Nhận lời mời của phóng viên Việt Dương, kênh truyền hình tài chính – kinh doanh VTIV, luật sư Nguyễn Thanh Hà chủ tịch SBLAW đã có phần trao đổi về vấn đề Xử lý khủng hoảng truyền thông dưới góc nhìn luật sư.
Chúng tôi trân trọng giới thiệu nội dung bài phỏng vấn:
CÂU HỎI: Trong câu chuyện của CTCP Y tế Việt Nhật (JVC) vừa qua, điều đáng nói là dù có tin đồn về việc ban lãnh đạo bị khởi tố về lừa dối khách hàng, nhưng JVC gần như bặt vô âm tín, không giải trình, không phản đối, trong khi chỉ có thông báo “DN vẫn hoạt động bình thường”, rồi sau đó lại ra thông báo đính chính về việc Chủ tịch HĐQT bị bắt.
Điều này đã khiến rất nhiều nhà đầu tư bị ảnh hưởng khi giá cổ phiếu tụt thảm hại mất tới hơn 70% giá trị trong giai đoạn thông tin không rõ ràng.
Ông đánh giá như thế nào về vấn đề minh bạch thông tin trong câu chuyện này?
Phải chăng JVC đang lừa dối nhà đầu tư?
LUẬT SƯ TRẢ LỜI: Câu chuyện bạn nêu ra liên quan đến quy định của pháp luật về nghĩa vụ công bố thông tin của công ty đại chúng.
Vì vậy, sự trao đổi của tôi sẽ xoay quanh các quy định của pháp luật về trường hợp mà trong trường hợp đó, công ty đại chúng phải thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin.
Trong câu chuyện bạn nêu ra, tôi thấy có 2 trường hợp mà công ty đại chúng phải công bố thông tin, đó là:
- Trường hợp Chủ tịch HĐQT bị khởi tố thì công ty đại chúng phải thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin như thế nào?
- Trường hơp có thông tin gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá của cổ phiếu của công ty đại chúng, thì công ty đại chúng phải công bố thông tin như thế nào?
Văn bản pháp luật áp dụng trực tiếp trong trường hợp này là:
- Thông tư số 52 ban hành năm 2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn về việc công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.
- Quyết định số 578 năm 2014 của Ủy ban chứng khoán nhà nước hướng dẫn công ty đại chúng sử dụng hệ thống công bố thông tin của Ủy ban chứng khoán nhà nước.
Theo hai văn bản nêu trên,
- Trường hợp có thông tin, cụ thể trường hợp này là có tin đồn khiến giá của cổ phiếu của công ty đại chúng bị sụt giảm, thuộc trường hợp công ty đại chúng phải công bố thông tin theo yêu cầu của Ủy ban chứng khoán Nhà nước. Điều 9 Khoản 1 Thông tư số 52 quy định: Công ty đại chúng phải công bố thông tin trong thời hạn hai mươi bốn (24) giờ, kể từ khi nhận được yêu cầu của UBCKNN khi Có thông tin liên quan đến công ty đại chúng ảnh hưởng lớn đến giá chứng khoán và cần phải xác nhận thông tin đó.
Qua tìm hiểu thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, cụ thể là các báo đã đưa tin, tôi được biết, trong trường hợp này, UBCKNN đã liên hệ với công ty đại chúng này để yêu cầu báo cáo. Tại thời điểm đó, công ty này đã báo cáo là “doanh nghiệp vẫn hoạt động bình thường”.
Theo suy nghĩ của tôi thì có thể tại thời điểm doanh nghiệp báo cáo với UBCKNN, vẫn chưa có quyết định chính thức từ phía cơ quan công an về việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyên Chủ tịch HĐQT, nên công ty này mới báo cáo với Ủy ban như vậy. Nhưng nếu ở thời điểm Ủy ban yêu cầu báo cáo, đã có Quyết định chính thức từ cơ quan công an, mà công ty này không thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin thì tức là đã vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin như quy định tại Điều 9 của Thông tư.
Còn
- Trường hợp Chủ tịch HĐQT bị bắt tạm giam để phục vụ cho điều tra, thì công ty đại chúng có nghĩa vụ phải công bố thông tin trong thời hạn 24 giờ tính từ thời điểm xảy ra sự kiện bắt tạm giam. Đây là một trường hợp công ty đại chúng phải công bố thông tin bất thường theo quy định tại Điều 8 Thông tư số 52.
Người chịu trách nhiệm công bố thông tin trong 2 trường hợp nêu trên là người đại diện theo pháp luật của công ty đại chúng, hoặc người đại diện theo ủy quyền đã đăng ký với UBCKNN.
Cách thức thực hiện việc công bố thông tin như sau:
- Đăng trên trang thông tin điện tử (Website) và các ấn phẩm khác của công ty đại chúng.
- Gửi báo cáo bằng văn bản, đăng trên cổng thông tin điện tử và các ấn phẩm khác của UBCKNN.
Trong thời hạn 24 giờ kể từ thời điểm được yêu cầu hoặc kể từ thời điểm xảy ra sự kiện.
CÂU HỎI: Vụ việc JVC đã ảnh hưởng đến niềm tin nhà đầu tư.
Và hệ quả là khi có tin đồn thất thiệt về việc có khả năng HHS đang bị sai phạm hoặc bị điều tra, nhà đầu tư đã bán tháo cổ phiếu này mà không hề kiểm chứng, bất chấp HHS đã giải thích cụ thể và rõ ràng.
Đối với hành vi tung tin đồn thất thiệt gây ảnh hưởng đến hình ảnh và thương hiệu của doanh nghiệp, theo ông, cần phải xử lý theo hướng như thế nào?
Có chế tài nào bảo vệ nhà đầu tư trong những trường hợp trên hay không?
LUẬT SƯ TRẢ LỜI: Qua tìm hiểu trên báo chí, đúng như bạn nêu, HHS đã chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tin đồn về việc công ty này bị điều tra, giá cổ phiếu của công ty này đã sụt giảm nghiêm trọng, quyền lợi của nhà đầu tư bị thiệt hại không biết bao nhiêu mà kể.
Tôi thiết nghĩ, nhà đầu tư trước tiên phải tự bảo vệ mình bằng việc không chạy theo đám đông.
Khi có thông tin, hay nói chính xác là tin đồn thì cần bình tĩnh xem xét nguồn tin đó có đáng tin hay không?
Tin thì phải đi kèm với bằng chứng xác thực, xác nhận cho tin đó thì mới tin được. Không vội vàng chạy theo số đông, bán đổ, bán tháo khiến thị trường bị náo loạn, tạo cơ hội đục nước béo cò.
Mà không biết đâu chừng có bàn tay tác động từ phía sau để nhà đầu tư bán tháo ra để mua gom vào.
Việc xử lý mà bạn đề cập đến trong tình huống này, theo tôi, sẽ được thực hiện bởi chính doanh nghiệp bị ảnh hưởng, bị thiệt hại từ tin đồn đó, và bởi cơ quan quản lý nhà nước có liên quan.
Từ phía doanh nghiệp, phải tự vệ bằng việc phản ứng ngay, nhanh là luôn để bác bỏ mọi tin đồn gây ảnh hưởng đến giá cổ phiếu của mình.
Sử dụng các phương tiện truyền thông, các trang tin tiện tử, hoặc tổ chức họp báo là những việc làm cần thiết phải làm ngay sau khi tin đồn bị phát tán.
Tiếp đến, cần yêu cầu các cơ quan chức năng vào cuộc, cụ thể là trình báo ra cơ quan công an để điều tra và xử lý tận gốc kẻ đã tung tin khiến doanh nghiệp mình bị thiệt hại.
Từ phía cơ quan quản lý nhà nước, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng điều tra bên công an, an ninh, và UBNCNN. UBCKNN cần chủ động xử lý các thông tin thất thiệt này trên hệ thống cổng thông tin và các ấn phẩm khác của Ủy ban.
CÂU HỎI: Theo ông, trong trường hợp DN gặp khủng hoảng do tin đồn thất thiệt gây ra, biện pháp giải quyết là gì?
LUẬT SƯ TRẢ LỜI: Theo tôi, vấn đề này thuộc nhóm chủ đề xử lý khủng hoảng về truyền thông của doanh nghiệp.
Mỗi doanh nghiệp có một cách xử lý riêng phù hợp với định hướng phát triển cũng như tầm nhìn của họ.
Trong bối cảnh hẹp của chủ đề chúng ta đang trao đổi là xử lý tin đồn thất thiệt gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá của cổ phiếu – thực ra là gây thiệt hại trực tiếp đến giá trị của doanh nghiệp.
Tôi đã đọc một bài phỏng vấn ông Alan Phan – nguyên Chủ tịch Quỹ đầu tư Viasa Hong Kong, thì ông Alan Phan cho biết: ở một thị trường thiếu minh bạch thì việc tạo tin đồn rất dễ. Còn ở những thị trường đã kỳ cựu kinh nghiệm như Mỹ chẳng hạn, tin đồn sau khi được tung ra khoảng 10 phút đến nửa tiếng đã có Chủ tịch, Tổng giám đốc các công ty hay cơ quan chức năng xuất hiện và lên tiếng phủ nhận ngay chứ không để “làm mưa làm gió” nhiều ngày như đã từng xảy ra ở Việt Nam thời gian vừa qua. Điển hình là vụ việc của JVC, HHS, SSI, Đất Xanh, …
Các doanh nghiệp cũng nên tham khảo cách thức xử lý và vượt qua khủng hoảng tin đồn của SSI, BIDV, Đất Xanh … thời gian vừa qua.
Ngay sau khi tin đồn được phát tán, chính bản thân những vị lãnh đạo bị tung tin đồn đã ngay lập tức xuất hiện trực tiếp trên truyền hình, trên các phương tiện truyền thông để bác bỏ. Sự hiện diện của họ là bằng chứng thuyết phục nhất để bác đi những tin đồn ấy.
Để làm được như vậy, tôi cho rằng các doanh nghiệp ấy đã đầu tư mạnh vào một bộ máy chuyên xử lý các vấn đề thuộc về truyền thông. Ê kíp ấy có sự phản ứng nhanh, và kịp thời trước mọi thông tin thất thiệt và biến động của thị trường có ảnh hưởng xấu đến doanh nghiệp mình.
Bên cạnh đó, một việc làm không thể thiếu, đó là các doanh nghiệp này cần chủ động yêu cầu các cơ quan chức năng vào cuộc, điều tra và xử lý nghiêm minh kẻ đã tung tin thất thiệt gây thiệt hại cho doanh nghiệp mình và thị trường.