SBLAW trân trọng giới thiệu bài trả lời phỏng vấn của luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch công ty luật SBLAW trên báo diễn đàn doanh nghiệp về vấn đề đăng ký vốn ảo đối với doanh nghiệp Việt Nam hiện nay.
Câu hỏi: Ở góc độ luật sư thì ông có thể cho biết việc các doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở của luật doanh nghiệp 2014 để đăng ký số vốn ảo sẽ gây ra những hệ lụy như thế nào với môi trường kinh doanh tại Việt Nam?
Trả lời:
Khoản 29 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định: “Vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng giá trị mệnh giá cổ phần đã bán hoặc đã được đăng ký mua khi thành lập doanh nghiệp đối với công ty cổ phần”.
Luật doanh nghiệp năm 2014 cũng quy định thống nhất về thời hạn góp vốn điều lệ là 90 ngày kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Thành viên, cổ đông chưa góp hoặc chưa góp đủ phần vốn điều lệ theo cam kết vẫn phải chịu trách nhiệm tương ứng với phần vốn đã cam kết góp đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời gian trước khi công ty đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và trong thời hạn phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua đối với công ty cổ phần.
Tuy nhiên, trên thực tế, trường hợp cổ đông không góp đủ vốn, hoặc không góp vốn không ít tạo ra những hệ lụy rất lớn trong môi trường kinh doanh đầu tư. Cụ thể như: Hiện nay, pháp luật không quy định mức vốn điều lệ tối thiểu hoặc tối đa là bao nhiêu, nên khi doanh nghiệp đăng ký ngành nghề kinh doanh bình thường, không thuộc diện kinh doanh có điều kiện vốn pháp định thì doanh nghiệp được tự đưa ra mức vốn điều lệ phù hợp với quy mô thực tế của doanh nghiệp mình. Nhưng cũng không nên đưa ra mức thực tế không có thật vì sẽ tự ràng buộc trách nhiệm về tài sản của mình quá cao. Bên cạnh đó, nếu góp khống, không góp đủ vốn mà bị phát hiện thì doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật.
Mặt khác, việc các doanh nghiệp đẩy mức vốn đăng ký nên cao nhằm nâng tầm quy mô doanh nghiệp, tăng mức mức độ tin tưởng về doanh nghiệp với các đối tác, khách hàng. Đối với các hợp đồng, giao dịch có giá trị lớn, doanh nghiệp có vốn điều lệ cao sẽ tạo niềm tin cho đối tác trong việc thực hiện giao kết hợp đồng; tăng hạn mức vay từ ngân hàng, tuy nhiên, việc làm này cũng làm những nhà đầu tư đánh giá sai về giá trị và năng lực tài chính của doanh nghiệp đó. Theo đó, việc các doanh nhiệp đăng ký vốn ảo sẽ thao túng thị trường, gây rủi ro cho ngân hàng, khách hàng và các đối tác.
Câu hỏi: Trước USC Interco, … nhiều cái tên như Công ty CP địa ốc Alibaba (TP HCM), Công ty CP Đầu tư thế giới Thiên Cổ tự (Sóc Trăng) cũng đăng ký vốn ảo khủng để lừa đảo khách hàng và gây ra những hệ lụy lớn. Ở góc độ luật sư thì ông có thể cho biết những hệ lụy có thể xảy ra khi công tác quản lý vốn đăng ký doanh nghiệp không được quản lý chặt chẽ?
Trả lời:
Hiện nay, Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định rất mở, có thể tạo ra lỗ hổng, dễ bị lợi dụng, thậm chí có thể nhằm mục đích lừa đảo. Ví dụ: Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba có mã số doanh nghiệp là 0313788565, được đăng ký kinh doanh lần đầu ngày 05/05/2016 với vốn điều lệ chỉ 1 tỷ đồng. Đăng ký thay đổi lần thứ 1 ngày 03/12/2016 với vốn điều lệ 20 tỷ đồng và đăng ký thay đổi lần thứ 3 ngày 26/09/2017 đã vốn điều lệ lên đến 1.600 tỷ đồng. Alibaba đã tạo ra hồ sơ năng lực tài chính đẹp để tạo niềm tin, lừa đảo 6.700 khách hàng với số tiền hơn 2.500 tỷ đồng.
Việc đăng ký vốn điều lệ là do doanh nghiệp tự kê khai, cơ quan quản lý chỉ thực hiện hậu kiểm thông qua một số công cụ như báo cáo tài chính, báo cáo thuế, … do đó việc giám sát vốn thực của doanh nghiệp rất khó khăn.
Câu hỏi: Mức xử phạt với các doanh nghiệp đăng ký vốn ảo còn nhẹ, ông có thể cho biết ý kiến của mình để có thể ngăn chặn hiện tượng này?
Trả lời:
Đối với cơ chế xử phạt những doanh nghiệp đăng ký vốn ảo, theo quy định tại Điều 28 Nghị định số 50/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư thì đối với hành vi không đăng ký thay đổi với cơ quan đăng ký kinh doanh khi không góp đủ vốn Điều lệ như đã đăng ký sẽ phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với biện pháp khắc phục hậu quả là buộc đăng ký điều chỉnh vốn Điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp, cổ phần của các thành viên, cổ đông bằng số vốn đã góp; hay đối với hành vi cố ý định giá tài sản góp vốn không đúng giá trị thực tế thì sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng với biện pháp khắc phục hậu quả là buộc định giá lại tài sản góp vốn và đăng ký vốn Điều lệ phù hợp với giá trị thực tế của tài sản góp vốn. Mức phạt này khá nhẹ so với những hệ lụy mà nó gây ra.
Để ngăn chặn tình trạng vốn ảo, thiết nghĩ, đầu tiên các cơ quan chức năng cần phải rà soát những lỗ hổng của pháp luật kịp thời hoàn thiện, tránh việc lợi dụng những lỗ hổng này để trục lợi.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động liên quan đến vốn điều lệ của doanh nghiệp để làm trong sạch môi trường đầu tư kinh doanh.