Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW đã trả lời phỏng vấn về thực trạng xây dựng sai phép. Dưới đây là nội dung chi tiết:
Thực trạng xây dựng sai phép ở Thủ đô Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố trong thời gian qua diễn ra khá phức tạp. Nhiều công trình, chung cư mà chủ đầu tư tự ý xây dựng vượt tầng, nâng diện tích để hưởng lợi, song khi cơ quan chức năng phát hiện lại hầu như xử lý rất nhẹ, gây bức xúc dư luận.
Qua trao đổi với CQĐT, được biết đang có 2 vấn đề vướng.
Thứ nhất: hết sức khó khăn trong xác định thiệt hại do vi phạm sai phép xây dựng gây nên. Theo luật, cơ quan nào sẽ có thẩm quyền đánh giá – xác định thiệt hại; và những cơ sở nào để cơ quan đó có thể tiến hành đánh giá thiệt hại?
Vấn đề thứ hai: cần xử lý nghiêm đối tượng vi phạm về xây dựng sai phép. BLHS năm 1999 cũng như BLHS sửa đổi năm 2015 đã có quy định về tội danh này, song đối tượng bị xử lý chỉ là các cá nhân đã bị xử phạt hành chính. Tuy nhiên thực tế các vụ việc xảy ra, đối tượng vi phạm đều là các công ty, doanh nghiệp. Do đó, CQĐT đang gặp khó khăn trong xử lý đối với chủ thể vi phạm này, kiến nghị BLHS cần điều chỉnh, bổ sung chế tài đối với chủ thể là doanh nghiệp.
Luật sư có đánh giá thế nào về thực trạng này và đề xuất để có chế tài mạnh hơn nữa, nhằm lập lại trật tự xây dựng đặc biệt đối với công trình cao tầng.
Trả lời:
Những nội dung về xây dựng công trìn đã được quy định rất rõ ràng tại Luật Xây dựng và các văn bản quy phạm pháp luật nhưng tại nhiều địa bàn thuộc thành phố Hà Nội vẫn diễn ra tình trạng nhiều tổ chức, cá nhân cố tình xây dựng các công trình sai phép.
Nguyên nhân sâu xa của tình trạng này là do công tác tổ chức thực hiện và điều chỉnh quy hoạch còn tùy tiện, do vậy mới có chuyện xây dựng sai phép, không phép, “nhìn mặt nhau để thỏa thuận”, quy hoạch bẻ theo dự án, chủ đích của chủ đầu tư. Mặt khác, việc xử phạt vi phạm xây dựng mới chỉ dừng ở mức phạt hành chính cho nên không có tính răn đe, nhiều chủ đầu tư sẵn sàng chịu phạt nếu phần vi phạm đem lại lợi ích nhiều hơn phần xử phạt. Cụ thể:
Thứ nhất, xử phạt hành chính:
Tại Điều 15 Nghị định 139/2017/NĐ-CP có quy định về mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định về trật tự xây dựng có quy định mức xử phạt khi xây dựng sai giấy phép, cụ thể:
Mức xử phạt khi xây nhà sai giấy phép xây dựng đối với trường hợp cấp phép sửa chữa, cải tạo:
-Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ tại đô thị;
-Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử – văn hóa hoặc công trình xây dựng khác không thuộc trường hợp quy định tại điểm a, điểm c khoản này;
-Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng hoặc lập dự án đầu tư xây dựng.
Mức xử phạt xây nhà sai giấy phép xây dựng đối với trường hợp cấp phép xây dựng mới:
-Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ tại đô thị;
-Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử – văn hóa hoặc xây dựng công trình khác không thuộc trường hợp quy định tại điểm a, điểm c khoản này;
-Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng hoặc lập dự án đầu tư xây dựng.
Ngoài việc xử phạt vi phạm bằng tiền, với hai trường hợp nêu trên còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm.
Đối với hành vi xây nhà sai giấy phép mà đang thi công xây dựng thì xử lý như sau:
-Lập biên bản vi phạm hành chính và yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm dừng thi công xây dựng công trình;
-Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm phải làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh hoặc cấp giấy phép xây dựng;
-Hết thời hạn quy định tại điểm b khoản này, tổ chức, cá nhân vi phạm không xuất trình với người có thẩm quyền xử phạt giấy phép xây dựng hoặc giấy phép xây dựng được điều chỉnh thì bị áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm.
-Sau khi được cấp hoặc điều chỉnh giấy phép xây dựng, công trình, phần công trình đã xây dựng không phù hợp với giấy phép xây dựng thì tổ chức, cá nhân vi phạm phải tháo dỡ công trình hoặc phần công trình đó mới được tiếp tục xây dựng.
Thứ hai, xử lý hình sự:
Không chỉ xử phạt vi phạm hành chính, nếu hành vi xây dựng sai phép mà gây ra hậu quả nghiêm trọng thì còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại Điều 298 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)
Tuy nhiên, Tội danh này lại chỉ áp dụng cho cá nhân, không áp dụng cho pháp nhân. Mà trên thực tế, đối tượng vi phạm đều là các công ty, doanh nghiệp.
Việc chỉ xử phạt hành chính đối với các công ty, doanh nghiệp có công trình xây dựng sai phép là chưa thỏa đáng, chưa đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, đồng thời tạo tiền lệ xấu gây khó khăn trong công tác quản lý về trật tự xây dựng. Do đó, thiết nghĩ, cần quy định một tội cụ thể đối với hành vi xây dựng sai phép của pháp nhân.
Một giải pháp đặc biệt quan trọng, đó là các ngành chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trong quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn để kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm, triệt để các hành vi phạm; cương quyết phá dỡ, tổ chức cưỡng chế phá dỡ các công trình xây dựng không phép, sai quy hoạch, sai phép để răn đe, ngăn ngừa các hành vi vi phạm khác.
Cùng với đó, cần đẩy mạnh công khai, minh bạch các chính sách liên quan đến xây dựng như: quy hoạch, đất đai, tài chính…, nhất là việc đấu giá các khu đất vàng tại các đô thị, quy trách nhiệm người đứng đầu trong việc để xảy ra tình trạng vi phạm trật tự xây dựng. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống thông tin đánh giá về thị trường bất động sản, hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội một cách hiệu quả để có cái nhìn tổng thể, dài hạn, đáp ứng nhu cầu về nhà ở của người dân, ổn định thị trường.