Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở

0
451

Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở
Ngày 20/10/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 99/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở.
Nghị định gồm 9 Chương với 88 Điều, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều, khoản về sở hữu nhà ở, phát triển nhà ở, quản lý, sử dụng nhà ở, giao dịch về nhà ở và quản lý nhà nước về nhà ở tại Việt Nam quy định tại Luật Nhà ở số 65/2014/QH13. Cụ thể như sau:
* Đối tượng áp dụng
Đối tượng áp dụng của Nghị định gồm:
– Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức;
– Cá nhân nước ngoài có liên quan đến sở hữu, phát triển, quản lý, sử dụng và giao dịch về nhà ở tại Việt Nam;
– Cơ quan quản lý nhà nước có liên quan đến nhà ở.
* Cấm kinh doanh tại căn hộ chung cư
– Nghị định cho phép cá nhân, tổ chức được kinh doanh dịch vụ nhà hàng, karaoke, quán bar… trong phần diện tích dùng để kinh doanh của nhà chung cư; tuy nhiên, không được kinh doanh tại căn hộ chung cư, kể từ sau ngày 10/06/2016.
– Như vậy, với trường hợp trong giấy tờ đăng ký kinh doanh có ghi sử dụng căn hộ chung cư làm địa điểm kinh doanh trước ngày 01/07/2015, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân phải chuyển hoạt động kinh doanh sang địa điểm khác không phải là căn hộ chung cư trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày 10/12/2015.
– Ngoài nội dung nêu trên, Nghị định cũng quy định cấp Giấy chứng nhận cho chủ sở hữu của từng căn hộ trong nhà ở riêng lẻ được xây dựng có từ 02 tầng trở lên, tại mỗi tầng có từ 02 căn hộ, được thiết kế, xây dựng theo kiểu khép kín, mỗi căn hộ có diện tích sàn tối thiểu từ 30m2 trở lên.
* Quy định cụ thể thủ tục cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư
– Trường hợp chủ đầu tư không bàn giao kinh phí bảo trì hoặc bàn giao không đầy đủ, không đúng hạn theo quy định thì Ban quản trị có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có nhà chung cư yêu cầu chủ đầu tư bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư.
– Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản của Ban quản trị, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm xem xét, kiểm tra;
+ Nếu các bên đã quyết toán số liệu kinh phí bảo trì mà chủ đầu tư vẫn chưa bàn giao kinh phí bảo trì thì UBND cấp tỉnh phải có văn bản yêu cầu chủ đầu tư bàn giao kinh phí cho Ban quản trị. Trong thời hạn không quá 7 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản của UBND cấp tỉnh, chủ đầu tư phải bàn giao kinh phí bảo trì này.
– Trường hợp các bên vẫn chưa lập biên bản quyết toán số liệu kinh phí bảo trì thì các bên phải thống nhất quyết toán số liệu và bàn giao kinh phí bảo trì cho Ban quản trị trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
* Đầu tư xây dựng nhà ở để phục vụ tái định cư
Theo Nghị định, việc đầu tư xây dựng nhà ở để phục vụ tái định cư được thực hiện thông qua các hình thức sau:
– Nhà nước trực tiếp đầu tư bằng nguồn vốn quy định tại Khoản 3 Điều 36 của Luật Nhà ở để xây dựng nhà ở hoặc mua nhà ở thương mại để làm nhà ở phục vụ tái định cư.
– Nhà nước đầu tư xây dựng nhà ở thông qua hình thức xây dựng – chuyển giao (BT).
– Chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại hoặc dự án hạ tầng khu công nghiệp thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở để phục vụ tái định cư theo quy định tại Khoản 3, Khoản 4 Điều 35 của Luật Nhà ở.
* Vốn cho phát triển nhà ở để phục vụ tái định cư
– Việc huy động vốn cho phát triển nhà ở để phục vụ tái định cư được thực hiện theo các hình thức quy định tại Điều 72 của Luật Nhà ở.
– Trường hợp phát triển nhà ở bằng nguồn vốn quy định tại Khoản 3 Điều 36 của Luật Nhà ở thì việc bố trí vốn được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công và pháp luật ngân sách nhà nước.
– Trường hợp phát triển nhà ở theo hình thức BT thì thực hiện theo quy định tại Điều 14 của Nghị định này.
– Trường hợp huy động vốn từ tiền bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất thì thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai; nếu huy động vốn từ Quỹ phát triển đất thì do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.
– Trường hợp huy động vốn thông qua hình thức góp vốn, hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh, liên doanh, liên kết thì các bên phải ký kết hợp đồng góp vốn hoặc hợp đồng hợp tác đầu tư hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh;
+ Bên tham gia góp vốn theo các hợp đồng này chỉ được phân chia lợi nhuận (bằng tiền hoặc cổ phiếu) trên cơ sở tỷ lệ vốn góp theo thỏa thuận trong hợp đồng, trừ trường hợp các chủ sở hữu nhà ở tham gia góp vốn, hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh để phá dỡ nhà ở và đầu tư xây dựng nhà ở phục vụ tái định cư theo quy định của Luật Nhà ở và pháp luật về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.
– Trường hợp Nhà nước ứng vốn từ ngân sách để đầu tư xây dựng hoặc mua nhà ở phục vụ tái định cư thì thực hiện như sau:
+ Trên cơ sở phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, Sở Xây dựng lập kế hoạch phân bổ và tiến độ cung cấp nhà ở đối với từng dự án nhà ở phục vụ tái định cư, bao gồm cả trường hợp bố trí tái định cư để thực hiện dự án quan trọng quốc gia trên địa bàn và báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt;
+ Căn cứ vào kế hoạch phân bổ nhà ở tái định cư đã được phê duyệt và đề nghị của chủ đầu tư, cơ quan có thẩm quyền quyết định ứng trước vốn từ nguồn ngân sách địa phương để chủ đầu tư triển khai thực hiện dự án;
+ Chủ đầu tư dự án nhà ở phục vụ tái định cư có trách nhiệm hoàn trả cho ngân sách địa phương thông qua việc bán, cho thuê mua nhà ở cho các hộ gia đình, cá nhân thuộc diện được tái định cư hoặc khấu trừ vào tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của các hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất và giải tỏa nhà ở trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày thu tiền bán, cho thuê mua nhà ở hoặc ngày được cấp kinh phí bồi thường hỗ trợ tái định cư.
* Quy định việc quản lý, sử dụng nhà ở phục vụ tái định cư
Việc quản lý, sử dụng nhà ở phục vụ tái định cư được quy định như sau:
– Chủ sở hữu nhà ở tái định cư có trách nhiệm quản lý, vận hành và bảo trì nhà ở thuộc sở hữu của mình theo quy định của Luật Nhà ở, Nghị định này và pháp luật có liên quan.
– Đối với nhà chung cư thì phải tuân thủ các quy định về quản lý, sử dụng nhà chung cư; chủ sở hữu phải đóng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư theo quy định của Luật Nhà ở và Nghị định này, đóng kinh phí quản lý vận hành nhà chung cư và các chi phí sử dụng dịch vụ theo thỏa thuận với nhà cung cấp dịch vụ.
– Đối với nhà ở thuộc sở hữu nhà nước thì còn phải tuân thủ các quy định tại Chương V của Nghị định này; trường hợp là nhà ở xã hội thì còn phải tuân thủ các quy định về quản lý, sử dụng nhà ở xã hội;
+ Đối với nhà ở tại khu vực nông thôn thì phải bảo đảm vệ sinh, môi trường, phòng cháy, chữa cháy; phải tuân thủ các quy định về nếp sống văn hóa, văn minh cộng đồng dân cư, quản lý duy tu, bảo dưỡng các công trình hạ tầng kỹ thuật khu vực nơi có nhà ở.
* Quy định sở hữu nhà ở tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài
Theo đó, giấy tờ chứng minh đối tượng và điều kiện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam:
– Đối với cá nhân nước ngoài thì phải có hộ chiếu còn giá trị có đóng dấu kiểm chứng nhập cảnh của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh Việt Nam và không thuộc diện được quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao theo quy định của Pháp lệnh về quyền ưu đãi, miễn trừ dành cho cơ quan Đại diện ngoại giao, cơ quan Lãnh sự và cơ quan Đại diện của Tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
– Đối với tổ chức nước ngoài thì phải thuộc đối tượng quy định tại Điều 159 của Luật Nhà ở và có Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép hoạt động tại Việt Nam còn hiệu lực tại thời điểm ký kết các giao dịch về nhà ở.
* Nghị định này thay thế cho các Nghị định sau đây:
– Nghị định số 51/2009/NĐ-CP ngày 03 tháng 6 năm 2009 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị quyết số 19/2008/QH12 ngày 03 tháng 6 năm 2008 của Quốc hội về việc thí điểm cho tổ chức, cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam;
– Nghị định số 71/2010/NĐ-CP ngày 23 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở;
– Nghị định số 34/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ về quản lý sử dụng nhà ở thuộc sở hữu nhà nước;
– Nghị định số 84/2013/NĐ-CP ngày 25 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định về phát triển và quản lý nhà ở tái định cư.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 12 năm 2015.
Quý khách hàng có thể xem thêm phần tư vấn của luật sư SBLAW về vấn đề nhà ở: