SỬ DỤNG CHỨNG MINH THƯ NGƯỜI KHÁC VAY NỢ TÍN DỤNG

0
534

Giờ có nhiều đối tượng lấy chứng minh thư của khách hàng để mở thẻ tín dụng nhằm trục lợi (thông tin, chữ ký khác). Sau đó nạn nhân sẽ bị thông báo nợ xấu với khoản nợ từ thẻ tín dụng đó mà không hề sử dụng.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật SBLAW

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law đã có quan điểm về “Sử dụng chứng minh thư người khác vay nợ tín dụng”. Dưới đây là nội dung chi tiết:

Câu hỏi: Thưa ông, đây có phải là lỗ hổng trong quy định của ngân hàng hay không khi mà chỉ cần cmt là có thể mở thẻ tín dụng được?

Trả lời:

Đây chính là một lỗ hổng trong quy định của các tổ chức tín dụng. Kẻ gian sẽ lợi dụng Chứng minh thư của Khách hàng, của những người bị mất hoặc ở những hàng cầm đồ, cho vay để có thể lấy thông tin, lập ra các tài khoản ngân hàng hay mở thẻ tín dụng với hành vi trục lợi cho bản thân. Việc làm này khiến cho người dân hoang mang, lo lắng, ảnh hưởng đến uy tín của cá nhân người bị hại. Do đó, thiết nghĩ, các tổ chức tín dụng cần phải có những bước xác minh cẩn trọng và an toàn hơn, cách thức làm việc chuyên nghiệp hơn, từ đó mới có thể tạo được uy tín cũng như sự an tâm cho khách hàng.

Những rủi ro khi lộ số CMND, CCCD bạn nên biết
Sử dụng chứng minh thư người khác để vay tín dụng

Câu hỏi: Thưa ông, hành vi như vậy sẽ vị xử phạt như thế nào? Nạn nhân cần làm gì trước tình huống đó (báo cho công an, liên hệ ngân hàng…)

Trả lời:

1) Hành vi như vậy sẽ vị xử phạt như thế nào?

Thứ nhất, xử phạt hành chính

Điểm a Khoản 2 Điều 10 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình, quy định hành vi chiếm đoạt, sử dụng Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân hoặc Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân của người khác sẽ bị xử phạt với mức tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.

Thứ hai, xử lý hình sự:

Việc các đối tượng sử dụng chứng minh thư của khách hàng để mở thẻ tín dụng vay nợ tại ngân hàng sau đó không trả lại tiền vay thì người đó có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) với mức hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 175 Bộ luật hình sự với mức hình phạt cao nhất là 20 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

2) Nạn nhân cần làm gì trước tình huống đó (báo cho công an, liên hệ ngân hàng…)

Trước tiên, nạn nhân cần liên hệ ngay với các tổ chức tín dụng có thông tin tài khoản để khoá và ngăn chặn giao dịch. Nếu thường sử dụng các ứng dụng (app) thanh toán có liên quan đến thông tin, hình ảnh cá nhân thì người sử dụng cần liên lạc với các chuyên gia bảo mật hoặc các công ty về bảo mật có các dịch vụ cung ứng nhằm ứng cứu sự cố để được hỗ trợ nhanh nhất.

Tiếp đó, người dân có thể tố cáo vụ việc lên cơ quan Công an có thẩm quyền. Đồng thời, thông báo nội dung vụ việc đến các tổ chức, cá nhân liên quan và trình bày rõ mình là nạn nhân của hành vi lừa đảo để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Trên đây là quan điểm của luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SBLAW về vấn đề “Sử dụng chứng minh thư người khác vay nợ tín dụng”.