Luật Đất đai 2013

0
553

Luật đất đai sửa đổi năm 2013 được Quốc hội khoá XIII thông qua ngày 29 tháng 11 năm 2013, chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1 tháng 7 năm 2014 gồm 14 chương với 212 điều.

 Đây là văn bản cốt lõi và tiền đề cho hệ thống các văn bản về đất đai.

  1. Quyền và trách nhiệm của Nhà nước đối với đất đai
  2. Quyền của Nhà nước đối với đất đai

Với vai trò đại diện chủ sở hữu về đất đai, Nhà nước có 08 quyền: Quyết định quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất; quyết định mục đích sử dụng đất; quy định hạn mức sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất; quyết định thu hồi đất, trưng dụng đất; quyết định giá đất; quyết định trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất; quyết định chính sách tài chính về đất đai; quy định quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; việc thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu về đất đai.

  1. Trách nhiệm của Nhà nước đối với đất đai

– Thực hiện các nội dung quản lý Nhà nước về đất đai (quy định tại Điều 22).

– Bảo đảm của Nhà nước đối với người sử dụng đất như: Bảo hộ quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hợp pháp; cấp Giấy chứng nhận nếu đủ điều kiện theo quy định; bồi thường, hỗ trợ cho người có đất thu hồi theo quy định; có chính sách tạo điều kiện cho người trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối không có đất sản xuất do quá trình chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất được đào tạo nghề, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm.

– Có chính sách về đất ở, đất sinh hoạt cộng đồng cho đồng bào dân tộc thiệu số phù hợp với phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa và điều kiện thực tế của từng vùng; tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số trực tiếp sản xuất nông nghiệp ở nông thôn có đất để sản xuất nông nghiệp.

– Trách nhiệm về cung cấp thông tin đất đai cho tổ chức, cá nhân.

  1. Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất
  2. Quyền chung của người sử dụng đất

– Được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

– Hưởng thành quả lao động, kết quả đầu tư trên đất.

– Hưởng các lợi ích do công trình của Nhà nước phục vụ việc bảo vệ, cải tạo đất nông nghiệp.

– Được Nhà nước hướng dẫn và giúp đỡ trong việc cải tạo, bồi bổ đất nông nghiệp.

– Được Nhà nước bảo hộ khi người khác xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp về đất đai của mình.

– Được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai.

– Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về những hành vi vi phạm quyền sử dụng đất hợp pháp của mình và những hành vi khác vi phạm pháp luật về đất đai.

  1. Quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất

– Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai.

– Việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất được thực hiện như sau:

+ Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp kinh doanh bất động sản quy định tại điểm b khoản 2 Điều 167 của luật Đất đai.

+ Hợp đồng cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp; hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất mà một bên hoặc các bên tham gia giao dịch là tổ chức hoạt động kinh doanh bất động sản được công chứng hoặc chứng thực theo yêu cầu của các bên;

+ Văn bản về thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật về dân sự;

+ Việc công chứng thực hiện tại các tổ chức hành nghề công chứng, việc chứng thực thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã.

– Thời điểm được thực hiện các quyền của người sử dụng đất:

+ Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất khi có Giấy chứng nhận. Đối với trường hợp chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp thì người sử dụng đất được thực hiện quyền sau khi có quyết định giao đất, cho thuê đất; trường hợp nhận thừa kế quyền sử dụng đất thì người sử dụng đất được thực hiện quyền khi có Giấy chứng nhận hoặc đủ điều kiện để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Trường hợp người sử dụng đất được chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính hoặc được ghi nợ nghĩa vụ tài chính thì phải thực hiện xong nghĩa vụ tài chính trước khi thực hiện các quyền.

+ Thời điểm người thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở để bán hoặc cho thuê; chuyển nhượng quyền sử dụng đất đồng thời chuyển nhượng toàn bộ dự án đối với dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng để chuyển nhượng hoặc cho thuê sau khi có Giấy chứng nhận và có đủ điều kiện theo quy định của Luật Đất đai.

  1. Nghĩa vụ chung của người sử dụng đất

– Sử dụng đất đúng mục đích, đúng ranh giới thửa đất, đúng quy định về sử dụng độ sâu trong lòng đất và chiều cao trên không, bảo vệ các công trình công cộng trong lòng đất và tuân theo các quy định khác của pháp luật có liên quan.

– Thực hiện kê khai đăng ký đất đai; làm đầy đủ thủ tục khi chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

– Thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật.

– Thực hiện các biện pháp bảo vệ đất.

– Tuân theo các quy định về bảo vệ môi trường, không làm tổn hại đến lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất có liên quan.

– Tuân theo các quy định của pháp luật về việc tìm thấy vật trong lòng đất.

– Giao lại đất khi Nhà nước có quyết định thu hồi đất, khi hết thời hạn sử dụng đất mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền gia hạn sử dụng.

III. NHỮNG HÀNH VI BỊ NGHIÊM CẤM TRONG QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG ĐẤT ĐAI

  1. Lấn, chiếm, hủy hoại đất đai.
  2. Vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được công bố.
  3. Không sử dụng đất, sử dụng đất không đúng mục đích.
  4. Không thực hiện đúng quy định của pháp luật khi thực hiện quyền của người sử dụng đất.
  5. Nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp vượt hạn mức đối với hộ gia đình, cá nhân theo quy định của Luật này.
  6. Sử dụng đất, thực hiện giao dịch về quyền sử dụng đất mà không đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
  7. Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước.
  8. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái quy định về quản lý đất đai.
  9. Không cung cấp hoặc cung cấp thông tin về đất đai không chính xác theo quy định của pháp luật.
  10. Cản trở, gây khó khăn đối với việc thực hiện quyền của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
  11. NHỮNG ĐỔI MỚI QUAN TRỌNG CỦA LUẬT ĐẤT ĐAI NĂM 2013 SO VỚI LUẬT ĐẤT ĐAI NĂM 2003
  12. Về chế độ sử dụng đất

1.1. Đối với đất nông nghiệp:

– Điều chỉnh thời hạn giao đất nông nghiệp trong hạn mức sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân lên 50 năm; đối với tổ chức sự nghiệp công lập chưa tự chủ tài chính sử dụng đất để xây dựng công trình sự nghiệp thì thời hạn sử dụng đất là ổn định lâu dài, đối với trường hợp tổ chức sự nghiệp công lập tự chủ tài chính thì thời hạn sử dụng đất thuê là 70 năm.

– Hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân được nâng lên so với quy định hiện hành nhưng không vượt quá 10 lần hạn mức giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân.

– Quy định về chính sách bảo vệ đất trồng lúa, hạn chế chuyển đất trồng lúa sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp;

1.2. Đất phi nông nghiệp:

Bổ sung quy định: Khi thực hiện các dự án hạ tầng kỹ thuật, xây dựng, chỉnh trang khu đô thị, khu dân cư nông thôn, Nhà nước chủ động thu hồi đất, bao gồm đất để xây dựng công trình kết cấu hạ tầng và đất vùng phụ cận theo quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất.

  1. Về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất

Bỏ quy định về lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp xã, đồng thời bổ sung các quy định:

– Kế hoạch sử dụng đất cấp huyện được lập hàng năm làm căn cứ để giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.

– Cơ quan có trách nhiệm tổ chức lấy ý kiến đóng góp của nhân dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là cơ quan tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng; hình thức, nội dung và thời gian lấy ý kiến nhân dân đối với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của từng cấp.

– Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua danh mục dự án cần thu hồi đất trước khi phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện.

– Tư vấn lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

– Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất trong vùng quy hoạch đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất.

  1. Về giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất

– Việc giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất chỉ căn cứ vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện, không còn căn cứ vào quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn như quy định của Luật Đất đai 2003.

– Về giao đất, cho thuê đất đối với đất đang có người sử dụng cho người khác được bổ sung thêm yêu cầu: Phải thực hiện xong việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định của pháp luật đối với trường hợp phải giải phóng mặt bằng.

– Bổ sung thêm đối tượng được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất: Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được giao đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê; dự án đầu tư hạ tầng nghĩa trang, nghĩa địa để chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với hạ tầng.

– Các trường hợp giao đất có thu tiền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai 2003 nay thuộc trường hợp Nhà nước cho thuê đất:  Tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân được giao đất làm mặt bằng xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh;  Tổ chức kinh tế được giao đất để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản;  Người Việt Nam định cư ở nước ngoài được giao đất để thực hiện các dự án đầu tư.

– Trường hợp Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất nay thuộc trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất: Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng để chuyển nhượng hoặc cho thuê.

– Bổ sung trường hợp giao đất không thu tiền sử dụng đất: Người sử dụng đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên.

– Về trả tiền thuê đất: Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm hoặc thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê.

– Bổ sung trường hợp và loại đất chuyển mục đích sử dụng đất phải xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền: Chuyển đất trồng lúa sang đất trồng cây lâu năm, đất trồng rừng, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối; Chuyển đất trồng cây hàng năm khác sang đất nuôi trồng thủy sản nước mặn, đất làm muối, đất nuôi trồng thủy sản dưới hình thức ao, hồ, đầm; chuyển đất rừng sản xuất sang sử dụng vào mục đích khác trong nhóm đất nông nghiệp.

  1. Tài chính về đất đai và giá đất

– Bổ sung việc miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với trường hợp thực hiện chính sách nhà ở, đất ở đối với người có công với nước, hộ gia đình nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, hải đảo; sử dụng đất sản xuất nông nghiệp đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

– Bổ sung mới 02 nguyên tắc xây dựng giá đất: Theo mục đích sử dụng đất hợp pháp tại thời điểm định giá; theo thời hạn sử dụng đất.

– Bảng giá đất được xây dựng định kỳ 05 năm một lần và công bố công khai vào ngày 01/01 của năm đầu kỳ.

– Quy định việc xác định giá đất cụ thể.

  1. Về giám sát, thanh tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai

– Bổ sung quy định về việc công dân có quyền tự mình hoặc thông qua các tổ chức đại diện phản ánh các sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai đến các cơ quan có thẩm quyền.

– Đổi mới quy định thẩm quyền giải quyết tranh chấp theo hướng đối với các tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc giấy tờ theo quy định thì đương sự có thể nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

– Quy định về trách nhiệm của người đứng đầu trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai; xử lý trách nhiệm của người thực thi công vụ vi phạm pháp luật đất đai và người đứng đầu cơ quan, tổ chức để xảy ra vi phạm pháp luật đất đai.

Các bạn có thể tải Luật Đất đai 2013 tại đây:

Luật đất đai 2013

Xem thêm video của Luật sư SBLaw