Trong bài báo Lỗ hổng của pháp luật trong quy định về thoát hiểm ở nhà dân đăng trên báo Dân Việt có trích dẫn ý kiến của luật sư Nguyễn Thanh Hà từ SBLAW, mời Quý vị đón đọc tại đây:
Số lượng và hậu quả của những vụ hỏa hoạn tại nhà ống ngày càng trở thành vấn đề nhức nhối. Báo NTNN nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc cho rằng cần quy định và kiểm soát chặt hơn việc đảm bảo tiêu chí thoát hiểm trong xây dựng nhà dân.
Kiểm soát chặt việc áp dụng quy chuẩn
Theo tôi được biết, ở ta có đề ra những quy chuẩn đối với việc xây dựng nhà ở và các công trình xây dựng. Trong đó quy định rõ về việc phải có những giải pháp kết cấu, quy hoạch không gian và kỹ thuật công trình để đảm bảo an toàn cho người, cứu người khi có hỏa hoạn xảy ra. Thế nhưng thử hỏi có mấy ai biết và nếu biết thì có mấy ai đưa cái quy chuẩn đó áp dụng vào việc xây nhà đâu, nhất là ở nông thôn lại càng khó. Đó thuộc về ý thức của người dân. Tuy nhiên, bên cạnh đó các cơ quan chức năng cũng chưa thực sự kiểm soát chặt về vấn đề này. Vụ cháy nhà làm chết 6 người ở Cà Mau mới đây là một bài học quá đắt, giờ đây chúng ta cần nhìn lại và cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng.
Kỹ sư xây dựng Lê Đức An (Nam Từ Liêm, Hà Nội)
Đừng dựng rào chắn, bít lối đi
Hiện nay các gia đình, đặc biệt ở thành phố thường sống theo lối khép kín. Mặc dù nhà chung tường sát vách nhưng không hề giao tiếp, thậm chí vẫn làm rào sắt chắn chốt bít hết mọi lối. Thế nhưng, ít ai biết rằng những lối thông qua nhà hàng xóm đó lại chính là con đường cứu sống mình lỡ khi gặp hỏa hoạn. “Bà hỏa” đến thì không nói trước với bất cứ ai nên chúng ta hãy tạo cho mình một lối thoát khi còn chưa muộn.
Bạn đọc Nguyễn Văn Long (Cầu Giấy, Hà Nội)
Nghiên cứu mô hình nhà an toàn
Không chỉ thành phố mà nông thôn hiện nay cũng có rất nhiều gia đình sống trong nhà ống. Mặc dù nhà ống ở nông thôn rộng rãi, nhưng để đề phòng trộm cắp nên cửa sổ, giếng trời đều lắp khung sắt bảo vệ. Bởi vậy khi cháy nổ xảy ra, việc thoát thân rất khó khăn. Tôi nghĩ, cơ quan chức năng cần nghiên cứu mô hình xây dựng, sao cho vừa có cửa thoát hiểm nhưng vẫn đảm bảo an ninh, chống trộm cắp. Đồng thời tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng cháy chữa cháy cho người dân.
Bạn đọc Nguyễn Minh Khanh (Hải Hậu, Nam Định)
Không có hướng dẫn phòng cháy nổ ở nhà dân
Thực tế hiện nay, người dân rất thiếu kiến thức, kỹ năng phòng cháy chữa cháy, rất ít nhà có bình chữa cháy. Trong khi đó ngành xây dựng, công an lại không hướng dẫn cho người dân cách làm cửa, cầu thang, lan can thế nào để khi có cháy xảy ra mọi người có thể thoát hiểm một cách hiệu quả nhất. Bởi vậy đã có không ít hậu quả đau thương khi cháy nổ xảy ra. Trách nhiệm này có một phần của cơ quan quản lý xây dựng và cơ quan phòng cháy chữa cháy. Do đó tôi đề nghị cần có quy định về quy chuẩn phòng cháy chữa cháy trong việc xây dựng nhà ở của dân.
Bạn đọc Nguyễn Thị Hằng (quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh)
Lỗ hổng của pháp luật
Pháp luật về xây dựng và phòng cháy chữa cháy hiện hành chưa có quy định buộc nhà ở gia đình phải bố trí lối thoát hiểm hoặc ban công để ngỏ. Do đó khi cháy nổ xảy ra, rất nguy hiểm đến sự an toàn tính mạng con người. Đây là lỗ hổng của pháp luật. Tuy nhiên trong điều kiện đất đai chật chội, nhất là ở thành phố, việc quy định có một lối thoát hiểm là điều khó khả thi. Bởi vậy, ngành phòng cháy chữa cháy và các chuyên gia xây dựng cần nghiên cứu để đưa ra một giải pháp khả dĩ nhất vừa phù hợp với tình hình thực tế, nhưng vẫn đảm bảo cho người dễ dàng thoát nạn khi có cháy nổ xảy ra. Đối với các căn hộ liền kề, biệt thự trong khu đô thị mới, cần quy định chủ đầu tư phải thiết kế lối thoát hiểm.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật SBLAW (Hà Nội)