Một số quan điểm pháp lý về trái phiếu doanh nghiệp nhìn từ vụ việc Tân Hoàng Minh

0
711

1. Về mặt pháp lý, khi nhà phát hành trái phiếu gặp khó, ví dụ như phá sản thì khi đó quyền lợi của trái chủ sẽ được thi hành như thế nào? Có tổ chức nào đứng ra để phát mại hay đòi quyền lợi cho trái chủ không?

Trả lời:

Điều 54 Luật phá sản 2014 quy định về thứ tự phân chia tài sản theo thứ tự: Chi phí phá sản; khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thoả ước lao động tập thể đã ký kết; khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản nhằm mục đích phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã; nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho chủ nợ trong danh sách chủ nợ; khoản nợ có đảm bảo chưa được thanh toán do giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán nợ.

Phát mại tài sản là công bố và bán tài sản công khai theo thủ tục do pháp luật quy định để thanh toán nợ. Hành vi phát mại tài sản có thể do người sở hữu tài sản, do người có quyền theo hợp đồng hoặc theo quy định của pháp luật thực hiện nhằm thanh toán khoản nợ phát sinh từ quan hệ hợp đồng hoặc từ một sự kiện được pháp luật quy định. Do liên quan đến nhiều bên nên pháp luật có các quy định cụ thể về điều kiện, trình tự, thủ tục phát mại tài sản. Tài sản phát mại có thể là động sản hoặc bất động sản. Trong quan hệ giữa các chủ thể thực hiện các hành vi thương mại, dân sự, phát mại là một trong các biện pháp xử lý tài sản dùng để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ.

Theo Điều 303 Bộ Luật Dân sự 2015, ngân hàng chỉ tiến hành phát mại tài sản trong trường hợp người thế chấp tài sản không thực hiện nghĩa vụ, vi phạm nghĩa vụ quy định tại hợp đồng thế chấp. 

Vậy nên trong vụ việc này của Tân Hoàng Minh thì ngân hàng không có quyền hạn đứng ra phát mại tài sản bảo đảm mà phải do chính doanh nghiệp tự bán tài sản công khai để thanh toán nợ.

2. Nhiều người hay hiểu rằng ngân hàng bảo lãnh trái phiếu thì có nghĩa ngân hàng sẽ trả nợ cho trái chủ thay cho người phát hành, vậy có đúng không?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 37 Nghị định 153/2020/NĐ-CP, tổ chức đầu đấu thầu, bảo lãnh, đại lý phát hành trái phiếu phải tuân thủ các quy định của pháp luật khi cung cấp dịch vụ đấu thầu, bảo lãnh, đại lý phát hành; thực hiện đúng theo hợp đồng cung cấp dịch vụ ký kết với doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư mua trái phiếu; thực hiện chế độ báo cáo theo quy định của pháp thuật và có thể bị xử phạt vi phạm hành chính nếu vi phạm quy định của pháp luật khi cung cấp dịch vụ.

Như vậy, ngân hàng chỉ bảo lãnh phát hành trái phiếu chỉ có phạm vi trách nhiệm liên quan đến tuân thủ quy định về cung cấp dịch vụ bảo lãnh theo hợp đồng đã ký kết, thực hiện chế độ báo cáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, không có trách nhiệm đứng ra trả nợ cho người phát hành trái phiếu.

Nhằm mang đến sự tin cậy cho nhà đầu tư, thông thường các doanh nghiệp sẽ thuê ngân hàng hoặc công ty chứng khoán đứng ra phát hành. Nhà đầu tư có thể chưa từng biết tên doanh nghiệp phát hành trái phiếu nhưng biết tới ngân hàng, hoặc thấy công ty chứng khoán là “con” của ngân hàng nên cũng tin tưởng mua.

Trên thực tế, các tổ chức trên chỉ là bên cung cấp dịch vụ, hưởng phí, hoa hồng, chứ không chịu trách nhiệm về việc thẩm định, đánh giá sức khỏe tài chính và khả năng trả nợ. Do đó, toàn bộ trách nhiệm hoàn trả gốc và lãi trái phiếu khi đến hạn đều thuộc về doanh nghiệp phát hành.

3. Trách nhiệm của các tổ chức phát hành như ngân hàng, CTCK , hay bên tổ chức như UBCKNN là gì?

Trả lời:

Về vấn đề này thì Nghị định 153/2020/NĐ-CP đã có những quy định như sau:

Trước tiên, về phía các tổ chức tư vấn hồ sơ chào bán như công ty chứng khoán thì trách nhiệm pháp lý theo Điều 35 Nghị định này:

1. Tuân thủ quy định của pháp luật chứng khoán và Nghị định này khi cung cấp dịch vụ tư vấn hồ sơ chào bán trái phiếu.

  1. Thực hiện chế độ báo cáo theo quy định tại Nghị định này.
  2. Chịu sự quản lý, giám sát của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước theo quy định của pháp luật chứng khoán và quy định của Nghị định này. Trường hợp vi phạm quy định của pháp luật khi cung cấp dịch vụ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Trích dẫn Điều 37 Nghị định này, đối với các tổ chức đấu thầu, bảo lãnh hay phát hành trái phiếu như ngân hàng, công ty chứng khoán thì phải có trách nhiệm:

1. Tuân thủ quy định của pháp luật khi cung cấp dịch vụ đấu thầu, bảo lãnh, đại lý phát hành.

  1. Thực hiện đúng theo hợp đồng cung cấp dịch vụ ký kết với doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư mua trái phiếu.
  2. Thực hiện chế độ báo cáo theo quy định tại Nghị định này.
  3. Trường hợp vi phạm quy định của pháp luật khi cung cấp dịch vụ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.”

Còn đối với UBCKNN, thì trách nhiệm theo quy định tại Điều 39 Nghị định này gồm:

1. Cho ý kiến về việc chào bán trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ, trái phiếu kèm chứng quyền riêng lẻ của công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán tại thị trường trong nước; cho ý kiến về việc chào bán trái phiếu ra thị trường quốc tế của công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán theo quy định tại Nghị định này và quy định của pháp luật chứng khoán.

  1. Quản lý, giám sát công ty chứng khoán trong việc cung cấp dịch vụ tư vấn hồ sơ chào bán; giám sát Sở giao dịch chứng khoán trong việc thực hiện công bố thông tin, chế độ báo cáo và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp theo quy định của pháp luật chứng khoán và quy định tại Nghị định này.
  2. Trên cơ sở giám sát của Sở giao dịch chứng khoán tại khoản 2 và khoản 3 Điều 38 Nghị định này, tiếp nhận và xử lý các vi phạm trong hoạt động chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước theo quy định tại Nghị định này và quy định của pháp luật chứng khoán.
  3. Có ý kiến chấp thuận Quy chế vận hành chuyên trang thông tin trái phiếu doanh nghiệp và Quy chế tiếp nhận, giám sát việc thực hiện chế độ công bố thông tin, báo cáo và giám sát việc giao dịch trái phiếu doanh nghiệp tại Sở giao dịch chứng khoán theo quy định của Nghị định này.”

Xem xét toàn diện thì trái phiếu, cổ phiếu đều là chứng khoán và nằm trong phạm vi quản lý của UBCKNN. Số liệu về thị trường chứng khoán phải được UBCKNN báo cáo kịp thời và có cảnh báo, kiến nghị lên Chính phủ về cách xử lý những rủi ro có thể xảy ra. Đối với 3 công ty thuộc tập đoàn Tân Hoàng Minh này, mặc dù đây không phải công ty đại chúng do UBCKNN quản lý trực tiếp, nhưng vẫn cần có trách nhiệm trong việc đánh giá tình hình, có kiến nghị đúng, kịp thời với Chính phủ.

4. Trong vụ việc Tân Hoàng Minh, ông đánh giá như thế nào về sự can thiệp của UBCKNN. Việc UBCKNN huỷ bỏ giao dịch như vậy có đúng thẩm quyền không? Có hay không việc buông lỏng quản lý khiến cho THM tổ chức đấu giá với thông tin kém minh bạch?

Trả lời:

UBCKNN có quyền quyết định hủy bỏ việc giao dịch trái phiếu của 03 công ty nêu trên. Căn cứ hồ sơ, tài liệu và đề nghị của cơ quan có thẩm quyền về việc hủy bỏ các đợt phát hành trái phiếu của Công ty Ngôi Sao Việt, Công ty Cung điện Mùa đông, Công ty Soleil thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh do có hành vi công bố thông tin sai sự thật, che giấu thông tin trong hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ; căn cứ quy định tại Luật Chứng khoán năm 2019, Nghị định số 153/2020/NĐ-CP. Cụ thể, Điều 34 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP quy định như sau:

“Điều 34. Trách nhiệm của doanh nghiệp phát hành trái phiếu

  1. Tuân thủ quy định của Nghị định này về việc chào bán trái phiếu.
  2. Phải quản lý, sử dụng vốn từ phát hành trái phiếu theo đúng phương án phát hành trái phiếu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và theo quy định của pháp luật.
  3. Thanh toán đầy đủ, đúng hạn lãi, gốc trái phiếu khi đến hạn và thực hiện các quyền kèm theo (nếu có) cho chủ sở hữu trái phiếu theo điều kiện, điều khoản của trái phiếu.
  4. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của hồ sơ chào bán trái phiếu và các thông tin công bố; thực hiện chế độ quản lý tài chính, kế toán thống kê và kiểm toán theo quy định của pháp luật.
  5. Doanh nghiệp phát hành trái phiếu không tuân thủ quy định tại Nghị định này tùy theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Việc xử phạt vi phạm hành chính thực hiện theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán và quy định của pháp luật có liên quan.”

Theo đó, các doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực đầy đủ về hồ sơ bán trái phiếu và các thông tin công bố.

Nếu xác định có hành vi vi phạm, mức xử phạt sẽ dựa vào quy định tại các khoản 5, 5a, 5b và 6, Điều 42 về “Vi phạm quy định về công bố thông tin“, Nghị định số 156/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán (đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 128/2021/NĐ-CP). Theo đó, “Hành vi tạo dựng thông tin sai sự thật hoặc công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán” sẽ bị phạt tiền từ 200 đến 300 triệu đồng. Và biện pháp khắc phục hậu quả là “Buộc huỷ bỏ thông tin hoặc cải chính thông tin đối với hành vi vi phạm“; Người có thẩm quyền xử phạt phải chuyển ngay hồ sơ vụ vi phạm cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền để xem xét xử lý khi phát hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 5 Điều 42 Nghị định 156/2020/NĐ-CP.

Trên cơ sở giám sát của Sở giao dịch chứng khoán, UBCKNN có thẩm quyền tiếp nhận và xử lý các vi phạm trong hoạt động chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước theo quy định tại Nghị định này và quy định của pháp luật chứng khoán theo quy định tại khoản 3 Điều 39 Nghị định 153/2020/NĐ-CP.

Sau khi đồng ý phát hành trái phiếu rồi sau đó lại ra quyết định hủy bỏ giao dịch, UBCKNN cũng sẽ phải chịu một phần trách nhiệm khi đã không thực hiện hoạt động kiểm tra, giám sát, rà soát một cách kỹ lưỡng các thông tin doanh nghiệp cung cấp khi chào bán trái phiếu riêng lẻ. Không thể khẳng định UBCKNN buông lỏng quản lý khiến cho THM tổ chức phát hành trái phiếu với thông tin kém minh bạch vì sau quá trình xác minh, ngày 03/04/2022, UBCKNN đã công bố Quyết định 181/QĐ-UBCK về việc huỷ 9 đợt phát hành trái phiếu, trị giá 10.030 tỷ đồng của Tập đoàn Tân Hoàng Minh từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022 do che giấu, công bố thông tin sai sự thật.

5. Tân Hoàng Minh đã đưa tiền vào hoạt động kinh doanh, do đó, việc làm thế nào để bắt THM hoàn lại tiền cho nhà đầu tư khi sự việc đã rồi như thế này hẳn sẽ rất phức tạp, các bên sẽ phải tham gia như thế nào?

Trả lời:

Căn cứ theo quy định tại khoản 7 Điều 6 Nghị định 153/2020/NĐ-CP thì loại hình trái phiếu do doanh nghiệp phát hành quyết định mà theo quy định về nguyên tắc phát hành và sử dụng trái phiếu tại Điều 5 Nghị định này, doanh nghiệp huy động vốn trái phiếu riêng lẻ theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm, cơ quan quản lý nhà nước không cấp phép phát hành.

Điều 8 Nghị định 156/2020/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi điểm Nghị định 128/2021/NĐ-CP quy định về hình thức xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả đối với các vi phạm quy định về chào bán, phát hành chứng khoán riêng lẻ như sau:

“Buộc thu hồi chứng khoán đã chào bán, phát hành; hoàn trả cho nhà đầu tư tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc (nếu có) cộng thêm tiền lãi phát sinh từ tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của nhà đầu tư đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm a, b khoản 3, điểm b khoản 4 và điểm c khoản 5 Điều này, trong trường hợp đã chào bán, phát hành chứng khoán. Thời hạn nhà đầu tư gửi yêu cầu là tối đa 60 ngày kể từ ngày quyết định áp dụng biện pháp này có hiệu lực thi hành. Tiền lãi phát sinh từ tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc được tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn của ngân hàng mà tổ chức, cá nhân vi phạm mở tài khoản thu tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc tại thời điểm quyết định áp dụng biện pháp này có hiệu lực thi hành; trường hợp chào bán, phát hành trái phiếu thì tiền lãi phát sinh từ tiền mua trái phiếu hoặc tiền đặt cọc được tính theo lãi suất ghi trên trái phiếu”.

Theo đó, khi trái phiếu bị buộc thu hồi, đơn vị phát hành là bên có trách nhiệm hoàn trả tiền mua hoặc tiền đặt cọc (nếu có) cho nhà đầu tư. Trong vòng tối đa 60 ngày kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp buộc thu hồi trái phiếu đã phát hành, nhà đầu tư cần phải gửi yêu cầu đến đơn vị phát hành trái phiếu yêu cầu hoàn trả tiền mua hoặc tiền đặt cọc (nếu có). Nhà phát hành trái phiếu có trách nhiệm hoàn trả tiền mua hoặc tiền đặt cọc (nếu có) cho nhà đầu tư trong thời hạn  ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của nhà đầu tư.

Trong trường hợp đơn vị phát hành không trả tiền, nhà đầu tư có thể tiến hành khởi kiện đơn vị phát hành trái phiếu theo quy định của pháp luật. Trình tự, thủ tục khởi kiện của nhà đầu tư được thực hiện theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.