian từ lúc tổ chức đấu giá cho đến khi chọn được nhà đầu tư đủ tiềm lực.

Một số giải pháp

Để khắc phục được tình trạng trên, cần có sự phối hợp của các cơ quan tư pháp, tòa án, các cơ quan thi hành án rất quan trọng. Bởi khi một vụ việc được tổ chức tín dụng đưa ra giải quyết tại cơ quan tư pháp thì cần phải thúc đẩy xử lý một cách nhanh chóng và kịp thời. Đối với những vụ việc đơn giản, có thể áp dụng thủ tục rút gọn để làm sao những cái khoản vay nhỏ có chứng cứ rõ ràng có thể được giải quyết nhanh chóng

Đồng thời, các tổ chức tín dụng cũng cần quyết liệt hơn nữa trong xử lý nợ xấu bằng cách tuân thủ đúng các quy định của pháp luật. Nhiều trường hợp để thúc đẩy tín dụng, việc thẩm định, xác minh tài sản bảo đảm chưa đúng hoặc đẩy giá lên quá cao dẫn đến khi phát sinh nợ xấu, đem bán tài sản vẫn không đủ trả nợ mới bộc lộ ra lỗ hổng trong định giá.

Ngoài ra, khi các tổ chức tín dụng đưa vụ việc ra tòa, đến lúc ra được bản án cũng cần xem kỹ bản án đấy có khả năng thi hành hay không, các phán quyết có thể được thi hành tại cơ quan thi hành án hay không. Nếu phán quyết hoặc bản án chưa rõ ràng thì chúng ta phải ngay lập tức yêu cầu ở tòa án đính chính hoặc sửa lại để đảm bảo khi đưa ra cơ quan thi hành án thì bản án có thể được thi hành.

Nguồn : https://lsvn.vn/xu-ly-tai-san-bao-dam-de-thu-hoi-no1658102535.html