Định giá TSTT

0
437
      Khái niệm định giá.

   Theo khoản 2 điều 4 Pháp lệnh Giá số 40/2002/PL-UBTVQH10 quy định: “Thẩm định giá là việc đánh giá hoặc đánh giá lại giá trị của tài sản phù hợp với thị trường tại một địa điểm, thời điểm nhất định theo tiêu chuẩn của Việt Nam hoặc thông lệ quốc tế”.

Tuy nhiên, theo tác giả, giữa thẩm định giá và định giá có sự khác nhau. Cụ thể, thẩm định giá là việc đánh giá “giá trị” của tài sản, còn định giá là việc xác định “giá” của tài sản đó, phụ thuộc vào ý thích của cá nhân và hoàn cảnh định giá. Thẩm định giá là việc đánh giá giá trị của tài sản một cách khách quan, trong khi đó việc định giá mang cả yếu tố cá nhân trong đó. Ví dụ: Một ngôi nhà chỉ có một giá trị xác định, tuy nhiên với mỗi người, việc định giá tiền của ngôi nhà lại khác nhau. Giá trị thực của ngôi nhà là 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi chưa biết giá trị thực của ngôi nhà, ông A, cảm thấy ngôi nhà này không đẹp, ông ta chỉ trả giá 800 triệu đồng, ngược lại, ông B lại thấy rất thích ngôi nhà này, thì ông có thể định giá nó lên tới 1,5 tỷ đồng.

            Giá trị là những lợi ích tiềm năng trong tương lai. Trong tương lai, bằng cách nào đó chúng ta chuyển những lợi ích đó thành tiền. Theo GS. TS Alexander J. Wurzer thì giá trị TSTT = Giá trị tiềm năng + Quá trình khai thác + Các tài sản bổ sung. Ví dụ: Giá trị của một bằng độc quyền sáng chế của một công ty dược phẩm phụ thuộc vào bằng độc quyền sáng chế đó có cho phép công ty độc quyền, liệu sáng chế đó có liên quan đến sản phẩm có thể đưa ra thị trường và liệu công ty có trang thiết  bị để sản xuất sản phẩm đó hay không.

            Giá đơn thuần là tiền, mà tại thời điểm đó tài sản được xác định có giá bao nhiêu tiền.

            Tuy nhiên, đối với TSTT – là một loại tài sản đặc biệt thì việc định giá không chỉ là việc đánh giá giá trị của tài sản đó tại thời điểm hiện tại mà còn phải đánh giá tiềm năng, tính kinh tế mà tài sản đó có thể tạo ra cho doanh nghiệp trong tương lai. Đồng thời, khi định giá TSTT, chúng ta cũng phải tính đến việc khấu hao giá trị tài sản, bởi mặc dù TSTT không bị hao mòn trong quá trình sử dụng nhưng đặc tính của TSTT là dễ bị suy giảm nhanh chóng bởi sự tạo ra kiến thức mới.

            Việc định giá giá trị TSTT là một vấn đề còn rất nhiều khó khăn. Đặc biệt là ở Việt Nam, việc định giá TSTT rất mới mẻ, chưa có nhiều tiền lệ về các hợp đồng chuyển giao công nghệ, góp vốn bằng TSTT… Một trong những nguyên nhân chính là do hệ thống pháp luật Việt Nam về định giá TSTT còn nhiều mâu thuẫn, chưa có các quy định cụ thể về định giá TSTT. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải khẳng định rằng, việc định giá TSTT là hoàn toàn có thể thực hiện được, bởi các quốc gia khác trên thế giới cũng đã tiến hành công việc này và khẳng định được vai trò của TSTT trong việc làm tăng giá trị doanh nghiệp.