TRẢ LẠI “LINH HỒN” CHO TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI

0
536

Khi được đề nghị tư vấn về phương thức giải quyết tranh chấp, các luật sư Việt Nam thường khuyên khách hàng, đặc biệt là khách nước ngoài, lựa chọn trọng tài thương mại thay vì kênh tố tụng tòa án.
Không chỉ vì tính hiệu quả, tiết kiệm thời gian, quy trình tố tụng đơn giản, linh hoạt, đề cao, tôn trọng sự thỏa thuận của các bên, ưu điểm quan trọng nhất của trọng tài thương mại so với tòa án trong trường hợp của Việt Nam có lẽ là tính “có thể tin cậy”.
Nhưng các luật sư Việt Nam hẳn sẽ phân vân với khuyến nghị nói trên nếu họ biết được rằng thông kê của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho thấy giai đoạn 2011-2014, có 20 yêu cầu hủy phán quyết trọng tài thì có 10 phán quyết được tòa chấp nhận hủy. Tỷ lệ hủy lên đến 50% là cao khó tin và bất thường.
Theo pháp luật quốc tế về trọng tại thương mại, tòa án được trao thẩm quyền hủy phán quyết trọng tài nhưng chỉ trong một số trường hợp rất hạn hữu. Thực tế, các tòa án cũng rất cẩn trọng trong việc xem xét hiệu lực của phán quyết trọng tài và ít khi tuyên hủy phán quyết nêu không có các bằng chứng xác đáng.
Ví dụ như luật mẫu về trọng tài thương mại quốc tế của UNCITRAL nhìn chung chỉ cho phép tòa án hủy một phần hoặc toàn bộ phán quyết trọng tại trong các trường hợp có vi phạm thủ tục tố tụng nghiêm trọng ảnh hưởng đến quyền của các đương sự; thỏa thuận trọng tài vô hiệu; phán quyết trọng tài vượt ra khỏi yêu cầu của các bên; vấn đề tranh chấp không thuộc thẩm quyền giải quyết của trọng tài theo luật quốc gia; hoặc phán quyết trái với lợi ích công cộng.
Tòa án chỉ được can thiệp ở mức độ tối thiểu vào tố tụng trọng tài đơn giản là vì nếu can thiệp nhiều, tòa án đã vô hình chung vô hiệu hóa cơ chế giải quyết tranh chấp bằng trọng tài.
Ai còn lựa chọn trọng tài nếu biết rằng phán quyết trọng tài có khả năng rất cao bị tòa án xem xét lại. Hay nói cách khác, đặc tính chung thẩm, không bị kháng cáo của phán quyết trọng tài — là “linh hồn” của tố tụng trọng tài sẽ bị đặt trước một dấu hỏi lớn.
Người ta cũng sẽ ngại ngần tìm đến trọng tài nếu thủ tục tố tụng trọng tài không còn linh hoạt và luôn bị giám sát, can thiệp của tòa án.
Quay lại với Việt Nam, Luật Trọng tài thương mại 2010 nhìn chung cũng có các quy định tương tự như Luật mẫu UNCITRAL về các cơ sở để tòa án có thể hủy phán quyết trọng tài. Nghĩa là, tương tự như thông lệ chung của thế giới, tòa án không được trao nhiều cơ hội để phủ nhận các phán quyết trọng tài.
Nhưng trong khi tại các quốc gia khác, đặc biệt là các quốc gia phát triển, tỷ lệ hủy phán quyết trọng tài rất thấp thì con số 50% phán quyết bị hủy như trên là cao một cách hết sức bất thường.
Nhiều người đổ lỗi do luật pháp chưa hoàn thiện hay do trình độ, hiểu biết của thẩm phán về pháp luật trọng tài chưa cao là các nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên nhưng có lẽ nguyên nhân lớn hơn là các quan tòa đang cố tình không hiểu hoặc cố tình hiểu không đúng tình thần và pháp luật trọng tài thương mại.
Ở Việt Nam, “yêu cầu tòa hủy phán quyết” có vẻ như đang trở thành một cánh cửa khá rộng cho các bên thua kiện sử dụng nhằm “lật ngược thế cờ” hoặc ít nhất cũng kéo dài quá trình tố tụng.
Nếu tình trạng này tiếp tục, cơ chế giải quyết tranh chấp bằng trọng tài chắc chắn sẽ mất dần tính hấp dẫn và khó có cơ hội phát triển. Hệ thống tòa án, do đó, sẽ tiếp tục gần như “độc quyền” giải quyết các tranh chấp thương mại.
Cần phải nói thêm, sự tồn tại của các cơ chế giải quyết tranh chấp hiệu quả, tin cậy là một trong những trụ cột quan trọng cho môi trường kinh doanh của bất kỳ quốc gia nào. Trong bối cảnh hệ thống tòa án Việt Nam bị cho là chưa đủ tin cậy, thì việc duy trì, phát triển các cơ chế giải quyết tranh chấp ngoài tòa án như trọng tài thương mại là hết sức cần thiết.
Điều đáng lo ngại là là dù với tư cách là một thành tựu văn minh nhân loại, cơ chế giải quyết tranh chấp bằng trọng tài khi du nhập vào Việt Nam sẽ bị làm cho méo mó đến mức không còn là chính nó nữa.
Hãy trả lại cho trọng tài thương mại cái gì thuộc về nó trước khi người ta mất dần niềm tin vào cơ chế giải quyết tranh chấp này. Một khi bị mất niềm tin, con đường phát triển của trọng tài thương mại ở Việt Nam hẳn sẽ còn rất xa xôi.