Tại Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16 vừa qua, lực lượng chức năng đã liên tục phát hiện các trường hợp dùng giấy đi đường, giấy xét nghiệm giả, giấy được cấp khống để “thông chốt” gây bức xúc trong dư luận. Nhận định được sự nguy hiểm của hành vi trên đối với xã hội, báo An ninh thủ đô đã có bài phỏng vấn Luật sư Nguyễn Thị Thu – Giám đốc điều hành Công ty Luật SB Law về tính chất và chế tài xử phạt đối với các đối tượng dùng giấy đi đường, giấy xét nghiệm giả để “thông chốt“ kiểm dịch.
Tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội, các chốt kiểm soát được lập ra nhằm kiểm soát người dân tuân thủ các yêu cầu phòng, chống dịch, đảm bảo an ninh, trật tự và phân luồng giao thông.
Tuy vậy, những ngày qua vẫn có không ít người cố tình qua mặt cơ quan chức năng bằng cách dùng giấy tờ đi đường giả, chứng nhận giả kết quả xét nghiệm PCR Covid-19 hay dùng mã QR “luồng xanh” giả để qua chốt.
Hành vi này tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm và hậu quả, cá nhân vi phạm có thể bị xử lý hành chính, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự – Luật sư Nguyễn Thị Thu cho biết.
Về xử lý hành chính, theo khoản 2 Điều 14 Nghị định 117/2020/NĐ-CP, với hành vi không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, người sử dụng giấy tờ giả để qua chốt kiểm dịch nếu bị phát hiện sẽ bị phạt tiền từ 5-10 triệu đồng.
Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, cá nhân sử dụng, làm giả và cung cấp các loại giấy tờ giả để qua chốt kiểm dịch có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức theo Điều 341 BLHS 2015 sửa đổi – Luật sư Thu cho biết.
Theo đó, người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng-2 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Có tổ chức; Phạm tội 2 lần trở lên; Làm từ 2-5 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác; Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng; Thu lợi bất chính từ 10-dưới 50 triệu đồng thì bị phạt tù từ 2-5 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Làm 6 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên; Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; Thu lợi bất chính 50 triệu đồng trở lên thì bị phạt tù từ 3-7 năm.
Cũng theo Luật sư Thu, trường hợp cá nhân mắc Covid-19 mà cố tình tìm cách “thông chốt” kiểm dịch dẫn đến lây lan dịch bệnh cho người khác thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người .
Điều 240 BLHS 2015 quy định, người nào thực hiện một trong các hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, thì bị phạt tiền từ 50-200 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 1-5 năm.
Phạm tội dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế, hoặc làm chết người thì bị phạt tù từ 5-10 năm.
Phạm tội dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ hoặc làm chết 2 người trở lên thì bị phạt tù từ 10-12 năm.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20-100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.
Nguồn và ảnh bài viết: https://anninhthudo.vn/can-xu-ly-nang-ca-nhan-dung-giay-di-duong-giay-xet-nghiem-gia-de-thong-chot-kiem-dich-post477258.antd