Lưu ý về pháp lý khi giao dịch nhà ở

0
387

Trước thực trạng chủ đầu tư đã thế chấp dự án cho ngân hàng nhưng vẫn bán nhà cho người dân, Luật sư Nguyễn Thị Thu, luật sư thành viên của SBLAW, người có nhiều năm tư vấn cho các dự án bất động sản có một số lưu ý về pháp lý khi người dân giao dịch nhà ở.

1.Tìm hiểu rõ thông tin về chủ đầu tư, tìm kiếm bằng nhiều nguồn và nhiều thông tin khác nhau để xác định về năng lực tài chính, về thâm niên, về mức độ tín nhiệm của chủ đầu tư trên thị trường. Ví dụ như có thể đến những dự án mà chủ đầu tư đó đã thực hiện xong và đã đưa vào sử dụng, hỏi thăm ý kiến của những người dân ở đó về tiến độ xây dựng, tiến độ bàn giao … – để làm căn cứ tham khảo.

2.Ngân hàng nhận bảo lãnh cho chủ đầu tư cũng là một yếu tố người mua nên tham khảo. Sẽ yên tâm hơn khi chủ đầu tư được bảo lãnh bởi một ngân hàng lớn, có tiềm lực tài chính mạnh, đã thâm niên và có uy tín trên thị trường.

3.Tìm hiểu kỹ về dự án, bằng việc tra soát các thông tin liên quan trên mạng. Đặc biệt là tìm hiểu về tình trạng pháp lý của dự án, tìm cách tiếp cận với hồ sơ pháp lý của chủ đầu tư, để xác nhận:

–      Chủ đầu tư đã được cấp phép để thực hiện dự án đầu tư.

–      Chủ đầu tư đã được cấp phép xây dựng tòa nhà và các công trình hạ tầng có liên quan.

–      Lĩnh vực hoạt động của chủ đầu tư có ngành nghề kinh doanh bất động sản.

Một số nội dung cơ bản như vậy, người mua nên dành thời gian để tìm hiểu, có đủ thông tin, cân nhắc kỹ trước khi quyết định tham gia vào 1 dự án.

Còn thì trường hợp chủ đầu tư đang thế chấp dự án rồi mà vẫn tung sản phẩm ra thị trường thì đúng là chưa từng phổ biến. Tuy vậy, vì vừa có tiền lệ xong, nên người mua cứ thẳng thắn đặt thẳng câu hỏi này với bên sàn giao dịch để làm rõ.

Cuối cùng, nếu là giao dịch lớn, mua nhiều căn hộ, người mua nhà cũng có thể tham khảo ý kiến của các chuyên gia tư vấn, các luật sư bất động sản để có thêm thông tin và tư vấn cho giao dịch thành công và hạn chế rủi ro pháp lý.