Quy định mới về thủ tục hải quan cho doanh nghiệp.

0
591

Chính Phủ vừa ban hành Nghị định số 08/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành luật hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan.

Về phạm vi điều chỉnh, nghị định này chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan và kiểm soát hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, thông tin có liên quan đến hoạt động quản lý nhà nước về hải quan.

Đối tượng áp dụng ở đây là các tổ chức, cá nhân thực hiện xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa, xuất cảnh, quá cảnh phương tuện vận tải; tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh phương tiện vận tải; cơ quan hải quan, công chức hải quan; cơ quan khác của nhà nước trong việc phối hợp quản lý nhà nước về hải quan.

Nghị định quy định người khai hải quan bao gồm: Chủ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Trường hợp chủ hàng hóa là thương nhân nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam thì phải thực hiện thủ tục hải quan thông qua đại lý làm thủ tục hải quan.

Chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh hoặc người được chủ phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh ủy quyền.

Người được chủ hàng hóa ủy quyền trong trường hợp hàng hóa là quà biếu, quà tặng của cá nhân; hành lý gửi trước, gửi sau chuyến đi của người xuất cảnh, nhập cảnh.

Người thực hiện dịch vụ quá cảnh hàng hóa. Đại lý làm thủ tục hải quan. Doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính quốc tế, dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế trừ trường hợp chủ hàng có yêu cầu khác.

Điều kiện để được áp dụng chế độ ưu tiên đối với doanh nghiệp:

–          Trong thời hạn 02 năm liên tục tính đến thời điểm doanh nghiệp nộp văn bản đề nghị công nhận doanh nghiệp ưu tiên, doanh nghiệp không vi phạm các quy định của pháp luật về thuế, hải quan tới mức bị xử lý vi phạm về các hành vi trốn thuế, gian lận thuế, buôn lậu và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; các hành vi vi phạm hành chính có hình thức, mức xử phạt vượt thẩm quyền Chi cục trưởng Chi cục Hải quan và các chức danh tương đương.

–          Áp dụng các chuẩn mực kế toán theo quy định của Bộ Tài chính; báo cáo tài chính hàng năm phải được kiểm toán bởi công ty kiểm toán đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán theo quy định của pháp luật về kiểm toán độc lập. Ý kiến kiểm toán về báo cáo tài chính nêu trong báo cáo kiểm toán phải là ý kiến chấp nhận toàn phần theo chuẩn mực kiểm toán Việt Nam.

–          Doanh nghiệp phải thực hiện và duy trì hệ thống, quy trình quản lý, giám sát, kiểm soát vận hành thực tế trong toàn bộ dây chuyền cung ứng hàng hóa xuất, nhập khẩu của mình.

–          Doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu đạt kim ngạch 100 triệu USD/năm; doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sản xuất tại Việt Nam đạt kim ngạch 40 triệu USD/năm; doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa là nông sản, thủy sản sản xuất hoặc nuôi, trồng tại Việt Nam đạt kim ngạch 30 triệu USD/năm; đại lý thủ tục hải quan: số tờ khai làm thủ tục hải quan trong năm đạt 20.000 tờ khai/năm. Kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu trong các trường hợp này là kim ngạch bình quân trong 2 năm liên tiếp tính đến ngày doanh nghiệp có văn bản đề nghị xem xét, không bao gồm kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu ủy thác.

Việc áp dụng quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan phải do cơ quan hải quan thực hiện kiểm tra, giám sát hải quan, kiểm tra sau thông quan, thanh tra và các biện pháp nghiệp vụ khác dựa trên việc tổng hợp, xử lý các kết quả đánh giá tuân thủ pháp luật của người khai hải quan, phân loại mức độ rủi ro.

Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan căn cứ vào kết quả tổng hợp, xử lý các kết quả đánh giá tuân thủ pháp luật của người khai hải quan, phân loại mức độ rủi ro theo tiêu chí do Bộ Tài chính ban hành để quyết định hoặc phân cấp quyết định việc kiểm tra, giám sát hải quan, kiểm tra sau thông quan, thanh tra hải quan và các biện pháp nghiệp vụ hải quan khác trên cơ sở phù hợp với nguồn nhân lực, các điều kiện thực tế quản lý hải quan.

Nguyên tắc, phương pháp xác định trị giá hải quan:

–          Đối với hàng hóa xuất khẩu: Trị giá hải quan hàng xuất khẩu là giá bán của hàng hóa tính đến cửa khẩu xuất, không bao gồm phí bảo hiểm quốc tế và phí vận tải quốc tế. Giá bán của hàng hóa tính đến cửa khẩu xuất là giá ghi trên hợp đồng mua bán hàng hóa hoặc các hình thức có giá trị pháp lý tương đương hợp đồng, hóa đơn thương mại và các chứng từ có liên quan của lô hàng phù hợp với hàng hóa thực xuất khẩu.

–          Đối với hàng hóa nhập khẩu: Trị giá hải quan hàng nhập khẩu là giá thực tế phải trả tính đến cửa khẩu nhập đầu tiên trên cơ sở áp dụng Hiệp định chung về thuế quan và thương mại hoặc theo các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết. Cửa khẩu nhập đầu tiên được xác định như sau:

  • Đối với phương thức vận tải đường biển, đường hàng không, cửa khẩu nhập đầu tiên là cảng dỡ hàng ghi trên vận đơn;
  • Đối với phương thức vận tải đường sắt, cửa khẩu nhập đầu tiên là ga đường sắt liên vận quốc tế ở biên giới;
  • Đối với phương thức vận tải đường bộ, đường sông, cửa khẩu nhập đầu tiên là cửa khẩu biên giới nơi hàng hóa nhập khẩu đi vào lãnh thổ Việt Nam.

Nghị định này có hiệu lực thi hành bắt đầu từ ngày 15 tháng 3 năm 2015. Nghị định này thay thế các Nghị định sau: số 154/2005/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan; số 87/2012/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Hải quan về thủ tục hải quan điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thương mại; số 66/2002/NĐ-CP quy định về định mức hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh và quà biếu, tặng nhập khẩu được miễn thuế; số 06/2003/NĐ-CP quy định về việc phân loại hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; số 40/2007/NĐ-CP quy định về việc xác định trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.