IP – Các đối tượng cơ bản

0
404

Hệ thống pháp luật sở hữu trí tuệ được hình thành từ cuối thế kỷ XIX với sự ra đời của các điều ước quốc tế nền tảng là Công ước Paris về sở hữu công nghiệp (1883), Công ước Bern về bảo hộ các tác phẩm văn học nghệ thuật (năm 1886). Bằng việc ký kết các điều ước quốc tế này, các quốc gia thừa nhận với nhau những nguyên tắc chung nhất bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, kể từ đó khoa học công nghệ có những sự phát triển vượt bậc, kéo theo đó là nền kinh tế có những sự thay đổi tích cực căn bản. Vậy quyền sở hữu trí tuệ là gì và cách thức xác định chúng ra sao?

Theo nghĩa rộng, quyền sở hữu trí tuệ là quyền của các cá nhân tổ chức xuất phát từ hoạt động trí tuệ trong các lĩnh vực công nghiệp, khoa học, văn học và nghệ thuật. Lý do mà các quốc gia thừa nhận bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là: 1) bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là bảo đảm quyền sở hữu tài sản dành cho cá nhân tổ chức – quyền cơ bản của con người bên cạnh các quyền khác; 2) bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là đảm bảo sự công bằng. Khi một chủ sở hữu/tác giả đầu tư công sức, thời gian, tiền bạc nghiên cứu, sáng tạo nên một tài sản trí tuệ thì pháp luật phải có cơ chế để họ được độc quyền khai thác các giá trị thương mại của tài sản trí tuệ đó bù đắp các chi phí và các cơ hội khác mà họ đã bỏ ra nghiên cứu sáng tạo và đồng thời thu lợi nhuận để có động lực sáng tạo tiếp. Lý do này cũng dẫn đến lý do thứ ba, bản thân xã hội cũng được hưởng lợi ích từ hoạt động đổi mới sáng tạo, từ giá trị kinh tế đến giá trị văn hoá và thẩm mỹ, pháp luật cần phải có cơ chế bảo hộ phù hợp để tác giả yên tâm đầu tư sáng tạo tiếp phục vụ cho bản thân họ và cho xã hội.

Các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ nói chung được chia làm hai nhánh chính, quyền tác giả và quyền sở hữu công nghiệp. Nhánh bản quyền tác giả bảo hộ các tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học. Các đối tượng này được bảo hộ dù được thể hiện dưới bất kỳ hình thức nào, không phụ thuộc vào nội dung (hay hoặc dở), đã công bố hay chưa công bố, có đăng ký hay không. Việc phổ biến các tác phẩm văn học và nghệ thuật tới công chúng là một cách thức để tạo giá trị cho các tài trí tuệ, do vậy các cách thức truyền đạt đến công chúng cũng được pháp luật bảo hộ dưới dạng là quyền liên quan đến quyền tác giả, như các chương trình biểu diễn của nghệ sỹ, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng. Giống như các tác phẩm văn học nghệ thuật và khoa học, quyền liên quan cũng được bảo hộ kể từ thời điểm chúng được định hình hoặc thực hiện mà không phân biệt vào việc đăng ký.

Đa số các đối tượng quyền sở hữu công nghiệp được bảo hộ phải được đăng ký, tức là phải có một cơ quan có thẩm quyền đăng ký bởi việc bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp là bảo hộ chính các ý tưởng sáng tạo không phải bảo hộ hình thức thể hiện của chúng. Đối tượng điển hình của quyền sở hữu công nghiệp là sáng chế và kiểu dáng công nghiệp, những đối tượng mang hàm lượng sáng tạo cao nhất. Trong khi sáng chế là các giải pháp kỹ thuật mới được thể hiện dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình thì kiểu dáng công nghiệp là các giải pháp thẩm mỹ xác định hình dạng bên ngoài của sản phẩm và phải gắn với một sản phẩm cụ thể. Các chỉ dẫn thương mại bao gồm nhãn hiệu hàng hoá hoặc dịch vụ, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, quyền chống cạnh tranh không lành mạnh cho dù hàm lượng sáng tạo của các đối tượng này không cao nhưng vẫn được bảo hộ là đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp do những dấu hiệu được chuyển tải tới người tiêu dùng, bảo đảm rằng các sản phẩm mà người tiêu dùng đã mua và sử dụng có nguồn gốc và chất lượng rõ ràng không mang hàm ý lừa dối.

Các phát minh khoa học không được bảo hộ với danh nghĩa là một sáng chế, chúng là “việc phát hiện ra hiện tượng, các đặc tính hay quy luật của thế giới vật chất cho đến nay chưa được phát hiện và có thể kiểm chứng” (Công ước WIPO). Sở dĩ không được bảo hộ là sáng chế do các phát minh là quy luật tự nhiên, nó vẫn tồn tại độc lập với việc người ta có phát kiến ra hay không. Việc ứng dụng các phát minh khoa học để tạo ra một giải pháp kỹ thuật cụ thể giải quyết vấn đề cụ thể sẽ được bảo hộ sáng chế mà các phát minh đó không nhất thiết phải mới được phát hiện. Tất nhiên, các phát minh khoa học sẽ được bảo hộ dưới dạng bản quyền tác giả nếu chúng được định hình dưới hình thức vật chất cụ thể.

Pháp luật các quốc gia khác nhau có những cơ chế khác nhau để bảo vệ các sản phẩm của quá trình đổi mới sáng tạo, ví dụ chương trình máy tính. Trong khi Mỹ bảo hộ các chương trình máy tính dưới dạng là sáng chế thì pháp luật Việt Nam (đa số các quốc gia khác cũng quy định như vậy) cho phép bảo hộ chương trình máy tính như một tác phẩm văn học cho dù thể hiện dưới dạng mã nguồn hay mã máy. Điều này hoàn toàn được thừa nhận theo Công ước Paris, cho dù cơ chế thực thi có thể khó khăn về mặt thực tế.

Khác với tài sản mang tính vật chất, tài sản trí tuệ có những giới hạn rất cụ thể. Về mặt không gian, quyền sở hữu trí tuệ chỉ được bảo hộ trong phạm vi lãnh thổ của quốc gia (chủ thể mang quốc tịch hoặc tác phẩm được công bố) do quyền lực quốc gia bị giới hạn tại đường biên giới của họ. Về mặt thời gian, để đảm bảo sự công bằng thúc đẩy sự phát triển xã hội, quyền sở hữu trí tuệ chỉ được bảo hộ trong một thời hạn cụ thể, hết thời hạn bù đắp chi phí và khai thác lợi ích kinh tế từ tài sản trí tuệ, tài sản trí tuệ thuộc về công chúng ai cũng có thể dễ dàng sử dụng và khai thác thương mại. Tất nhiên, có những trường hợp ngoại lệ ví dụ như nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý chúng sẽ được bảo hộ vô thời hạn cho đến chừng nào mà chủ sở hữu còn gia hạn hiệu lực hoặc các điều kiện đảm bảo tính đặc thù của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý còn tồn tại.

Hoạt động đổi mới sáng tạo tạo ra những sản phẩm rất cụ thể, các sản phẩm này mang lại các giá trị to lớn về mặt tinh thần và kinh tế cho các tác giả, người đầu tư nếu những chủ thể này ý thức được tài sản mà mình đang nắm giữ, đồng thời thiết lập cơ chế thương mại hoá tài sản trí tuệ bên cạnh với việc áp dụng các biện pháp bảo vệ tài sản của mình một cách phù hợp.

P/s. Bài viết cổ vũ cho hoạt động đổi mới sáng tạo và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nhân ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26/4

© Tam Tran – IP Attorney (IpCom Vietnam)