Chỉ dẫn Địa lý được đề xuất sửa đổi như thế nào trong Luật sở hữu trí tuệ mới?

0
1114

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law đã có những giải đáp về Chỉ dẫn địa lý trên kênh truyền hình Quốc hộ.

Dưới đây là nội dung chi tiết:

Thưa Luật sư, chỉ dẫn địa lý là một cấu phần quan trọng của bảo hộ sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên thời gian quan, việc thực thi chỉ dẫn địa lý chưa được quan tâm đúng mức. Luật sư nhìn nhận như thế nào về vấn đề này?

Trong năm vừa qua, mặc dù bối cảnh trong nước và thế giới có nhiều khó khăn do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, số lượng đơn đăng ký được tiếp nhận và giấy chứng nhận đăng ký được cấp liên quan đến chỉ dẫn địa lý ở nước ta đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Cụ thể, theo thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ, trong năm 2020 có 22 đơn được tiếp nhận và 21 giấy chứng nhận được cấp.

Trên thực tế, việc bảo hộ và thực thi liên quan đến chỉ dẫn địa lý luôn được các cơ quan chức năng rất lưu tâm bởi đây là một công cụ vô cùng hữu ích để nâng cao chất lượng hàng hóa của Việt Nam trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, việc đăng ký và quản lý việc sử dụng chỉ dẫn địa lý vẫn đang chỉ tập trung ở các cơ quan quản lý nhà nước. Hiện nay, các chính sách thúc đẩy và đổi mới trong phương thức quản lý chỉ dẫn địa lý đã và đang tiếp tục được đưa ra thảo luận. Do bản chất của chỉ dẫn địa lý là tài sản trí tuệ chung của cộng đồng những người sản xuất sản phẩm gắn với khu vực địa lý tương ứng, việc đăng ký, quản lý và khai thác đối tượng này phải hướng tới thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng cư dân, các nhà sản xuất sản phẩm để có thể đạt được hiệu quả và tận dụng tối đa lợi ích mà đối tượng quyền mang lại.

Trên thực tế, pháp luật Việt Nam có những qui định về sở hữu trí tuệ, tuy nhiên việc xâm phạm sở hữu trí tuệ lại xảy ra thường xuyên. Điển hình những vụ việc như trà trộn đặc sản vùng miền trong nước, hay nổi tiếng hơn là vụ tranh chấp chỉ dẫn địa lý của nước mắm Phú Quốc ở Châu Âu, vụ tranh chấp cà phê Buôn Ma Thuột ở Trung Quốc. Theo Luật sư, việc xảy ra những vụ việc này có phải là do nền tảng pháp luật về vấn đề này chưa đầy đủ?

Trước hết, đối với việc xâm phạm quyền trong nước, thực trạng này diễn ra không hoàn toàn nằm ở vấn đề của nền tảng pháp luật. Việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nói chung và chỉ dẫn địa lý nói riêng ở Việt Nam đang ngày càng phổ biến và phức tạp, mà nguyên nhân đầu tiên đến từ ý thức của người tiêu dùng. Ở nhiều chợ đầu mối, việc bán hàng giả, hàng nhái được thực hiện công khai, thậm chí còn được đón nhận nhiệt tình do giá cả thấp hơn nhiều so với hàng thật. Chính vì tâm lý chuộng hàng giá rẻ này mà những sản phẩm giả mạo kém chất lượng luôn tìm được kẽ hở để tồn tại trên thị trường.

Đối với những vụ việc tranh chấp về chỉ dẫn địa lý tại nước ngoài, điều này cũng bắt nguồn từ nguyên nhất lớn là tâm lý chủ quan của các doanh nghiệp nước ta. Đối với lĩnh vực sở hữu trí tuệ, mỗi quốc gia có một quy định riêng, theo quy tắc bên nào đăng ký trước thì bên đó có quyền. Do đó, nếu doanh nghiệp Việt Nam chậm chân, hậu quả sẽ rất khó lường. Việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại nước ngoài không quá khó và không tốn quá nhiều chi phí. Tuy nhiên, nếu có tranh chấp xảy ra thì sẽ tốn kém chi phí và công sức hơn nhiều, mà khả năng thành công thì không thể nói trước.

Hiện nay, nội dung chỉ dẫn địa lý đang được đề xuất sửa đổi trong cả luật sở hữu trí tuệ và luật tố tụng hình sự, theo Luật sư các nội dung sửa đổi đã phù hợp với tình hình thực tế? Liệu có nâng cao được tính bảo hộ của chỉ dẫn địa lý?

Dự thảo sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ lần này bao hàm một phạm vi khá rộng, với khoảng 10 điều có nội dung liên quan đến chỉ dẫn địa lý. Các sửa đổi này không mang tính chất thay đổi chính sách mà chủ yếu là bổ sung hoặc làm rõ hơn một số vấn đề. Trong đó, một số điểm nổi bật liên quan đến quy định về việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý đồng âm, quản lý chỉ dẫn địa lý, quyền của tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý, v.v.

Đối với dự thảo sửa đổi Luật Tố tụng hình sự, các quy định đưa vào dự thảo đã cho thấy sự nỗ lực của Việt Nam trong việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ nói chung và chỉ dẫn địa lý nói riêng. Cụ thể, dự thảo đưa ra quy định cho phép cơ quan tố tụng có thẩm quyền có thể khởi tố vụ án hình sự hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý mà không cần có yêu cầu khởi tố của bị hại. Đây là một bước đi cần thiết trong quá trình nội luật hoá khi Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Mặc dù các nội dung trong dự thảo sửa đổi không quá nhiều, tuy nhiên, tôi hy vọng rằng các quy định mới sẽ giúp hoàn thiện hơn nữa hệ thống pháp luật về Sở hữu trí tuệ của nước ta, nhằm tạo thuận lợi cho cho việc sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là hàng nông sản của Việt Nam mang chỉ dẫn địa lý.

Theo Luật sư, để phát huy được tính hiệu quả của chỉ dẫn địa lý, thì cần phải có thêm những giải pháp nào?

Như đã trao đổi ở trên, tôi cho rằng việc thực thi pháp luật nói chung và sở hữu trí tuệ nói riêng phụ thuộc rất nhiều vào ý thức chung của cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng. Do đó, để các quy định pháp luật thực sự đi vào cuộc sống, công tác tuyên truyền và hướng dẫn về các quy định mới cần được triển khai rộng rãi đến các nhóm đối tượng liên quan, đặc biệt là các cơ quan quản lý nhà nước trong từng lĩnh vực và các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng.

Ngoài ra, các hoạt động liên quan đến bảo hộ chỉ dẫn địa lý cũng cần được nâng cao theo hướng đi vào chiều sâu, cụ thể là nâng cao về hiệu quả công tác quản lý, sử dụng, phát triển sau bảo hộ. Trong trường hợp này, ta cần chú trọng đến việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống kiểm soát chất lượng đối với sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý. Việc kiểm soát như vậy sẽ giúp thiểu những trường hợp trà trộn hàng hóa kém chất lượng, gây ảnh hưởng tới uy tín sản phẩm và xâm phạm chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ.