Câu hỏi 1. Sáng chế/ giải pháp hữu ích là gì?
– Sáng chế/ giải pháp hữu ích là sản phẩm, quy trình công nghệ, do con người tạo ra chứ không phải là những gì (đã tồn tại trong thiên nhiên) được con người phát hiện ra.
– Thuộc tính cơ bản của sáng chế/ giải pháp hữu ích là đặc tính kỹ thuật bởi vì sáng chế/ giải pháp hữu ích là giải pháp kỹ thuật, tức là biện pháp kỹ thuật giải quyết một vấn đề.
Câu hỏi 2. Sáng chế/giải pháp hữu ích có thể được thể hiện dưới những dạng nào?
Sáng chế/giải pháp hữu ích có thể được thể hiện dưới 5 dạng sau đây:
– Cơ cấu là tập hợp các chi tiết có chức năng giống nhau hoặc khác nhau, liên kết với nhau để thực hiện một chức năng nhất định, ví dụ: dụng cụ, máy móc, thiết bị, chi tiết máy, cụm chi tiết máy, các sản phẩm khác, v.v…
– Chất là tập hợp các phần tử có quan hệ tương hỗ với nhau, được đặc trưng bởi sự hiện diện, tỷ lệ và trạng thái của các phần tử tạo thành và có chức năng nhất định. Chất có thể là hợp chất hóa học, hỗn hợp chất, ví dụ: vật liệu, chất liệu, thực phẩm, dược phẩm;
– Phương pháp là quy trình thực hiện các công đoạn hoặc hàng loạt các công đoạn xảy ra cùng một lúc hoặc liên tiếp theo thời gian, trong điều kiện kỹ thuật xác định nhờ sử dụng phương tiện xác định, ví dụ: phương pháp hoặc quy trình sản xuất, xử lý, khai thác, đo đạc, thăm dò, v.v…
– Vật liệu sinh học là vật liệu có chứa các thông tin di truyền, có khả năng tự tái tạo hoặc được tái tạo trong hệ thống sinh học, ví dụ như tế bào, gen, cây chuyển gen;
– Sử dụng một cơ cấu (hoặc một chất, một phương pháp, một vật liệu sinh học) đã biết theo chức năng mới là sử dụng chúng với chức năng khác với chức năng đã biết, ví dụ như sử dụng phomat làm thuốc chữa bệnh đau răng.
Câu hỏi 3. Các tiêu chuẩn (điệu kiện) bảo hộ sáng chế?
Sáng chế được bảo hộ nếu đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn (điều kiện) sau:
– Có tính mới so với trình độ kỹ thuật trên thế giới;
– Có trình độ sáng tạo, và;
– Có khả năng áp dụng công nghiệp.
Câu hỏi 4. Các đối tượng không được nhà nước bảo hộ dưới danh nghĩa là sáng chế?
– Ý đồ, nguyên lý và phát minh khoa học;
– Phương pháp và hệ thống tổ chức và quản lý kinh tế;
– Phương pháp và hệ thống giáo dục, giảng dạy, đào tạo;
– Phương pháp luyện tập cho vật nuôi;
– Hệ thóng ngôn ngữ, hệ thống thông tin, phân loại, sắp xếp tư liệu;
– Bản thiết kế và sơ đồ quy hoạch các công trình xây dựng, các đề án quy hoạch và phân vùng lãnh thổ;
– Giải pháp chỉ đề cập đến hình dáng bên ngoài của sản phẩm, chỉ mang đặc tính thẩm mỹ mà không mang đặc tính kỹ thuật;
– Ký hiệu quy ước, thời gian biểu, các quy tắc và các luật lệ, các dấu hiệu tượng trưng:
– Phần mềm máy tính, thiết kế bố trí vi mạch điện tử, mô hình toán học, đồ thị tra cứu và các dạng tương tự;
– Giống thực vật, giống động vật;
– Phương pháp phòng bệnh, chẩn đoán bệnh và chữa bệnh cho người và động vật;
– Quy trình mang bản chất sinh học (trừ quy trình vi sinh) để sản xuất thực vật và động vật;
– Các đối tượng trái với lợi ích xã hội, trật tự công cộng, nguyên tắc nhân đạo.
Câu hỏi 5. Quy trình và thời hạn xem xét đơn đăng ký sáng chế?
Đơn đăng ký sáng chế được xử lý tại Cục SHTT theo trình tự tổng quát sau (Sơ đồ quy trình xử lý đơn đăng ký sáng chế):
a) Thẩm định hình thức:
Là việc kiểm tra sự tuân thủ các quy định về hình thức đối với đơn, từ đó đưa ra kết luận đơn hợp lệ hay không hợp lệ. Thời gian thẩm định hình thức là 1 tháng kể từ ngày nộp đơn
b) Công bố đơn hợp lệ:
Đơn đăng ký CDĐL được chấp nhận là hợp lệ được công bố trên Công báo SHCN trong tháng thứ 19 kể từ ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn nếu đơn không có ngày ưu tiên, hoặc trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày được chấp nhận là đơn hợp lệ, tùy theo ngày nào muộn hơn.
Đơn đăng ký sáng chế có yêu cầu công bố sơm được công bố trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày Cục SHTT nhận được yêu cầu công bố sớm hoặc kể từ ngày chấp nhận đơn hợp lệ, tùy theo ngày nào muộn hơn.
Nội dung công bố đơn đăng ký sáng chế là các thông tin liên quan đến đơn hợp lệ ghi trong thông báo chấp nhận đơn hợp lệ, bản tóm tắt sáng chế kèm theo hình vẽ (nếu có).
c) Yêu cầu thẩm định nội dung:
Cục SHTT chỉ tiến hành thẩm định nội dung dơn đăng ký sáng chế khi có yêu cầu thẩm định nội dung của người nộp đơn hoặc của bất kỳ người thứ ba nào và người yêu cầu thẩm định phải nộp phí tra cứu và phí thẩm định nội dung theo quy định.
Yêu cầu thẩm định nội dung đơn đăng ký sáng chế phải thể hiện bằng văn bản làm theo mẫu 03-YCTĐ quy định tại Phụ lục B của Thông tư 01/2007/TT-BKHCN hoặc được thể hiện trong tờ khai đơn đăng ký sáng chế.
Thời hạn nộp yêu cầu thẩm định nội dung đăng ký sáng chế là 42 tháng kể từ ngày nộp đơn. Đối với đơn đăng ký sáng chế có yêu cầu cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích thì thời hạn yêu cầu thẩm định nội dung đơn là 36 tháng kể từ ngày nộp đơn. Thời hạn nộp yêu cầu thẩm định nội dung có thể kéo dài, nhưng không quá 6 tháng nếu có lý do chính đáng.
Nếu trong thời hạn quy định nêu trên,không có yêu cầu thẩm định nội dung đơn thì đơn đăng ký sáng chế được coi như đã rút tại thời điểm kết thúc thời hạn đó.
d) Thẩm định nội dung:
Thẩm định nội dung đơn là dánh giá khả năng được bảo hộ của giải pháp kỹ thuật nêu trong đơn theo cá điều kiện bảo hộ sáng chế (tính mới, trình độ sáng tạo, khả năng áp dụng công nghiệp) và đánh giá lần lượt từng điểm nêu trong phạm vi (yêu cầu bảo hộ).
Thời gian thẩm định nội dung đơn đăng ký sáng chế là 18 tháng kể từ ngày nhận được yêu cầu thẩm định nội dung (nếu yêu cầu đó được nộp sau ngày công bố đơn) hoặc kể từ ngày công bố đơn (nếu yêu cầu đó được nộp trước ngày công bố đơn)
Câu hỏi 6. Việc sửa đổi, bổ sung, tách, chuyển đổi, chuyển giao đơn đăng ký sáng chế được thực hiện như thế nào?
a) Sửa đổi, bổ sung đơn:
Trước khi Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo từ chối chấp nhận đơn hợp lệ, thông báo từ chối cấp văn bằng bảo hộ hoặc quyết định cấp văn bằng bảo hộ, người nộp đơn có thể chủ động hoặc theo yêu cầu của Cục Sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung các tài liệu đơn.
Đối với yêu cầu sửa đổi,bổ sung Bản mô tả, bản tóm tắt sáng chế,người nộp đơn phải nộp bản tài liệu đã được sửa đổi, kèm theo bản thuyết minh chi tiết nội dung sửa đổi so với bản tài liệu ban đầu đã nộp:
Việc sửa đổi,bổ sung không được mở rộng phạm vi (khối lượng) bảo hộ vượt quá nội dung đã bộc lộ trong phần mô tả đối với đơn đăng ký sáng chế và không được làm thay đổi bản chất của đối tượng nêu trong đơn. Nếu việc sửa đổi làm mở rộng phạm vi (khối lượng) bảo hộ hoặc làm thay đổi bản chất đối tượng thì người nộp đơn phải nộp đơn mới và mọi thủ tục được tiến hành lại từ đầu.
Người nộp đơn có thể yêu cầu sửa chữa sai sót về tên, địa chỉ của người nộp đơn, tác giả.
Mọi yêu cầu sửa đổi,bổ sung phải được làm thành văn bản theo mẫu 01-SĐĐ quy định tại Phụ lục B của Thông tư 01/2007/TT-BKHCN. Có thể yêu cầu sửa đổi với cùng một nội dung liên quan đến nhiều đơn, với điều kiện người yêu cầu phải nộp lệ phí theo số lượng đơn tương ứng.
Việc sửa đổi,bổ sung đơn,kể cả thay đổi về người được uỷ quyền,do người nộp đơn chủ động thực hiện hoặc theo yêu cầu của Cục Sở hữu trí tuệ phải được thể hiện bằng văn bản, ghi rõ nội dung sửa đổi, bổ sung và kèm theo chứng từ nộp lệ phí sửa đổi, bổ sung đơn.
b) Tách đơn
Người nộp đơn có thể chủ động hoặc theo yêu cầu của Cục Sở hữu trí tuệ tách đơn (tách một hoặc một số giải pháp kỹ thuật trong đơn đăng ký sáng chế sang một hoặc nhiều đơn mới, gọi là đơn tách).
Đơn tách mang số đơn mới và được lấy ngày nộp đơn của đơn ban đầu hoặc (các) ngày ưu tiên của đơn ban đầu (nếu có).
Đối với mỗi đơn tách,người nộp đơn phải nộp lệ phí nộp đơn và mọi khoản phí, lệ phí cho các thủ tục được thực hiện độc lập với đơn ban đầu, nhưng không phải nộp phí yêu cầu hưởng quyền ưu tiên. Đơn tách được thẩm định về hình thức và tiếp tục được xử lý theo các thủ tục chưa được hoàn tất đối với đơn ban đầu. Đơn tách phải được công bố lại và người nộp đơn phải nộp lệ phí công bố nếu việc tách đơn được thực hiện sau khi Cục Sở hữu trí tuệ đã có thông báo chấp nhận đơn hợp lệ đối với đơn ban đầu.
Đơn ban đầu (sau khi bị tách) tiếp tục được xử lý theo thủ tục thông thường và người nộp đơn phải nộp lệ phí sửa đổi, bổ sung đơn.
c) Chuyển đổi đơn
Trước khi Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo từ chối cấp văn bằng bảo hộ hoặc quyết định cấp văn bằng bảo hộ, người nộp đơn đăng ký sáng chế có thể chuyển đổi yêu cầu cấp Bằng độc quyền sáng chế thành yêu cầu cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích hoặc ngược lại theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 115 của Luật Sở hữu trí tuệ, với điều kiện người nộp đơn phải nộp lệ phí chuyển đổi đơn theo quy định.
Sau khi nhận được yêu cầu chuyển đổi đơn hợp lệ,Cục Sở hữu trí tuệ tiếp tục tiến hành thủ tục xử lý đơn chuyển đổi theo quy định tương ứng,nhưng không thực hiện lại các thủ tục đã tiến hành đối với đơn trước khi có yêu cầu chuyển đổi.
d) Chuyển giao đơn
Trước khi Cục Sở hữu trí tuệ ra một trong các thông báo từ chối chấp nhận đơn hợp lệ, thông báo từ chối cấp văn bằng bảo hộ hoặc quyết định cấp văn bằng bảo hộ,người nộp đơn có thể yêu cầu Cục Sở hữu trí tuệ ghi nhận việc chuyển giao đơn cho người khác. Yêu cầu ghi nhận việc chuyển giao làm theo mẫu 02-CGĐ quy định tại Phụ lục B của Thông tư 01/2007/TT-BKHCN. Trong yêu cầu ghi nhận việc chuyển giao đơn phải có tài liệu chứng minh người được chuyển giao đáp ứng yêu cầu về quyền đăng ký.
Câu hỏi 7. Duy trì hiệu lực văn bằng bảo hộ sáng chế được thực hiện như thế nào?
Để được duy trì hiệu lực văn bằng bảo hộ sáng chế, chủ văn bằng bảo hộ phải nộp lệ phí duy trì hiệu lực trong vòng 06 tháng trước ngày kết thúc kỳ hạn hiệu lực. Lệ phí duy trì hiệu lực có thể được nộp muộn hơn thời hạn quy định trên đây, nhưng không được quá 06 tháng kể từ ngày kết thúc kỳ hạn hiệu lực trước và chủ văn bằng bảo hộ phải nộp thêm 10% lệ phí cho mỗi tháng nộp muộn.
Câu hỏi 8: Phí bảo hộ sáng chế?
Bảo hộ sáng chế có mức phí là 18 triệu đồng gồm phí luật sư và phí nhà nước.
Nguồn: http://vipri.gov.vn/hoi-dap.html