Thế chấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp để vay vốn ngân hàng thương mại

0
326

 

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty TNHH SB Law đã có những giải đáp về vấn đề thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp để vay vốn thương mại. Dưới đây là nội dung chi tiết :

Câu hỏi 1:
Có phải cứ nông dân vay vốn thì sẽ được hỗ trợ lãi suất?

Trả lời:

Khoản 1 Điều 2 Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 09/06/2015 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn quy định:

“Các tổ chức thực hiện cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn là các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng…”

Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư 10/2015/TT-NHNN ngày 22/07/2015 hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/06/2015 thì tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định số 55/2015/NĐ-CP bao gồm: ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, tổ chức tín dụng phi ngân hàng (trừ công ty cho thuê tài chính, công ty tài chính bao thanh toán), tổ chức tài chính vi mô, quỹ tín dụng nhân dân và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam.

Như vậy, không chỉ có Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn mà các ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã… đều có chức năng cho nông dân vay vốn được hưởng hỗ trợ lãi suất theo quy định của pháp luật.

Đối tượng vay vốn tại tổ chức tín dụng là cá nhân và pháp nhân, bao gồm:

– Cá nhân cư trú trên địa bàn nông thôn hoặc có hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, chủ trang trại;

– Pháp nhân bao gồm:

+ Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trên địa bàn nông thôn hoặc tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp;

+ Doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn nông thôn, ngoại trừ: Doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, doanh nghiệp khai khoáng, các đơn vị sản xuất điện và các doanh nghiệp không phải là doanh nghiệp cung cấp vật tư nông nghiệp đầu vào cho sản xuất nông nghiệp và các doanh nghiệp sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm, phụ phẩm nông nghiệp nằm trong khu công nghiệp, khu chế xuất;

+ Doanh nghiệp cung cấp vật tư nông nghiệp đầu vào cho sản xuất nông nghiệp và các doanh nghiệp sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm, phụ phẩm nông nghiệp.

Theo quy định tại điều 4 Nghị định 55/2015/NĐ-CP, các lĩnh vực cho vạy phụ vụ phát triển nông nghiệp, nông thông gồm:

– Cho vay các chi phí phát sinh phục vụ quá trình sản xuất kinh doanh sản phẩm nông nghiệp từ khâu sản xuất đến thu mua, chế biến và tiêu thụ.

– Cho vay phục vụ sản xuất công nghiệp, thương mại và cung ứng các dịch vụ trên địa bàn nông thôn.

– Cho vay để sản xuất giống trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, trồng rừng và cung ứng các sản phẩm, dịch vụ phục vụ quá trình sản xuất nông nghiệp.

– Cho vay phát triển ngành nghề tại địa bàn nông thôn.

– Cho vay phục vụ Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

– Cho vay các nhu cầu phục vụ đời sống của cư dân trên địa bàn nông thôn.

– Cho vay theo các chương trình kinh tế liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của Chính phủ.

Về lãi suất cho vay, Điều 10 Nghị định 55/2015/NĐ-CP quy định như sau: 

“1. Lãi suất cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn do khách hàng và tổ chức tín dụng thỏa thuận phù hợp với quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong từng thời kỳ.

  1. Trường hợp các chương trình tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ thì mức lãi suất và phương thức hỗ trợ thực hiện theo quy định của Chính phủ.
  2. Những khoản cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn từ nguồn vốn của Chính phủ hoặc các tổ chức, cá nhân ủy thác thì mức lãi suất được thực hiện theo quy định của Chính phủ hoặc theo thỏa thuận với bên ủy thác”.

Như vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành, trong trường hợp người vay là cá nhân/pháp nhân thuộc một trong các nhóm đối tượng và sử dụng phần vốn cho vay vào các mục đích trên, khi thực hiện vay vốn tại ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, tổ chức tín dụng phi ngân hàng (trừ công ty cho thuê tài chính, công ty tài chính bao thanh toán), tổ chức tài chính vi mô, quỹ tín dụng nhân dân và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam sẽ áp dụng mức lãi suất theo thỏa thuận hoặc được hưởng mức lãi suất ưu đãi nếu thực hiện chương trình tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ/vay các khoản cho vay vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn từ nguồn vốn của Chính phủ. Người vay chỉ được hưởng mức lãi suất ưu đãi nếu đáp ứng các điều kiện nhất định hoặc tham gia vào các gói vay vốn từ nguồn vốn theo chương trình của Chính phủ, không phải cứ nông dân vay vốn thì sẽ được hưởng hỗ trợ lãi suất.

Câu hỏi 2: Pháp luật có bắt buộc ngân hàng phải chấp nhận GCNQSD Đất nông nghiệp/Lâm nghiệp làm tài sản thế chấp?

Trả lời:

Khoản 1 Điều 9 Nghị định 55/2015/NĐ-CP quy định về cơ chế bảo đảm tiền vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn như sau:

“Tổ chức tín dụng được xem xét cho khách hàng vay trên cơ sở có bảo đảm hoặc không có bảo đảm bằng tài sản theo quy định của pháp luật”.

Mặt khác, vay thế chấp đất nông nghiệp là hình thức khách hàng dùng đất nông nghiệp là tài sản đảm bảo cho khoản vay. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật và quy định của các ngân hàng thì không phải mảnh đất nông nghiệp nào cũng được ngân hàng xét duyệt.

Trên thực tế hiện nay có ít ngân hàng chấp nhận loại tài sản thế chấp này. Bởi vì vị trí địa lý xa xôi, giá trị sử dụng thấp hơn giá trị của đất thổ cư, gây khó khăn cho bộ phận thẩm định giá trị tài sản của ngân hàng.

Từ điều kiện vay khó khăn hơn so với các loại tài sản khác nên hạn mức vay cũng thấp hơn nhiều nhằm hạn chế rủi ro, đảm bảo khả năng thanh toán nợ của khách hàng.

Điều kiện vay thế chấp đất nông nghiệp:

Một số ngân hàng chấp nhận sử dụng đất nông nghiệp làm tài sản thế chấp với các điều kiện sau:

  • Mảnh đất đó phải có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
  • Không có tranh chấp với bất cứ ai ở thời điểm vay vốn;
  • Quyền sử dụng đất không bị hoặc chưa bị kê biên trong xử lý vụ án
  • Vẫn còn thời hạn sử dụng đất
  • Đã đóng tiền sử dụng đất cho nhà nước

Thủ tục vay thế chấp đất nông nghiệp:

Người dân cần chuẩn bị các giấy tờ sau:

  • Giấy đề nghị vay vốn (theo mẫu của ngân hàng)
  • CMND, Hộ khẩu/tạm trú của khách hàng vay hoặc bên thứ ba (nếu có)
  • Giấy tờ pháp lý thể hiện tình trạng hôn nhân của khách hàng vay và/hoặc của bên thứ ba (nếu có)
  • Các giấy tờ liên quan đến tài sản đảm bảo hoặc tài sản thuộc quyền sở hữu của bên thứ 3 đứng ra bảo lãnh (là cha mẹ, anh chị em ruột, người hôn phối của khách hàng vay)
  • Giấy tờ chứng minh nguồn thu nhập và khả năng chi trả hàng tháng

Quy trình vay thế chấp đất nông nghiệp:

Bước 1: Nhận tư vấn về gói vay và chuẩn bị hồ sơ cần thiết theo chỉ dẫn của nhân viên ngân hàng

Bước 2: Ngân hàng tiếp nhận và tiến hành thẩm định hồ sơ

Bước 3: Quyết định xét duyệt hồ sơ và gửi thông báo quyết định đến khách hàng

Bước 4: Ký kết hợp đồng và tiến hành giải ngân (tiền mặt hoặc chuyển khoản)

 

Câu hỏi 3: Làm thế nào để nông dân vay vốn được hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất?

Trả lời:

Thứ nhất, các cơ quan ban ngành cần tham mưu trình Chính phủ ban hành chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và thường xuyên sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cho phù hợp với nhu cầu phát triển mới. 

Thứ hai, quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VNĐ đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thấp hơn từ 1%-2% lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác, đồng thời triển khai nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức tín dụng mở rộng tín dụng nông nghiệp, nông thôn, như: Thực hiện chính sách hỗ trợ về nguồn vốn cho các tổ chức tín dụng có tỷ lệ cho vay nông nghiệp, nông thôn từ 40% trở lên; khuyến khích các tổ chức tín dụng mở rộng hoạt động và phát triển thêm các gói sản phẩm tín dụng phù hợp ở khu vực nông nghiệp, nông thôn, nhất là các khu vực có mạng lưới ngân hàng chưa phát triển… Trong đó, khuyến khích phát triển mô hình ngân hàng lưu động, điểm giao dịch  cấp xã để đưa vốn và cung cấp dịch vụ ngân hàng đến tận tay người dân.

Thứ ba, chủ động cân đối nguồn vốn để đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và triển khai nhiều chương trình tín dụng đặc thù góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, người dân đầu tư phát triển một số mặt hàng nông sản thế mạnh của Việt Nam như lúa gạo, thủy sản, cà phê…; khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết 30/NQ-CP của Chính phủ; hỗ trợ ngư dân đóng mới, nâng cấp tàu phục vụ khai thác hải sản theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP; hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định 68/2013/QĐ-TTg,…

Thứ tư, triển khai mạnh mẽ, sâu rộng chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp nhằm tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ cao, liên kết với nông dân trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn nông thôn. Đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục vay vốn, đồng thời niêm yết công khai, minh bạch các quy trình, thủ tục cho vay, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay để doanh nghiệp, người dân khu vực nông nghiệp, nông thôn được vay vốn một cách thuận lợi với thời gian nhanh nhất.

Bên cạnh đó, quan tâm phát triển tín dụng phục vụ đời sống cho người dân khu vực nông thôn, đặc biệt là ở các khu vực còn nhiều khó khăn, vùng sâu, vùng xa,  góp phần giảm nghèo bền vững và hạn chế tình trạng tín dụng đen thông qua nhiều giải pháp đồng bộ như: tạo hành lang pháp lý cho các TCTD, nhất là Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội, hệ thống quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô mở rộng tín dụng phục vụ nhu cầu tiêu dùng, cải thiện đời sống của người dân nông thôn; phối hợp với các cấp Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội khác đưa vốn đến tận tay người dân một cách hiệu quả nhất, giúp hàng triệu hộ nông dân được tiếp cận và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay ngân hàng…

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị – xã hội tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đến các tổ chức, cá nhân, trong đó có chính sách tín dụng tiêu dùng phục vụ đời sống.