Nhà đầu tư liệu có được hoàn tiền trong vụ Tân Hoàng Minh?

0
390

Vừa qua, Luật sư  Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law đã có trao đổi với phóng viên về việc liệu nhà đầu tư có được hoàn tiền trong vụ Tân Hoàng Minh vừa qua.

– Thưa ông, các công ty chào bán Trái phiếu đều chưa phải công ty đại chúng, liệu Luật chứng khoán đã quy định đầy đủ vấn đề trên hay chưa?

– Luật sư Nguyễn Thanh Hà trả lời:

Trái phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần nợ của tổ chức phát hành, nhà đầu tư mua vì lòng tin và hấp dẫn bởi dự án mà doanh nghiệp phát hành đưa ra.

Hiện nay, các quy định pháp luật – cụ thể là Luật Chứng khoán 2019 mới chỉ thắt chặt việc chào bán trái phiếu ra công chúng như doanh nghiệp có mức vốn điều lệ tại thời điểm đăng ký chào bán từ 30 tỷ đồng trở lên, có phương án phát hành, phương án sử dụng và trả nợ vốn thu từ đợt chào bán; sau khi kết thúc đợt chào bán phải cam kết và thực hiện niêm yết trái phiếu trên hệ thống giao dịch chứng khoán, …

Còn quy định về chào bán riêng lẻ khá lỏng lẻo và chưa có sự giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý. Do đó, thiết nghĩ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần phải kiểm soát kỹ hơn vấn đề này và có cơ chế đảm bảo cho nhà đầu tư, bắt buộc doanh nghiệp phát hành phải có tính minh bạch.

– Vậy liệu nhà đầu tư liệu có được hoàn tiền không, thưa ông?

– Luật sư Nguyễn Thanh Hà trả lời:

Hiện tại Tân Hoàng Minh đã đưa ra hai phương án hoàn trả tiền đối với khách hàng như sau:

  • Đối với các hợp đồng đến hạn thanh toán, số tiền đầu tư của khách hàng sẽ được hoàn trả trong thời gian sớm nhất.
  • Còn với các hợp đồng chưa đến hạn thanh toán, Tân Hoàng Minh sẽ phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước, làm việc với doanh nghiệp phát hành, ngân hàng quản lý tài sản để xử lý và hoàn trả lại khách hàng theo đúng hướng dẫn, chỉ đạo của các cơ quan chức năng trên tinh thần thiện chí và tuân thủ quy định của pháp luật.

Điều 8 Nghị định 156/2020/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi điểm Nghị định 128/2021/NĐ-CP quy định về hình thức xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả đối với các vi phạm quy định về chào bán, phát hành chứng khoán riêng lẻ như sau:

“Buộc thu hồi chứng khoán đã chào bán, phát hành; hoàn trả cho nhà đầu tư tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc (nếu có) cộng thêm tiền lãi phát sinh từ tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của nhà đầu tư đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm a, b khoản 3, điểm b khoản 4 và điểm c khoản 5 Điều này, trong trường hợp đã chào bán, phát hành chứng khoán. Thời hạn nhà đầu tư gửi yêu cầu là tối đa 60 ngày kể từ ngày quyết định áp dụng biện pháp này có hiệu lực thi hành. Tiền lãi phát sinh từ tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc được tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn của ngân hàng mà tổ chức, cá nhân vi phạm mở tài khoản thu tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc tại thời điểm quyết định áp dụng biện pháp này có hiệu lực thi hành; trường hợp chào bán, phát hành trái phiếu thì tiền lãi phát sinh từ tiền mua trái phiếu hoặc tiền đặt cọc được tính theo lãi suất ghi trên trái phiếu”.

Theo đó, đơn vị phát hành phải hoàn trả cho nhà đầu tư tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc (nếu có) cộng thêm tiền lãi phát sinh từ tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của nhà đầu tư.

Trong trường hợp đơn vị phát hành không trả tiền, nhà đầu tư có thể tiến hành khởi kiện đơn vị phát hành trái triếu theo quy định của pháp luật. Trình tự, thủ tục khởi kiện của nhà đầu tư được thực hiện theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Công Ty Luật SBLAW

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law