Nông sản địa phương, xây dựng và phát triển thương hiệu

0
876

SBLAW trân trọng giới thiệu nội dung bài trả lời phỏng vấn của Luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch SBLAW với Đài Truyền hình Hòa Bình trong chương trình Sở hữu Trí tuệ và cuộc sống với chủ đề Xây dựng và bảo vệ thương hiệu cho sản phẩm nông sản địa phương

PV: Kính thưa quý vị và các bạn: Xây dựng và bảo vệ thương hiệu cho các sản phẩm nông sản trong nước hiện đang là mối quan tâm của rất nhiều địa phương. Hiện nay, do chưa thấy được tầm quan trọng và giá trị thương hiệu của sản phẩm nên cả người dân và doanh nghiệp vẫn chưa mặn mà với việc xây dựng thương hiệu, đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu cho sản phẩm.

 

Bên cạnh đó, việc sản xuất nông sản ở các địa phương hiệu nay chủ yếu theo hình thức đơn lẻ, manh mún và tự phát cho nên để người nông dân tự đăng ký, quản lý và khai thác thương hiệu là rất khó khăn.

 

Là một tỉnh đã bắt đầu quan tâm đến việc đăng ký bảo hộ cho các sản phẩm nông sản từ rất sớm, Hòa Bình cũng đang gặp phải những khó khăn trong việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu cho các sản phẩm nông sản của mình.

 

Bàn về vấn đề xây dựng và bảo hộ thương hiệu cho các sản phẩm nông sản của các địa phương trong cả nước nói chung và tỉnh Hòa Bình nói riêng, hôm nay chúng tôi có mời Luật sư Nguyễn Thanh Hà trao đổi về vấn đề này:

 

Thưa quý vị và các bạn!  Chúng ta thường nghe và nói về “thương hiệu”. Tuy nhiên, thực tế là không phải ai cũng hiểu đúng khái niệm “thương hiệu”. Trong chương trình hôm nay, chúng ta sẽ cùng nhau trao đổi về vấn đề thương hiệu hàng nông sản. Vậy có lẽ trước tiên, chúng ta sẽ cùng làm rõ khái niệm mang tính chuyên sâu này. Xin trân trọng kính mời ông Hà có thể nói rõ hơn về khái niệm “thương hiệu” cho khán giả truyền hình Hòa Bình được biết?

Luật sư: Vâng! thưa quý vị và các bạn, chúng ta thường nghe nhiều đến thuật ngữ thương hiệu, nhằm để chỉ danh tiếng của một người, một doanh nghiệp hay một sản phẩm/dịch vụ có chất lượng (thương hiệu Mỹ Tâm, thương hiệu Hòa Phát, thương hiệu SONY…).

Tuy nhiên, hiện nay không có định nghĩa chính thức nào về thương hiệu (kể cả các văn bản pháp luật).

Song thực tế thương hiệu vẫn được nhiều người quen dùng, nhằm chỉ các đối tượng của quyền SHTT như:

(1) dùng để chỉ nhãn hiệu (như CocaCola, OMO, Trung Nguyên);

(2) Chỉ dẫn địa lý (như hồng không hạt Bắc Kạn, quýt Bắc Kạn, nước mắm Phú Quốc…) và

(3) Tên thương mại:

Trong cách nói như vậy thì, thương hiệu được hiểu là nhãn hiệu chiếm phần lớn, tiếp đến thương hiệu là chỉ dẫn địa lý và cuối cùng thương hiệu là tên thương mại. Trong khuôn khổ của Tọa đàm hôm nay chúng ta thống nhất cách gọi các dấu hiệu địa danh gắn liền với đặc sản của địa phương là THƯƠNG HIỆU, như thương hiệu rượu cần Hòa Bình…

PV: Thưa quý vị, các sản phẩm nông sản, đặc sản ở nước ta rất nhiều và thường gắn với địa danh. Nông dân & doanh nghiệp là đối tượng được hưởng lợi ích kinh tế trực tiếp từ những địa danh này. Tuy nhiên nhận thức của doanh nghiệp và nông dân trong vấn đề bảo hộ sở hữu trí tuệ, phát triển thương hiệu nông sản còn hết sức hạn chế. Vậy xin được hỏi Ông Hà, đây có phải là nguyên nhân dẫn đến tình trạng có quá ít nông sản có thương hiệu trên thị trường hay không?

Luật sư: Như chúng ta đã biết, xu hướng chung của thị trường hiện nay đòi hỏi sản phẩm trong đó có sản phẩm nông sản phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, nhãn hiệu hàng hóa được bảo hộ từ các cơ quan chức năng của Nhà nước.

Sự chậm trễ này khiến nhiều nông sản nổi tiếng khó cạnh tranh với các loại hàng hóa giá rẻ, dẫn đến sản phẩm không có thương hiệu và chỗ đứng trên thị trường, ảnh hưởng đến quyền lợi của người nông dân…

Nguyên nhân chính của tình trạng trên là do chính quyền cơ sở và người nông dân chưa thấy hết tầm quan trọng của việc xây dựng và đăng ký xác lập bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp về nhãn hiệu nông sản.

Bên cạnh đó kỹ năng kinh doanh, thương mại và tiếp thị sản phẩm của người sản xuất chưa thật sự  tốt.

Sản xuất nông nghiệp vẫn còn mang tính chất nhỏ lẻ, năng lực hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp còn hạn chế, sự liên kết giữa chính quyền, người dân, và doanh nghiệp chưa chặt chẽ dẫn đến tình trạng các sản phẩm nông sản phát triển một cách tự phát, không có sự quản lý chặt chẽ của các ban ngành các cấp làm ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm nông sản.

 

Luật sư Nguyễn Thanh Hà trả lời tại trường quay
Luật sư Nguyễn Thanh Hà trả lời tại trường quay

PV: Vâng, như vậy thì một trong những nguyên nhân dẫn đến còn quá ít nông sản có thương hiệu trên thị trường đó là việc các doanh nghiệp và người dân chưa thực sự chủ động trong việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm của mình. Vậy thì nếu như chúng ta không đăng ký bảo hộ cho những sản phẩm này thì có thể sẽ gây ra những thiệt hại như thế nào đối với những người nông dân trực tiếp sản xuất ra sản phẩm hay như đối với các doanh nghiệp thì sẽ gặp phải vấn đề gì? Xin luật sư có thể cho biết ý kiến về vấn đề này?

Luật sư: Thường thì danh tiếng của các đặc sản, nhất là các sản phẩm nông nghiệp, luôn gắn liền với một địa danh nhất định.

Việc đăng ký SHTT dưới một hình thức pháp lý nhất định cho các đặc sản là nhằm 3 mục đích:

Thứ nhất là, Bảo vệ danh tiếng của đặc sản, tránh sự lạm dụng hoặc giả mạo.

Thứ Hai: Khuyến khích sản xuất nông nghiệp đa dạng và ổn định nông thôn.

Thứ Ba: Giúp người tiêu dùng nhận biết và lựa chọn đặc sản.

Ngược lại, nếu không đăng ký SHTT thì đương nhiên không có công cụ pháp lý để bảo vệ các đặc sản đó, dẫn đến một số hậu quả:

– Các đặc sản đó dần dần bị mai một không giữ được hoặc bị lạm dụng danh tiếng mà phát triển một cách tràn làn hoặc giả mạo.

– Không khuyến khích được sản xuất nông nghiệp, thiếu việc làm, dẫn đến người dân bỏ nghề, bỏ làng, nông thôn bị xáo trộn, thiếu ổn định.

– Những nhà sản xuất trực tiếp không có cơ hội để hoàn thiện quy trình sản xuất, kinh doanh sản phẩm, xuất hiện các hành vi ép giá, cạnh tranh không lành mạnh, dẫn đến doanh thu bị  giảm mạnh, đời sống bấp bênh….

– Các doanh nghiệp sản xuất thì bị thu hẹp sản xuất và kinh doanh, không có nguồn hàng có chất lượng danh tiếng để cung cấp cho thị trường, kể cả xuất khẩu. Các DN thương mại thì thiếu nguồn hàng có chất lượng và xuất xứ rõ ràng, dẫn đến kinh doanh đơn điệu, thiếu bền vững.

PV: Thưa quý vị và các bạn, trong thời qua các dự án hỗ trợ và phát triển cho các đặc sản của địa phương đã và đang được thực hiện khá hiệu quả. Một trong những mục đích mà dự án hướng tới đó là các sản phẩm được đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ dưới một trong các hình thức như nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận hay chỉ dẫn địa lý. Vậy xin được hỏi Ông, Ông có thể cho biết ý nghĩa của việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm này được không ạ?

 

Luật sư: Bảo hộ nhãn hiệu tập thể cho một số sản phẩm nông sản, đặc sản địa phương bước đầu mang lại kết quả tích cực như hạn chế những rủi ro về biến động giá và mở rộng thị trường tiêu thụ, xây dựng thương hiệu hàng hóa cho nông sản, góp phần tăng hiệu quả sản xuất và thu nhập, tác động để quy hoạch lại kinh tế – xã hội nông thôn tại nơi có các sản phẩm nông sản đã được đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ.

Ngoài các cơ hội về kinh doanh, thương mại, việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm nông sản ở trong nước nói chung và tỉnh Hòa Bình nói riêng còn có ý nghĩa rất quan trọng là góp phần thúc đẩy quá trình văn minh hóa nông thôn và duy trì văn hóa truyền thống của các vùng, khu vực, quốc gia.

Đồng thời đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm nông sản cũng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội ở các vùng nông thôn, vùng khó khăn, vùng núi, cải thiện và nâng cao đời sống văn hóa, xã hội của người dân tại địa phương có sản phẩm được đăng ký.

Việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm nông sản có nhiều lợi ích thiết thực, chính vì vậy chúng ta cần phải đẩy mạnh việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm nông sản ở địa phương.

PV: Quả thực là việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ sẽ mang lại rất nhiều ý nghĩa cho người dân, cho doanh nghiệp và cho cả những người sử dụng sản phẩm. Tuy nhiên, thì trong những năm qua số lượng đăng ký sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm nông sản ở địa phương còn quá ít so với tiềm năng vốn có của nó. Vậy xin được hỏi luật sư, nguyên nhân của vấn đề này là do đâu?

Luật sư: Nói là rất ít nông sản được đăng ký bảo hộ SHTT thì chưa hẳn đã đúng, vì ngoài 35 chỉ dẫn địa lý đã đăng ký, chúng ta còn có hàng ngàn đặc sản đăng ký dưới hình thức nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận.

 

Tuy nhiên, là một nước nông nghiệp, thế mạnh của chúng ta là “ở đâu cũng có đặc sản”, nên với số lượng đặc sản thực hiện đăng ký SHTT như vậy là chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh sẵn có, đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục đầu tư để có nhiều đặc sản đăng ký trong thời gian tới, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu và hội nhập.

2. Việc đăng ký SHTT đối với đặc sản chưa nhiều là do một số nguyên nhân chính sau đây:

– Chúng ta mới áp dụng cơ chế đăng ký chỉ dẫn địa lý chưa được lâu (từ 1.7.2006) (trước đó là đăng ký tên gọi xuất xứ hàng hóa), nên mới chỉ có 35 chỉ dẫn địa lý được đăng ký, mà cũng chỉ mới tập trung vào mấy năm gần đây.

– Quy định của pháp luật về đăng ký chỉ dẫn địa lý, Nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận đòi hỏi chặt chẽ hơn so với hồ sơ đăng ký nhãn hiệu thông thường. Nhất là về chủ đơn đăng ký Nhãn hiệu tập thể: phải là tập thể (đại diện cho lợi ích cộng đồng). Nên cơ chế thành lập các hiệp hội, hội, Hợp tác xã cũng gặp không ít khó khăn về thủ tục hành chính. Do vậy, ở mức độ nào đó thời gian làm các thủ tục đăng ký chỉ dẫn địa lý, Nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận thường là khá lâu, ảnh hưởng đến số lượng đơn đăng ký loại hình này.

 

– Nhận thức của công chúng, nhất là người dân ở những vùng có chỉ dẫn địa lý gắn liền với đặc sản, về lợi ích của việc đăng ký còn chưa rõ ràng, thậm chí là họ còn hoài nghi. Một phần là do thói quen lâu nay mạnh ai người ấy làm, một phần là do khâu quản lý các chỉ dẫn địa lý, Nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận ở một số nơi chưa đáp ứng yêu cầu, lợi ích sau khi đăng ký cũng còn hạn chế, nên người dân không mặn mà với cái gọi là “sở hữu tập thể”.  

 

PV: Thưa quý vị và các bạn, vấn đề bảo vệ thương hiệu cho một doanh nghiệp sở hữu và tạo dựng đã khó, việc bảo vệ thương hiệu nông sản nổi tiếng – của cộng đồng nhiều doanh nghiệp, nhiều nông dân thì còn khó hơn rất nhiều. Bởi hiện nay tâm lý nhiều người dân vẫn ỷ lại, cho rằng việc đăng ký và bảo vệ sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm nông sản là việc của Nhà nước chứ không liên quan đến mình. Người dân chỉ là người sử dụng, không cần quan tâm đến xây dựng và bảo vệ thương hiệu. Vậy thưa luật sư, theo ý kiến của luật sư thì chúng ta cần phải có những tác động gì để có thể làm thay đổi những suy nghĩ này của người dân?

Luật sư: Việc thay đổi nhận thức của người dân là việc làm rất cần thiết và rất cần vai trò của chính quyền địa phương, của các hiệp hội và đặc biết là từ các công ty tư vấn xây dựng thương hiệu cho nông sản địa phương.

Thông qua các hoạt động tư vấn, tuyên truyền, các chuyên gia cần phải có các chương trình hỗ trợ người dân, khi họ đã am hiểu về vai trò quan trọng của thương hiệu đối với sản phẩm thì tư duy của họ cũng thay đổi.

Tuy nhiên, các gốc của vấn đề vẫn là người dân thông qua việc xây dựng thương hiệu, họ thực sự nhận được lợi ích từ chương trình như giá nông sản tăng, uy tín của thương hiệu cao và lợi nhuận thu về lớn.

Nếu thực sự làm được việc đó, tôi nghĩ người dân sẽ thực sự tham gia vào việc phát triển nông sản địa phương.

PV: Chúng ta vẫn biết, Hòa Bình nổi tiếng với sản phẩm rượu cần Hòa Bình, mía tím….  đã được cấp bằng . Mặc dù cũng đã có những kết quả khá tích cực cho sản phẩm sau việc được cấp bằng này nhưng giá trị kinh tế mang lại cho bà con thì quả thực chưa phải là lớn. Vậy xin được hỏi luật sư, đối với những sản phẩm nông sản như cam Cao Phong và Mía tím…, sau khi đã được bảo hộ sở hữu trí tuệ thì cần phảicó những bước xây dựng và phát triển tiếp theo như thế nào thì mới thực sự mang lại hiệu quả? 

Luật sư: Việc đăng ký SHTT cho các đặc sản là việc làm hết sức cần thiết và nên làm sớm. Hòa Bình đã và đang tiến hành rất tốt việc đăng ký SHTT đối với các đặc sản dưới hình thức chỉ dẫn địa lý, Nhãn hiệu tập thể chúng ta cần phát huy và tiếp tục đầu tư để có nhiều đặc sản được đăng ký.

Tuy nhiên, nếu chỉ đăng ký mà không quản lý, phát triển tốt các Tài sản trí tuệ đó, thì việc đăng ký được xem như chưa đáp ứng yêu cầu của việc xây dựng và phát triển thương hiệu cho các đặc sản truyền thống.

Để làm được điều mong muốn phát triển thương hiệu cho các đặc sản tạo nên thế mạnh của địa phương, theo tôi, Hòa Bình nói riêng và các địa phương có đặc sản nói chung, cần tập trung vào một số nội dung sau đây:

–  Tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con ở những vùng có đặc sản tích cực tham gia vào các hội, hiệp hội, làng nghề để cùng nhau chung sức, chung lòng xây dựng, phát triển và bảo vệ các đặc sản truyền thống. Tránh trường hợp mạnh ai người ấy làm như lâu nay, dẫn đến tự cạnh tranh lẫn nhau, làm mai một danh tiếng của đặc sản.

– Chính quyền địa phương nơi có đặc sản nên có chính sách khuyến khích, hỗ trợ bà con về việc chọn lựa, khôi phục cây giống, con giống, tạo nên và giữ được đặc sản đúng là truyền thống

– Các chủ Nhãn hiệu tập thể, người quản lý chỉ dẫn địa lý phải tiến hành quản lý tốt các đối tượng này sau khi đăng ký, thông qua các quy chế sử dụng, quy chế quản lý và cần xử lý nghiêm các sai phạm do lợi dụng danh tiếng của đặc sản mà làm ăn gian dối, mang sản phẩm ở vùng khác đến bán để kiếm lời…

– Cần tố chức tốt hơn nữa việc tuyên truyền và quảng bá các đặc sản sau khi đăng ký SHTT, với nhiều hình thức khác nhau: Trưng biển hiệu, áp phích, tờ rơi, triển lãm,  các siêu thị…

–  Liên kết để tạo ra mạng lưới phân phối chặt chẽ, nghiêm ngặt và có hiệu quả tại các siêu thị, trung tâm thương mại và cũng phải tính đến cả xuất khẩu để đặc sản thực sự phát huy thế mạnh và tạo nên thương hiệu mạnh của địa phương.

PV: Trong thời gian gần đây, các câu chuyện về việc mất các thương hiệu nông sản nổi tiếng của nước ta xảy ra trên một số thị trường thế giới đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho tất cả chúng ta. Nhiều chuyên gia đã kêu gọi: xây dựng, bảo vệ thương hiệu nông sản, ngay bây giờ hoặc không bao giờ. Điều đó cho thấy, việc này đã trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.

Hi vọng qua buổi tọa đàm hôm nay, chúng tôi đã mang tới cho khán giả truyền hình Hòa Bình một cái nhìn chân thực về lợi ích của việc đăng ký bảo hộ Sở hữu trí tuệ và xây dựng thương hiệu nông sản địa phương, để từ đó người dân và các doanh nghiệp trên địa bàn có những hành động thiết thực và kịp thời trong việc xây dựng, bảo vệ thương hiệu cho các sản phẩm nông sản của mình trong công cuộc hội nhập kinh tế quốc tế ngày nay.

Một lần nữa xin cảm ơn sự tham gia của các vị khách mời. Cảm ơn sự quan tâm theo dõi của quý vị và các bạn. Xin chào và hẹn gặp lại!