Chế tài xử lý hành vi bạo hành đối với trẻ em.

0
392

Những ngày gần đây, người dân Bạc Liêu phẫn nộ với đoạn clip phát tán trên Facebook ghi lại cảnh một bảo mẫu của Cơ sở nhà trẻ mồ côi Vĩnh Phước An Tự (phường 2, TP Bạc Liêu) đánh dã man một cháu nhỏ mà cơ sở đang nuôi dưỡng.

Về vấn đề này, luật sư Nguyễn Thanh Hà đã trả lời phóng viên báo công lý như sau:

PV: Chúng tôi muốn hỏi LS là với trường hợp này thì sẽ bị xử lý ra sao? Hình phạt là dân sự hay hình sự? Nhất là việc bạo hành đối với trẻ em mồ côi.

Trả lời: Pháp luật Việt Nam đều đã có các chế tài về hành chính, hình sự và dân sự để xử phạt đối với hành vi bạo hành đối với trẻ em.

Cụ thể là theo quy định tại Điều 17, Nghị định số 114/2006 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực dân số, gia đình thì những hành vi ngược đãi, hành hạ, lợi dụng trẻ em với mục đích trục lợi sẽ bị xử phạt như sau:

1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Lăng nhục, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, gây tổn thương về tinh thần của trẻ em;
b) Đối xử tồi tệ, bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân, giam hãm ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm hoặc bắt làm những việc trái với đạo đức xã hội;
c) Bắt trẻ em đi xin ăn; cho thuê, cho mượn trẻ em hoặc sử dụng trẻ em để xin ăn.
2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi đánh đập hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể trẻ em làm cho trẻ em đau đớn về thể xác và tinh thần.
3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức cho trẻ em đi xin ăn.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc cá nhân, tổ chức chịu mọi chi phí để khám bệnh, chữa bệnh cho trẻ em do thực hiện hành vi quy định tại điểm a và điểm b khoản 1, khoản 2 Điều này;
b) Buộc cá nhân, tổ chức chịu mọi chi phí để đưa trẻ em trở về với gia đình, gia đình thay thế hoặc cơ sở trợ giúp trẻ em do thực hiện hành vi quy định tại điểm b và điểm c khoản 1, khoản 3 Điều này.

Bên cạnh đó, nếu các cơ quan cảnh sát điều tra nhận thấy có dấu hiệu phạm tội hình sự thì có thể khởi tố điều tra Tội hành hạ người khác theo quy định tại điều 110 Bộ Luật hình sự.

Theo điều 110 thì 1. Người nào đối xử tàn ác với người lệ thuộc mình thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm:
a) Đối với người già, trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người tàn tật;
b) Đối với nhiều người.

Bên cạnh đó, nếu đối tượng bị bạo hành là trẻ em thì cha mẹ hoặc người giám hộ đối với trẻ em còn có thể khởi kiện vụ án dân sự đối với bị đơn để yêu cầu bồi thường thiệt hại về thân thể về tinh thần đối với trẻ em bị ngược đãi.

Nói tóm lại, hệ thống pháp luật Việt Nam đã có đầy đủ các quy định nhằm bảo vệ và chống lại hành vi ngược đãi và bạo hành đối với trẻ em trong đó có trẻ em mồ côi.

PV: Trong khi người này không hề có trình độ, hay bằng cấp gì liên quan đến sư phạm hoặc nuôi dạy trẻ mà vẫn được làm việc trong cơ sở đó? Vậy thì trách nhiệm của các đơn vị liên quan ví dụ như sở LĐ – TB&XH tỉnh như thế nào?

Trả lời: Hiện nay, pháp luật Việt Nam đều quy định về việc thành lập và tổ chức hoạt động của các trung tâm bảo trợ xã hội trong đó có các cơ sở nuôi dạy trẻ em mồ côi.

Việc hình thành và hoạt động của các trung tâm này đều căn cứ vào luật và được sự giám sát của các cấp chính quyền và cơ quan quản lý địa phương như Sở lao động thương binh và xã hội.

Tuy nhiên, trong vụ việc này, qua những gì báo chí phản ánh, cơ sở này có nhiều sai phạm như nhiều người nuôi dưỡng không có trình độ, bằng cấp, rồi cơ sở không đủ điều kiện vật chất, có tình trạng này là do hiện nay, nhiều cơ sở nuôi dạy trẻ ở một số địa phương đều hình thành một cách tự phát, không tuân thủ các quy định pháp lý, khi cơ quan quản lý phát hiện ra thì các cơ sở này cũng đã hình thành, việc cơ quan chức năng muốn giải tán các trung tâm này đều rất khó khăn, vì nếu giải tỏa rồi, lại phải lo chỗ ở mới cho các cháu, trong khi các cơ sở vật chất của các tỉnh đều rất khó khăn.

Bên cạnh đó, thủ tục hành chính để tiến hành giải tỏa và đưa các cháu vào các trung tâm bảo trợ xã hội cũng phức tạp, vì vậy, đây là một bài toán khó cho cơ quan chức năng.

Chính vì vậy, nhiều trung tâm vẫn cứ hoạt động và cơ quan chức năng cũng lung túng, không xử lý một cách dứt khoát đối với những trường hợp này.

PV: LS có thể nêu ý kiến cá nhân xét về mặt đạo đức xã hội về hành vi trên?

Trả lời: Trẻ em mồ côi, đây là những đối tượng rất đáng thương, thiệt thòi cần có sự cảm thông và chăm lo của xã hội, các nhà hảo tâm.

Mỗi khi có những vụ bạo hành đối với trẻ em và đặc biệt trẻ em mồ côi trong xã hội, với tư cách là một người công dân, một người cha, tôi hết sức phẫn nộ vì những hành vi đó.

Những hành vi bạo hành đối với trẻ em vì bất cứ lý do gì đều là hành vi vô đạo đức và cần xã hội lên án và cũng cần có những chế tài nghiêm khắc để tuyên truyền, giáo dục, tránh để xảy ra những trường hợp như đã nêu.

PV: Không phải bây giờ mà trước đó xảy ra rất nhiều vụ bạo hành trẻ em, đã có những tiền lệ về hình phạt nhưng vẫn có những vụ vi phạm sau đó, theo anh chế tài đã đủ mạnh chưa?

Trả lời: Có nhiều nguyên nhân dẫn tới hiện tượng này, trong đó có nguyên nhân thiếu sự quản lý và giám sát, ý thức của người nuôi dạy trẻ chưa tốt, chưa được đào tạo.

Bên cạnh đó, nguyên nhân về chế tài cũng là một nguyên nhân, như đã phân tích ở trên, chế tài hành chính và hình sự còn tương đối nhẹ,

Ví dụ như chế tài hành chính là phạt tiền từ 500.000 đến 1000.000 đồng đối với những hành vi quy định tại khoản 1 điều 17 Nghị định 114 nêu trên là quá nhẹ.

Chế tài hình sự thì theo khoản 1 điều 110 cũng chỉ xử phạt đến 2 năm tù giam.

Còn về khởi kiện các vụ án dân sự để đòi bồi thường thiệt hại về vật chất và tinh thân, hiện tại, rất ít đại diện người bị hại như cha mẹ, người giám hộ khởi kiện ra tòa vì các thủ tục cũng phức tạp, đặt biệt, chúng ta chưa có tòa án gia đình và trẻ em.

PV: Và tại sao những lần phát hiện bạo hành đại đa số là do người dân quay clip tung lên mạng chứ không phải là các cơ quan chức năng phát hiện, vậy kẽ hở pháp luật là ở đâu?

Trả lời: Các vụ bảo hành đều được phát hiện do những bức xúc của người dân mà chưa có sự chủ động phát hiện của các cơ quan nhà nước,

Phần lớn các vụ việc là khi có sự tham gia của người dân và báo chí lên tiếng thì cơ quan chức năng mới biết.

Điều này phản ánh một thực tế việc thực thi, giám sát hoạt động của các tổ chức nuôi dạy trẻ mô côi, đặc biệt là các cơ sở tự phát của các cơ quan chức năng còn lỏng lẻo, chưa kịp thời và bị động.

Tôi xin nhấn mạnh, hệ thống pháp luật bảo vệ trẻ em đã có, có cơ quan chức năng để thực thi những vấn đề là triển khai không hiệu quả và quyết liệt.