Vừa vi phạm pháp luật vừa xuyên tạc lịch sử

0
767

Trong bài viết Vừa vi phạm pháp luật vừa xuyên tạc lịch sử trên báo giao thông có trích dẫn ý kiến của luật sư Nguyễn Thanh Hà, từ công ty luật SBLAW.

Việc sử dụng ảnh chế để làm tư liệu lịch sử mà không xác minh nguồn gốc vấp phải nhiều phản ứng dữ dội.

Bức ảnh gốc (ảnh 514) và bức ảnh chế từ photoshop (ảnh 515) bị in nhầm trong sách ảnh tư liệu “150 năm hình bóng Sài Gòn”
Bức ảnh gốc (ảnh 514) và bức ảnh chế từ photoshop (ảnh 515) bị in nhầm trong sách ảnh tư liệu “150 năm hình bóng Sài Gòn”

Việc dùng ảnh chế để sử dụng trong cuốn sách 150 năm hình bóng Sài Gòn (1863 – 2013) không chỉ cho thấy sự cẩu thả trong kiểm duyệt nội dung của nhà quản lý mà nghiêm trọng hơn, đây còn là hành vi vi phạm bản quyền và xuyên tạc sự thật lịch sử.

Dùng ảnh chế làm tư liệu lịch sử

Cuốn sách 150 năm hình bóng Sài Gòn (1863 – 2013) của tác giả Tam Thái do Nhà xuất bản Trẻ (NXB Trẻ) ấn hành năm 2015 đã dùng ảnh chế để làm tư liệu gây xôn xao dư luận. Theo đó, hình ảnh đánh số 515, ở trang 268 của cuốn sách chụp dòng người di tản trên nóc nhà bằng máy bay trực thăng năm 1975 với dòng chú thích: “Nhưng khi quá đầy, cái cầu thang dã chiến bị đạp văng ra… Năm 1990, phóng viên này có dịp trở lại Việt Nam, ông kể: Vẫn không thể nào quên giây phút ấy” đã bị phát hiện là ảnh chế bằng kỹ thuật photoshop do họa sĩ Trương Huyền Đức và nhóm bạn chế ra.

Trả lời trực tiếp Báo Giao thông, họa sĩ Trương Huyền Đức cho biết, năm 2010, anh đang thuyết trình phần lịch sử chiến tranh Việt Nam cho một nhóm bạn nước ngoài, đa số là người Mỹ còn trẻ. Khi thuyết trình đến tấm ảnh do nhiếp ảnh giangười Hà Lan Hubert van Es chụp dòng người di tản bằng máy bay trực thăng, trên tầng chóp tòa nhà số 22 Gia Long (tức 22 Lý Tự Trọng bây giờ) ngày 29/4/1975, một người bạn của anh thắc mắc, tại sao bỏ chạy mà nhiều nhân viên vẫn nhường cho người thân và những người có làm việc với Mỹ đi trước.

Trong phút ngẫu hứng, anh và nhóm bạn đã chế ra bức hình dựa trên cảm hứng từ cú đá của một nhân vật trong bộ phim “300 chiến binh” rồi đưa lên mạng. Tuy nhiên, đến ngày 11/8, họa sĩ Đức bất ngờ khi thấy tấm hình chế từ năm 2010 của nhóm anh được sử dụng làm ảnh tư liệu lịch sử. Không chỉ vậy, chú thích của ảnh còn như sự kiện có thật. Đặc biệt, đây lại là cuốn sách sưu tầm những tư liệu quý về Sài Gòn.

Ngay sau khi sự việc vỡ lở, nhiếp ảnh gia Tam Thái đã thừa nhận, đây là ảnh được ông lấy từ trên mạng internet và không xác minh nguồn gốc. Ông cho rằng mình đã chủ quan vì tin đây là ảnh thật khi xem qua các góc chụp và nhìn nội dung thể hiện. Dòng chú thích dưới ảnh cũng được ông viết theo cảm nghĩ và từ một phần nội dung trong bài phỏng vấn Hubert Van Es khi nhiếp ảnh gia này quay lại Sài Gòn.

Hai tác giả cùng vi phạm luật

Nhiếp ảnh gia Tam Thái cho chúng tôi hay, ông đã đầu tư rất nhiều công sức và tiền của để thực hiện cuốn sách này. Ông xác định làm sách không phải vì tiền và danh tiếng mà vì tình yêu dành cho mảnh đất Sài Gòn. Tuy nhiên, việc sử dụng ảnh chế để làm tư liệu lịch sử mà không xác minh nguồn gốc đã vấp phải nhiều phản ứng dữ dội của công chúng. Phần đông trong số đó chỉ trích tính bất cẩn trong việc kiểm tra tính xác thực của Ban biên tập NXB Trẻ và sự cẩu thả trong việc sưu tập ảnh tư liệu của tác giả Tam Thái – nhiếp ảnh gia có tiếng của giới nhiếp ảnh Việt Nam. Cùng đó, không ít người quan điểm, việc không xác minh nguồn ảnh không chỉ thể hiện sự thiếu tôn trọng bản quyền mà còn là hành vi xuyên tạc lịch sử.

Mặc dù, họa sĩ Trương Huyền Đức lý giải, tấm hình được thực hiện dưới hình thức nội bộ, trong hoàn cảnh đặc thù. Bức ảnh vốn được công khai trên mạng nhiều năm nay và đáng ra nó chẳng đáng chú ý. Vấn đề là ở những người dùng nó sai mục đích mà không xin phép.

Thế nhưng theo luật sư Nguyễn Thanh Hà, Giám đốc Hãng luật SBLAW, việc chế ảnh lịch sử như trong trường hợp kể trên là hành vi vi phạm pháp luật, cụ thể là vi phạm quy định tại Khoản 4, Điều 19 Luật Sở hữu trí tuệ về Quyền nhân thân, đó là “Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả”.

Luật sư Hà chỉ ra thêm, việc tác giả Tam Thái sử dụng, sưu tập ảnh mà không tìm hiểu rõ nguồn gốc, không liên hệ và trả thù lao cho tác giả và chủ sở hữu tác phẩm cũng là hành vi vi phạm pháp luật sở hữu trí tuệ theo quy định của Điều 21, Luật Xuất bản về Quyền tác giả trong lĩnh vực xuất bản. Vì nhiếp ảnh gia Tam Thái muốn sử dụng các tác phẩm nhiếp ảnh của người khác trong tác phẩm của mình thì phải liên hệ, có sự chấp thuận của tác giả mới được sử dụng.

Cục Xuất bản vẫn chờ, chưa xử lý

Đại diện NXB Trẻ cho biết, nhiếp ảnh gia Tam Thái đã gửi thư xin lỗi và bày tỏ sự hối tiếc vì không kịp thời nhận ra sai sót từ tấm ảnh này khi sử dụng trong tác phẩm tư liệu của mình. Theo đó, Ban biên tập NXB sẽ phối hợp cùng tác giả rà soát, kiểm tra tư liệu kỹ lưỡng, bổ sung để hoàn thiện ấn phẩm và in lại bản sách mới, bên cạnh việc sẽ đổi sách cho những độc giả đã mua cuốn sách này. Trao đổi với Báo Giao thông qua điện thoại, ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc NXB Trẻ cho biết, cuốn sách vẫn đang thu hồi nên tạm thời chưa có số liệu cụ thể về số lượng sách thu hồi.

Cùng đó, Báo Giao thông đã liên hệ với Cục Xuất bản nhiều lần, nhưng đến 14h20 ngày 15/8, trả lời về vấn đề xử lý cuốn sách 150 năm hình bóng Sài Gòn (1863 – 2013), ông Hoàng Hải Long, Chánh văn phòng Cục, đại diện phát ngôn của Cục Xuất bản, in và phát hành chỉ cho biết một thông tin ngắn: Cục đã gửi công văn và vẫn đang chờ phản hồi chính thức từ phía NXB Trẻ.