Quy định của Pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ.

0
596

Thời gian gần đây trên địa bàn toàn quốc đã xảy ra một số vụ việc các đối tượng sử dụng vũ khí- công cụ hỗ trợ để gây án, gây hậu quả nghiêm trọng. Cùng với đó là các thủ đoạn mua bán, tàng trữ, sản xuất các loại vũ khí đang có diễn biến phức tạp và ngày càng tinh vi. Ngoài ra, hiện nay các ổ nhóm tội phạm hình sự, tội phạm ma túy hầu hết đều tàng trữ vũ khí, công cụ hỗ trợ để gây án và chống đối lực lượng chức năng khi bị phát hiện. Thực tế hiện nay cùng với sự phát triển của kinh tế, xã hội và đặc biệt những ứng dụng về công nghệ thông tin bùng nổ các đối tượng đã lợi dụng triệt để các yếu tố này vào các hoạt động phạm tội có liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Điều này đang đặt ra nhiều khó khăn, thách thức với các ban ngành chức năng. Vậy Pháp luật hiện hành có quy định như thế nào về việc quản lý, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ? Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law đã có quan điểm trong Chuyên mục Bạn và Pháp luật của Đài tiếng nói Việt Nam. Dưới đây là nội dung chi tiết:

 

Câu hỏi 1: Thưa Luật sư Nguyễn Thành Hà, ông đánh giá ra sao về tình trạng sử dụng trái phép vũ khí, công cụ hỗ trợ ở nước ta hiện nay?

Trả lời:

Trong những năm vừa qua, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt là tình trạng mua bán, tàng trữ và sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo có xu hướng gia tăng. Một số đối tượng còn sử dụng các vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ để thực hiện trót lọt các hành vi cướp giật; đánh người gây thương tích, trả thù cá nhân, tranh giành địa bàn hoạt động của các băng, ổ, nhóm tội phạm ngày càng nhiều, ảnh hưởng nghiêm trọng an ninh – trật tự tại các địa phương.

Thời gian gần đây, tội phạm không những sử dụng dịch vụ bưu chính và xe khách liên tỉnh mà còn lợi dụng mạng xã hội như facebook, zalo hoặc các forum (diễn đàn) để quảng cáo, chào mời, tổ chức, giao dịch mua bán, vận chuyển trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Phương thức, thủ đoạn tội phạm vận chuyển vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đa phần là chia nhỏ “hàng” thành nhiều bộ phận, đóng thành từng kiện hàng khác nhau, gửi chuyển phát nhiều lần, không ghi địa chỉ người gửi, người nhận mà chỉ ghi tên, số điện thoại. Các đối tượng không giao dịch trực tiếp, chỉ liên lạc mua bán qua mạng xã hội, sau đó thanh toán bằng tài khoản ngân hàng hoặc dịch vụ thu hộ của các công ty chuyển phát.

Vũ khí, công cụ hỗ trợ thuộc lĩnh vực được Nhà nước quản lý nghiêm ngặt và cấm mọi hành vi mua bán, sử dụng trái phép. Do đó người dân không nên tàng trữ mua bán, sử dụng, chế tạo vũ khí, vật liệu nổ để tránh mọi hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Câu hỏi 2: Nếu không quản lý tốt vũ khí, công cụ hỗ trợ sẽ đem lại những hệ lụy gì cho xã hội, thưa luật sư?

Trả lời:

Thời gian gần đây, tình trạng sản xuất, buôn bán, tàng trữ, sử dụng vũ khí và công cụ hỗ trợ trái phép có chiều hướng phức tạp tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Việc này tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm, vừa đe dọa tính mạng con người, vừa ảnh hưởng tình hình an ninh trật tự trên tất cả các địa bàn.

Thời gian qua, qua mạng xã hội, không ít cá nhân đã dễ dàng mua, bán, sở hữu vũ khí trái phép và sử dụng vào việc giải quyết mâu thuẫn cá nhân và các mục đích như: giết người, cố ý gây thương tích, cướp tài sản… đều có liên quan đến sử dụng vũ khí. Do đó, có thể thấy nếu không quản lý tốt vũ khí, công cụ hỗ trợ sẽ rất dễ gây ra những hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng cuả người dân và tình hình an toàn xã hội.

Cần quản lý chặt chẽ việc sử dụng vũ khí hiện nay

 

Câu hỏi 3: Theo quy định của Luật, “Vũ khí” và “Công cụ hỗ trợ” được định nghĩa như thế nào và bao gồm những loại vũ khí, công cụ hỗ trợ nào?

Trả lời:

Căn cứ theo Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017 (được sửa đổi bổ sung 2019):

Vũ khí là thiết bị, phương tiện hoặc tổ hợp những phương tiện được chế tạo, sản xuất có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người, phá hủy kết cấu vật chất, bao gồm: vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao và vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự. Trong đó:

Vũ khí quân dụng bao gồm:

a) Vũ khí được chế tạo, sản xuất bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, được trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân và các lực lượng khác theo quy định của Luật này để thi hành công vụ, bao gồm:

Súng cầm tay: súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng trung liên, súng chống tăng, súng phóng lựu;

Vũ khí hạng nhẹ: súng đại liên, súng cối, súng ĐKZ, súng máy phòng không, tên lửa chống tăng cá nhân;

Vũ khí hạng nặng: máy bay chiến đấu, trực thăng vũ trang, xe tăng, xe thiết giáp, tàu chiến, tàu ngầm, pháo mặt đất, pháo phòng không, tên lửa;

Bom, mìn, lựu đạn, ngư lôi, thủy lôi; đạn sử dụng cho các loại vũ khí quy định tại các điểm a, b và c khoản này.

b) Vũ khí được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, không theo tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người, phá hủy kết cấu vật chất tương tự như vũ khí quy định tại điểm a khoản này, không được trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân và các lực lượng khác quy định tại Điều 18 của Luật này để thi hành công vụ.”;

Súng săn là súng được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, được sử dụng để săn bắn, bao gồm: súng kíp, súng hơi và đạn sử dụng cho các loại súng này.

Vũ khí thô sơ là vũ khí có cấu tạo, nguyên lý hoạt động đơn giản và được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, bao gồm: dao găm, kiếm, giáo, mác, thương, lưỡi lê, đao, mã tấu, côn, quả đấm, quả chùy, cung, nỏ, phi tiêu.

Vũ khí thể thao là vũ khí được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, được sử dụng để luyện tập, thi đấu thể thao, bao gồm:

a) Súng trường hơi, súng trường bắn đạn nổ, súng ngắn hơi, súng ngắn bắn đạn nổ, súng thể thao bắn đạn sơn, súng bắn đĩa bay và đạn sử dụng cho các loại súng này;

b) Vũ khí thô sơ quy định tại khoản 4 Điều này dùng để luyện tập, thi đấu thể thao.

Vũ khí có tính năng, tác dụng tương tựlà vũ khí có tính năng tác dụng tương tự súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao là vũ khí được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, không theo tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người, phá hủy kết cấu vật chất tương tự như súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao.”.

Công cụ hỗ trợ là phương tiện, động vật nghiệp vụ được sử dụng để thi hành công vụ, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nhằm hạn chế, ngăn chặn người có hành vi vi phạm pháp luật chống trả, trốn chạy; bảo vệ người thi hành công vụ, người thực hiện nhiệm vụ bảo vệ hoặc báo hiệu khẩn cấp, bao gồm:

a) Súng bắn điện, hơi ngạt, chất độc, chất gây mê, từ trường, laze, lưới; súng phóng dây mồi; súng bắn đạn nhựa, nổ, cao su, hơi cay, pháo hiệu, hiệu lệnh, đánh dấu và đạn sử dụng cho các loại súng này;

b) Phương tiện xịt hơi cay, hơi ngạt, chất độc, chất gây mê, chất gây ngứa;c) Lựu đạn khói, lựu đạn cay, quả nổ;

d) Dùi cui điện, dùi cui cao su, dùi cui kim loại; khóa số tám, bàn chông, dây đinh gai; áo giáp; găng tay điện, găng tay bắt dao; lá chắn, mũ chống đạn; thiết bị áp chế bằng âm thanh;

đ) Động vật nghiệp vụ là động vật được huấn luyện để sử dụng cho yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội;

e) Công cụ hỗ trợ có tính năng, tác dụng tương tự là phương tiện được chế tạo, sản xuất không theo tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, có tính năng, tác dụng tương tự như công cụ hỗ trợ quy định tại các điểm a, b, c và d khoản này.

 

Câu hỏi 4: Hiện nay, tình trạng lợi dụng mạng xã hội để rao bán các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ trái phép như: súng, dao lê, kiếm, mã tấu… diễn ra tràn lan. Mặc dù lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý mạnh tay nhưng vì lợi nhuận khủng và thị hiếu người dùng nên tình trạng trên vẫn còn tồn tại, gây nhiều hệ lụy cho xã hội. Những đối tượng có hành vi sản xuất, buôn bán trái phép vũ khí, công cụ hỗ trợ có thể bị xử lý như thế nào, thưa luật sư?

 

Trả lời:

Đối với hành vi sản xuất, buôn bán trái phép vũ khí, công cụ hỗ trợ. Tùy theo mức độ nguy hiểm của hành vi mà có thể bị xử phạt hành chính theo Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình hoặc bị xử lý hình sự theo Bộ luật hình sự 2015 (được sửa đổi bổ sung 2017). Cụ thể:

Thứ nhất, về xử phạt hành chính:

  • Đối với hành vi sản xuất, mua bán trái phép vũ khí, công cụ hỗ trợ thì căn cứ theo khoản 4, 5 Điều 11 nghị định 144/2021/NĐ-CP thì đối với việc chế tạo vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ, súng săn hoặc mua, bán, vận chuyển, tàng trữ vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ mà không có giấy phép thì sẽ bị phạt từ 10.000.000 đến 20.000.000 VNĐ. Còn đối với việc Sản xuất, chế tạo, sửa chữa vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao, súng săn trái phép thì sẽ bị phạt từ 20.000.000 đến 40.000.000 VNĐ.

Thứ hai, xử lý hình sự:

Bộ luật hình sự 2015 (được sửa đổi bổ sung 2017) quy định về Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự tại Điều 304. Theo đó, mức phạt cao nhất đối với tội này là phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. Ngoài ra, Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.

Điều 306 BLHS quy định về Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ. Mức hình phạt cao nhất của tội này là bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.

 

Câu hỏi 5: Tôi thấy trên mạng xã hội có bán một số loại đao, kiếm được chế tác rất đẹp. Tôi có nhu cầu mua một vài bộ về để trang trí trong nhà. Điều này có vi phạm pháp luật hay không? Nếu bị phát hiện tôi có bị phạt không?

Trả lời:

Khoản 4 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 (được sửa đổi, bổ sung 2019) quy định Vũ khí thô sơ là vũ khí có cấu tạo, nguyên lý hoạt động đơn giản và được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, bao gồm: dao găm, kiếm, giáo, mác, thương, lưỡi lê, đao, mã tấu, côn, quả đấm, quả chùy, cung, nỏ, phi tiêu.

Theo đó, đao, kiếm hay các loại vũ khí thô sơ khác là những vũ khí có tính sát thương cao nếu sử dụng không đúng cách.

Đồng thời, pháp luật chỉ cho phép sử dụng trong một số trường hợp nhất định và đảm bảo nguyên tắc an toàn.

Cụ thể, tại Khoản 1 Điều 5 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017 quy định: cấm cá nhân sở hữu vũ khí, trừ vũ khí thô sơ là hiện vật để trưng bày, triển lãm, đồ gia bảo.

Như vậy, nếu sở hữu các loại đao, kiếm, vũ khí thô sơ trong nhà nhưng chỉ là hiện vật trưng bày hoặc là đồ gia bảo, đồ truyền thống dân tộc thì pháp luật không cấm.

Sử dụng vũ khí với mục đích trang trí cũng là vi phạm pháp luật

 

Câu hỏi 6: Vâng, hiện nay thì những đối tượng nào được trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ, thưa luật sư?

Trả lời:

Khoản 1 Điều 55 Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ năm 2017 quy định đối tượng được trang bị công cụ hỗ trợ bao gồm:

a) Quân đội nhân dân;

b) Dân quân tự vệ;

c) Cảnh sát biển;

d) Công an nhân dân;

đ) Cơ yếu;

e) Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao;

g) Cơ quan thi hành án dân sự;

h) Kiểm lâm, lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách, Kiểm ngư, lực lượng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành thủy sản;

i) Hải quan cửa khẩu, lực lượng chuyên trách chống buôn lậu của Hải quan;

k) Đội kiểm tra của lực lượng Quản lý thị trường;l) An ninh hàng không, lực lượng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành giao thông vận tải;

m) Lực lượng bảo vệ cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ;

n) Ban Bảo vệ dân phố;

o) Câu lạc bộ, cơ sở đào tạo, huấn luyện thể thao có giấy phép hoạt động;

p) Cơ sở cai nghiện ma túy;

q) Các đối tượng khác có nhu cầu trang bị công cụ hỗ trợ thì căn cứ vào tính chất, yêu cầu, nhiệm vụ, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng căn cứ vào tính chất, yêu cầu, nhiệm vụ quy định việc trang bị, sử dụng công cụ hỗ trợ đối với đối tượng thuộc Quân đội nhân dân, Dân quân tự vệ, Cảnh sát biển, Cơ yếu và câu lạc bộ, cơ sở đào tạo, huấn luyện thể thao thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng.

Bộ trưởng Bộ Công an căn cứ vào tính chất, yêu cầu, nhiệm vụ quy định việc trang bị công cụ hỗ trợ đối với đối tượng không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng.

 

Câu hỏi 7: Người được giao sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ phải có các điều kiện, trách nhiệm gì, thưa luật sư?

Trả lời:

Các trường hợp được sử dụng công cụ hỗ trợ được quy định tại Điều 61 Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ năm 2017:

Người được giao công cụ hỗ trợ được sử dụng trong trường hợp sau đây:

a) Trường hợp quy định tại Điều 23 của Luật này, cụ thể các trường hợp nổ súng quân dụng khi thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự

b) Ngăn chặn, giải tán biểu tình bất hợp pháp, bạo loạn, gây rối trật tự công cộng xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội;

c) Ngăn chặn người đang có hành vi đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác;

d) Ngăn chặn, giải tán việc gây rối, chống phá, không phục tùng mệnh lệnh của người thi hành công vụ, làm mất an ninh, an toàn trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ, trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện ma túy;

đ) Phòng vệ chính đáng, tình thế cấp thiết theo quy định của pháp luật.

 

Hình ảnh minh hoạ một số loại vũ khí 

Câu hỏi 8: Thưa luật sư, tôi có một vấn đề thắc mắc mong muốn nhận được giải đáp như sau: Hiện nay khi xem một số bộ phim của Việt Nam có thấy sử dụng vũ khí. Vậy, việc sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ làm đạo cụ trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật có cần phải xin phép cơ quan có thẩm quyền không? Nếu có thì thủ tục như nào? Xin cảm ơn.

Trả lời:

       Điều 15 Luật Quản lý sử dụng vũ khí vật liệu nổ công cụ hỗ trợ 2017 quy định về việc quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ để triển lãm, trưng bày, chào hàng, giới thiệu sản phẩm hoặc làm đạo cụ trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật như sau:

  • Hãng phim hoạt động theo quy định của Luật Điện ảnh, bảo tàng, đơn vị biểu diễn nghệ thuật được sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ để triển lãm, trưng bày hoặc làm đạo cụ trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật.
  • Trường hợp cơ quan, tổ chức có nhu cầu sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ còn tính năng, tác dụng và vật liệu nổ để làm đạo cụ trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật thì Bộ trưởng Bộ Công an quyết định sau khi thống nhất với Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đối với các trường hợp thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công an; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định đối với các trường hợp thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng.

Việc sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ còn tính năng, tác dụng và vật liệu nổ để làm đạo cụ trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật do cơ quan chuyên môn của Bộ Công an hoặc Bộ Quốc phòng thực hiện.

Thủ tục cấp giấy phép trang bị, giấy phép sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ để triển lãm, trưng bày hoặc làm đạo cụ trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật đối với đối tượng không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng được thực hiện như sau:

a) Hồ sơ đề nghị baogồm: văn bản đề nghị của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nêu rõ lý do, nhu cầu sử dụng, chủng loại, số lượng vũ khí, công cụ hỗ trợ; bản sao quyết định thành lập hoặc bản sao giấy phép hoạt động; giấy giới thiệu kèm theo bản sao thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc Chứng minh Công an nhân dân của người đến liên hệ;

b) Hồ sơ quy định tại điểm a khoản này lập thành 01 bộ và nộp tại cơ quan Công an có thẩm quyền do Bộ trưởng Bộ Công an quy định;

c) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan Công an có thẩm quyền cấp giấy phép trang bị, giấy phép sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Thủ tục cấp giấy phép trang bị, giấy phép sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ để triển lãm, trưng bày hoặc làm đạo cụ trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật đối với đối tượng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

 

Câu hỏi 9: Người có được vũ khí, công cụ hỗ trợ do nhặt được, phát hiện được hoặc có từ bất cứ nguồn nào mà không thuộc đối tượng trang bị, sử dụng theo quy định của pháp luật thì phải làm gì, thưa luật sư?

Trả lời:

Điều 63 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017 quy định về Nguyên tắc tiếp nhận, thu gom, phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ như sau:

Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải trình báo, khai báo, giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ cho cơ quan quân sự, cơ quan Công an hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất trong trường hợp không thuộc đối tượng trang bị, sử dụng theo quy định của pháp luật mà có từ bất kỳ nguồn nào hoặc phát hiện, thu nhặt được.

Do đó, khi nhặt được, phát hiện được hoặc có vũ khí, công cụ hỗ trợ từ bất cứ nguồn nào mà không thuộc đối tượng trang bị, sử dụng theo quy định của pháp luật thì người dân phải trình báo, khai báo, giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ cho cơ quan quân sự, cơ quan Công an hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất.

 

Câu hỏi 10: Qua chương trình, luật sư có khuyến cáo gì đối với người dân để không vi phạm các quy định của Pháp luật liên quan đến vũ khí, công cụ hỗ trợ?

Trả lời:

   Người dân cần thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ:

– Không nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; lợi dụng, lạm dụng việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

– Không tiếp tay, giúp sức cho những đối tượng vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Khi phát hiện vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ phải báo ngay hoặc giao nộp cho cơ quan Công an nơi gần nhất hoặc chính quyền địa phương để có biện pháp ngăn chặn, xử lý.

– Không được sử dụng súng săn, súng tự chế để săn bắn, mọi trường hợp cá nhân sử dụng súng săn, súng tự chế đều vi phạm.

– Các tổ chức, cá nhân hiện đang tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ hãy tự giác đến cơ quan Công an nơi gần nhất để giao nộp. Trường hợp cố tình vi phạm, khi bị phát hiện sẽ tiến hành xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.