Hệ quả của việc thiếu các quy định của pháp luật về định giá TSTT

0
432

Việc thiếu hụt và mâu thuẫn trong các văn bản pháp luật về định giá đã gây ra những hệ quả xấu đến doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, cụ thể như sau:

– Mặc dù luật Doanh nghiệp đã đưa ra quy định các doanh nghiệp có thể góp vốn bằng quyền SHTT nhưng bộ Tài chính – đơn vị được giao nhiệm vụ hướng dẫn việc định giá TSTT lại chưa đưa ra được những hướng dẫn cụ thể và chi tiết về vấn đề định giá cho từng loại đối tượng quyền SHTT. Chính điều này đã khiến cho những giao dịch liên quan tới việc góp vốn TSTT đến nay vẫn chưa thể thực hiện được, ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của doanh nghiệp Việt Nam so với các doanh nghiệp khác trên thế giới. Một ví dụ điển hình của việc góp vốn bằng giá trị thương hiệu đó là việc tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) tham gia góp vốn với một số doanh nghiệp trong nước bằng giá trị thương hiệu của mình. Tuy nhiên, do không có một cơ sở để xác định xem giá trị của thương hiệu Vinashin là bao nhiêu, nên khi tập đoàn này đứng trước bờ vực phá sản, thương hiệu mất dần giá trị, các doanh nghiệp có cổ phần là thương hiệu Vinashin đang gặp rất nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp đang muốn gỡ bỏ thương hiệu này ra khỏi vốn điều lệ của công ty. Đầu năm 2008, Công ty cổ phần đầu tư phát triển du lịch Tân Quang Minh đã đổi tên thành Công ty cổ phần đầu tư phát triển du lịch Tân Quang Minh – Vinashin .

Với việc góp vốn bằng thương hiệu, Vinashin đã có 20% vốn góp trong tổng vốn điều lệ của công ty. Tuy nhiên, do bộ Tài chính cho phép Vinashin được góp vốn bằng thương hiệu nhưng lại chưa có sự tính toán giá trị của thương hiệu này mà chủ yếu dựa vào cảm tính chủ quan, kỳ vọng. Chính vì vậy, khi Vinashin đứng trước bờ vực phá sản đã kéo theo nhiều hệ lụy không đáng có, nhiều doanh nghiệp có phần góp vốn bằng thương hiệu Vinashin muốn gỡ bỏ thương hiệu này ra khỏi tên thương mại của mình gặp rất nhiều khó khăn.

– Thông tư số 146/2007/TT-BTC ngày 06 tháng 12 năm 2007 hướng dẫn thực hiện một số vấn đề về tài chính khi thực hiện chuyển doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thành công ty cổ phần theo quy định tại nghị định số 109/2007/NĐ-CP ngày 26 tháng 06 năm 2007 của Chính phủ đã có các quy định về định giá TSTT khi doanh nghiệp tiến hành cổ phần hóa. Tuy nhiên, việc định giá giá trị TSTT của các doanh nghiệp này vẫn còn nhiều bất cập do chưa có hướng dẫn cụ thể, dẫn đến tình trạng TSTT không được xem xét để định giá hoặc xác định giá trị không tương xứng và chính xác.

Ví dụ: Năm 2007, khi cổ phần hóa công ty bánh Tôm Hồ Tây, dù được đánh giá là có vị trí đẹp, gần hồ Trúc Bạch, diện tích rộng và là một nhãn hiệu nổi tiếng nhưng chỉ được định giá 850 triệu đồng. So với thời điểm định giá thì giá trị của công ty này là quá thấp. Trong trường hợp này, thương hiệu bánh Tôm Hồ Tây đã không được hoàn toàn không được xem xét là một tài sản.

Năm 2009, khi cổ phần hóa công ty Gang thép Thái Nguyên, giá trị thương hiệu được định giá là 54 tỷ đồng. Mới nghe qua có thể thấy đây là một con số ấn tượng, tuy nhiên so với tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp là 1.840 tỷ đồng thì giá trị thương hiệu này mới chỉ chiếm khoảng 3%, như vậy là quá thấp so với một công ty đã tồn tại hơn 50 năm. Năm 2005, tổng giá trị tài sản của Tổng công ty xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam (Vinaconex) được định giá là 3.700 tỷ đồng, trong đó giá trị thương hiệu là 3.5 tỷ đồng, chiếm chưa đến 1/1000 tổng giá trị doanh nghiệp. Trong khi đó, từ năm 1995, nhãn hiệu kem đánh răng P/S của công ty Phong Lan đã được định giá 5 triệu đô la Mỹ, và nhãn hiệu kem đánh răng Dạ Lan của công ty Sơn Hải cũng được chuyển nhượng với giá 3 triệu đô la Mỹ! Như vậy, so với thời điểm năm 1995 thì việc định giá giá trị thương hiệu để cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà Nước hiện nay của chúng ta là quá thấp, chưa xác định được chính xác giá trị thương hiệu, làm giảm tổng giá trị tài sản doanh nghiệp.

Với những ví dụ trên, chúng ta có thể khẳng định việc định giá giá trị TSTT trong việc cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước còn rất nhiều bất cập, đòi  hỏi phải có những biện pháp khắc phục kịp thời, đặc biệt là làm sao để TSTT được ghi nhận một cách xứng đáng. Chính sự nhập nhằng giữa các văn bản pháp luật trong việc quy định thương hiệu có được ghi nhận là tài sản hay không đã dẫn đến tình trạng khi cổ phần hóa, có doanh nghiệp được định giá giá trị thương hiệu, lại có những doanh nghiệp không được định giá hay nếu có thì cũng định giá quá thấp, chưa tương xứng với giá trị thực tế của thương hiệu đó.

– Sự chênh lệch giữa các văn bản kế toán và các quy định về việc góp vốn của luật Doanh nghiệp đã khiến cho những TSTT mà doanh nghiệp là chủ sở hữu không được hạch toán vào sổ kế toán. Vì thế khi doanh nghiệp muốn vay ngân hàng hay thế chấp tài sản để thực hiện giao dịch liên quan thì không được chấp nhận.

– Hiện nay ở Việt Nam cũng đã xuất hiện ngày càng nhiều những giao dịch liên quan đến việc chuyển giao công nghệ hay là các giao dịch chuyển nhượng nhãn hiệu, liên doanh với doanh nghiệp nước ngoài sử dụng những nhãn hiệu nổi tiếng của Việt Nam… Tuy nhiên, do các doanh nghiệp chưa có sự hiểu biết đầy đủ về TSTT cũng như việc hệ thống pháp luật Việt Nam chưa có các quy định cụ thể về định giá TSTT như thế nào, do đó việc định giá các TSTT nói trên chủ yếu vẫn dựa vào cảm tính chủ quan của người định giá mà chưa có sự tính toán khoa học. Điều này đã khiến cho không ít doanh nghiệp Việt Nam phải chịu thiệt hại khi biết giá trị nhãn hiệu của mình nhiều hơn những gì đã định giá.

– Do không có quy định hướng dẫn cụ thể về định giá TSTT nên trong các vụ án xử lý vi phạm quyền SHTT, tòa án không có căn cứ pháp lý để xác định mức bồi thường thiệt hại cho bên bị vi phạm. Tại mục 02 nghị định số 105/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 06 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật SHTT về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ đã có quy định về việc xác định thiệt hại do các hành vi xâm phạm quyền SHTT. Tuy nhiên, trong nghị định này cũng không nói rõ việc xác định giá trị tài sản thiệt hại như thế nào. Do đó, tòa án không có căn cứ pháp lý để xác định mức bồi thường thiệt hại cho bên bị vi phạm.

Qua sự phân tích trên, một lần nữa chúng ta lại khẳng định rằng: Hệ thống pháp luật Việt Nam về định giá TSTT còn rất nhiều mâu thuẫn và bất cập. Tình trạng không tương xứng giữa các văn bản pháp luật khi quy định về định giá TSTT đã gây ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam hiện nay nhằm tiến hành mục đích vay vốn, góp vốn, cổ phần hóa, xây dựng chiến lược kinh doanh. Vì vậy, ở chương tiếp theo, tác giả đưa ra một vài khuyến nghị nhằm khắc phục tình trạng trên.