Vụ BH Media phản pháo VTV về bản quyền Quốc ca: Luật sư nói gì?

0
1187

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law đã có quan điểm về Vụ BH Media phản pháo VTV về bản quyền Quốc ca trên báo Giao thông. Dưới đây là nội dung chi tiết:

Các luật sư cho rằng, BH Media có quyền với bản ghi âm, ghi hình mà họ sản xuất và sở hữu chứ không phải nội dung bài hát.

Chỉ xem xét quyền của BH Media với bản ghi

Liên quan tới tranh cãi xung quanh việc BH Media bị VTV cho là “nhận vơ” bản quyền ca khúc “Tiến quân ca” – Quốc ca của Việt Nam, theo luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SB Law, gia đình cố nhạc sĩ Văn Cao đã hiến tặng tác phẩm cho Nhà nước là hiến tặng phần “nhạc và lời”.

Vụ BH Media phản pháo VTV về bản quyền Quốc ca: Luật sư nói gì? 1

Gia đình cố nhạc sĩ Văn Cao hiến tặng bài hát cho Nhà nước và nhân dân

Còn lại, khi đơn vị nào sản xuất một bản ghi âm/ghi hình, họ có quyền đối với bản ghi âm/ghi hình đó. Đây là quyền sử dụng bản ghi (thuộc quyền liên quan). Khi ai sử dụng bản ghi âm, ghi hình do họ sản xuất, phải có sự đồng ý của chủ sở hữu bản ghi này.

“Một tác phẩm bình thường, khi biểu diễn hay ghi âm ghi hình phải trả quyền tác giả. Nhưng “Tiến quân ca” thuộc về toàn dân, BH Media không bật chức năng kiếm tiền và yêu cầu ai sử dụng bản ghi âm, ghi hình của mình phải xin phép cũng là hợp lý”, anh chia sẻ.

Trong khi đó, luật sư Phạm Duy Khương – Giám đốc Công ty luật ASL Law phân tích, “Tiến quân ca” sau khi được hiến tặng là tài sản thuộc về toàn dân, không ai nắm quyền sở hữu và ai cũng có quyền sử dụng. Tuy nhiên, bài hát được hiến tặng thuộc dạng “chết” chứ không phải bản ghi cụ thể nào.

Bởi thế, ai sử dụng bài hát đó để sản xuất sản phẩm ghi âm, ghi hình, người đó có quyền với bản ghi đó. Nếu sản phẩm được sản xuất từ trước khi bài hát được hiến tặng, người đó vẫn có quyền với bản ghi này.

Do đó, vấn đề là BH Media xác nhận quyền sở hữu thì phải đưa ra bằng chứng về mối quan hệ của họ với sản phẩm này. BH Media có được sử dụng tác phẩm không? Người tổ chức bản ghi âm, ghi hình có mối quan hệ gì với họ không? Lúc này, chỉ xem xét quyền của họ với bản ghi âm, ghi hình chứ không phải nội dung bài hát.

Nếu Hồ Gươm Audio là đơn vị sản xuất bản ghi âm, ghi hình này, cần xem xét đơn vị này nắm giữ quyền với bản ghi này ra sao. Bản ghi sản xuất trên đĩa CD sẽ là hành vi phân phối, còn đưa lên mạng là hành vi truyền tải tác phẩm tới công chúng qua mạng internet. Cần xem Hồ Gươm Audio có quyền truyền tải hay không.

“Một tác phẩm có nhiều yếu tố: bài hát, các bản ghi âm ghi hình bài hát, người biểu diễn bài hát và đơn vị tổ chức phát sóng bài hát có người biểu diễn tham gia. Các yếu tố này tồn tại độc lập. Bên nào sở hữu quyền nào thì sử dụng cái đó.

Còn sử dụng tới mức nào lại cần phải được cho phép của chủ sở hữu. Với bài hát được hiến tặng sẽ do Bộ Văn hóa, Thể Thao & Du lịch quản lý vấn đề bản quyền”, luật sư Khương nhận định.

Vụ BH Media phản pháo VTV về bản quyền Quốc ca: Luật sư nói gì? 2

VTV đưa tin BH Media “nhận vơ” bản quyền nhiều ca khúc

BH Media bức xúc bị tố “nhận vơ” bản quyền “Tiến quân ca”

Trước đó, ngày 4/11, báo điện tử VTV và Trung tâm Tin tức VTV24 đưa tin, ca khúc “Tiến quân ca” bị BH Media xác nhận sở hữu bản quyền. Đây là ca khúc đã được gia đình nhạc sĩ Văn Cao hiến tặng cho nhân dân và Tổ quốc.

Ngay sau đó, công ty BH Media phản pháo và cho biết, thông tin của VTV đưa ra là không đúng, không hiểu chính xác về quyền tác giả, quyền liên quan (theo Luật sở hữu trí tuệ).

​Theo công ty này, quyền tác giả của ca khúc vĩnh viễn thuộc về nhạc sĩ Văn Cao. Còn bản ghi “Tiến quân ca” do Hồ Gươm Audio bỏ tiền sản xuất, theo Luật sở hữu trí tuệ, Hồ Gươm Audio là chủ sở hữu của bản ghi. Bất kỳ ai muốn sử dụng bản ghi của họ đều phải xin phép. Hồ Gươm Audio đã ủy quyền quản lý, khai thác trên YouTube cho BH Media.

Năm 2016, Bộ Văn hóa – thể thao và du lịch đã có công văn gửi Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đề nghị dừng thu phí bản quyền ca khúc “Tiến quân ca” do gia đình cố nhạc sĩ đã có thư hiến tặng cho nhân dân và nhà nước.

Nhưng nếu cá nhân, tổ chức nào bỏ thời gian, công sức, tiền bạc ra làm một bản ghi “Tiến quân ca” thì theo Luật sở hữu trí tuệ, họ là nhà sản xuất, là chủ sở hữu của bản ghi này (quyền liên quan).

Vụ BH Media phản pháo VTV về bản quyền Quốc ca: Luật sư nói gì? 3

BH Media được Hồ Gươm Audio ủy quyền quản lý, khai thác tác phẩm trên YouTube

Do đó, khi BH Media đưa bản ghi “Tiến quân ca” của Hồ Gươm Audio lên YouTube, nếu ai upload video sử dụng chính xác bản ghi này, YouTube mới gửi thư thông báo xác nhận bản quyền.

BH Media cũng khẳng định, đơn vị này không bật quảng cáo và chức năng kiếm tiền cho bản ghi, để đảm bảo tính tôn nghiêm cho tác phẩm. Người dân cũng được nghe miễn phí tác phẩm này.

Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/vu-bh-media-phan-phao-vtv-ve-ban-quyen-quoc-ca-luat-su-noi-gi-d531224.html