Nguyên nhân của thực trạng xâm phạm quyền tác giả đối với CTMT ở Việt Nam

0
1168

– Do một số điểm bất cập của hệ thống văn bản pháp luật trong lĩnh vực bảo hộ quyền tác giả đối với CTMT.

Quyền tác giả đối với CTMT là vấn đề còn khá mới đối với Việt Nam, nhưng CTMT lại mang tính đặc thù do có ứng dụng nhanh những tiến bộ khoa học – kỹ thuật tiên tiến, công nghệ thay đổi liên tục và tính phức tạp của nó nên khó phát hiện khi có những hành vi xâm phạm.

Để pháp luật nói chung và các quy phạm pháp luật nói riêng được

thực thi có hiệu quả trong cuộc sống thì khi xây dựng một quy phạm pháp luật, các nhà làm luật phải dựa vào những điều kiện phát triển chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa cụ thể của đất nước. Nếu xét từ góc độ này, thì quy định về thời hạn bảo hộ PMMT là quá dài.

Hiệp định về các khía cạnh thương mại liên quan đến sở hữu trí tuệ (TRIPS) ràng buộc tất cả các nước thành viên của Tố chức Thương mại thế giới cũng như Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa kỳ ràng buộc Việt Nam bảo hộ CTMT như tác phẩm viết theo nghĩa của Công ước Bern (tại Điều 4 khoản 1 tiết A Hiệp định Thương mại Việt Nam – Hoa kỳ).

Tuy nhiên, điều này chưa được thể hiện ở bất kỳ văn bản pháp luật nào của Việt Nam, kể cả dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ mới nhất. Trong khi đó, các nước có điều kiện phát triển giống nước ta như Trung quốc, Nga .. đều có một đạo luật riêng về bản quyền CTMT. Việc bảo hộ bản quyền CTMT đã phức tạp lại càng khó khăn do thiếu các văn bản hướng dẫn cụ thể liên quan. Trong đó nổi cộm nhất là 2 vấn đề:

+ Theo quy định của pháp luật Việt Nam thì tác giả của các CTMT là các cá nhân trực tiếp tham gia xây dựng chương trình. Các tác giả có tất cả các quyền nhân thân như tác giả các tác phẩm văn học nghệ thuật khác như quyền đặt tên, quyền đứng tên, quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm. Thời hạn bảo hộ được tính theo đời người của các tác giả là 50 năm sau khi tác giả cuối cùng chết. Trong khi đó, CTMT được bảo hộ theo luật bản quyền tác giả “như tác phẩm viết theo nghĩa của Công ước Bern” là một loại hình “tác phẩm” rất đặc thù.

+ Về vấn đề bồi thường thiệt hại, vì sở hữu trí tuệ là tài sản vô hình nên các thiết hại thực tế liên quan thường rất khó xác định và chứng minh. Ngoài ra, các tranh chấp về sở hữu trí tuệ thường rất phức tạp nên phí luật sư thường rất cao. Trên thực tế đã có các phán quyết của trọng tài thương mại Việt Nam công nhận bồi hoàn phí luật sư cho bên bị hại. Trong Hiệp định thương mại Việt-Mỹ chúng ta đã cam kết sẽ đưa ra các quy định cho phép yêu cầu bồi thường theo luật định và cả phí luật sư. Tuy nhiên, hiện nay những vấn đề nay chưa được đề cập đến trong bất kỳ văn bản nào, kể cả các văn bản đang được soạn thảo. Chính vì lẽ đó nên việc thực thi và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ càng trở nên khó khăn hơn và tâm lý ngại đưa tranh chấp ra tòa do sợ tốn kém và không hiệu quả, chỉ giới hạn bằng xử lý hành chính đang chiếm ưu thế.

– Do đặc trưng của CTMT

Thứ nhất, số lượng người tham gia xây dựng chương trình thường rất lớn, nhất là các chương trình có quy mô nên không khả thi đảm bảo quyền đứng tên của tất cả các tác giả.

Thứ hai, việc đặt tên cho CTMT thường do các tổ chức đầu tư xây dựng phần mềm thực hiện trong một kế hoạch tổng thể xây dựng thương hiệu và marketing.

Thứ ba, các CTMT thường xuyên được cập nhật, nâng cấp và do nhu cầu sử dụng nên vấn đề bảo vệ sự toàn vẹn là không khả thi, đặc biệt trong các trường hợp liên quan đến các cựu nhân viên như đã nêu ở trên.

Thứ tư, CTMT được loại trừ khỏi sử dụng chính đáng không nhằm mục đích kinh doanh không phải xin phép và trả tiền (xem Điều 761 khoản 2 Bộ luật dân sự) nên cần có những hạn chế hợp lý để đảm bảo quyền của người sử dụng và công cộng. Trên thực tế, nhiều nước như Mỹ, Trung quốc, EU… đã khắc phục tình trạng trên bằng việc công nhận pháp nhân đầu tư xây dựng chương trình là “tác giả” nắm giữ tất cả các quyền nhân thân và tài sản và thời hạn bảo hộ được tính từ khi công bố chương trình. Hiện nay, theo các quy định hiện hành, nhiều CTMT của nước ngoài như các chương trình của Microsoft, Norton…sẽ không xác định được tác giả và thời hạn bảo hộ tại Việt Nam.

Chính vì thế, một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng CTMT bị sao chép lậu tràn lan được bắt nguồn từ những tính chất đặc trưng của CTMT. Thực tế cho thấy rằng, trong tất cả các loại tác phẩm được bảo hộ bằng quyền tác giả thì PMMT luôn là đối tượng bị xâm phạm nhiều nhất (ở Việt Nam cũng như trên toàn thế giới). Bởi vì PMMT là một loại tài sản thuần túy chất xám, rất dễ bị sao chép với số lượng lớn, khó phát hiện và bảo vệ. Mặt khác, chất lượng của PMMT sao chép lậu và của bản gốc là hoàn toàn như nhau; điều này không giống như photocopy một quyển sách hay làm giả một bức tranh. Chính vì xuất phát từ những đặc tính trên của PMMT mà pháp luật nước ta có quy định việc sao chép PMMT dù đã được công bố, phổ biến vẫn phải xin phép và trả thù lao cho tác giả không phụ thuộc vào mục đích sao chép (k.2, Đ.761 BLDS). Như vậy, nếu một người muốn sao chép lại một phần mềm để sử dụng riêng không vì mục đích kinh doanh (ví dụ như để phục vụ cho nghiên cứu, giảng dạy), không làm ảnh hưởng đến sự khai thác bình thường của phần mềm đó thì vẫn phải xin phép và trả thù lao cho tác giả.Theo chúng tôi, quy định này rất khó thực thi trên thực tế vì ở nước ta việc quản lý nhà nước, quản lý xã hội quyền tác giả hoạt động không có hiệu quả, ý thức tôn trọng quyền tác giả của người dân rất thấp. Mặt khác, có nhiều CTMT, nhiều cơ sở dữ liệu rất cần thiết cho việc phát triển văn hóa, khoa học của đất nước với nhu cầu sử dụng rất lớn. Như vậy, có nên quy định đối với những phần mềm đã được công bố, phổ biến ,việc sao chép không vì mục đích kinh doanh thì không phải trả tiền thù lao mà chỉ phải xin phép tác giả?

Do điều kiện kinh tế – xã hội của nước ta và ý thức chấp hành pháp luật của người sử dụng.

Trong quá trình hội nhập, ngoài những tác động tích cực góp phần làm nên những kết quả đáng kể trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, còn phát sinh những yếu tố tiêu cực xâm nhập vào nền kinh tế nhiều thành phần với tính cạnh tranh cao và diễn biến phức tạp của nước ta.

Nhất là trong điều kiện thu nhập bình quân thấp, giá để sử dụng đúng luật một CTMT không phải là dễ dàng đối với tất cả người dân, đặc biệt là với một số CTMT có phí cao và việc sao chép các CTMT một cách dễ dàng. Lợi dụng tình trạng này, không ít người thiếu ý thức tôn trọng pháp luật, thiếu sự tôn trọng tác giả, chủ sở hữu  vì mục tiêu lợi cá nhân sẵn sàng sử dụng các CTMT bất hợp pháp.  Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng xâm phạm quyền tác giả đối với CTMT ngày càng mở rộng quy mô và diễn biến phức tạp.

Do công tác tự bảo vệ của chủ sở hữu CTMT chưa được chú trọng.

Phần lớn các chủ sở hữu trí tuệ chưa thực sự chú ý đến việc bảo vệ quyền lợi của mình, chưa có ý thức cao trong việc làm rõ các hành vi xâm phạm và hiểu biết về tác hại của xâm phạm sở hữu trí tuệ đối với sức khoẻ, lợi ích của cộng đồng còn rất hạn chế. Hiện nay rất ít doanh nghiệp có bộ phận chuyên chăm lo về sở hữu trí tuệ, hầu như chưa có doanh nghiệp nào có chiến lược về sở hữu trí tuệ, coi vấn đề sở hữu trí tuệ là bộ phận trong chiến lược phát triển của mình. Tài sản trí tuệ chưa trở thành đối tượng quản lý như quản lý tài sản thông thường.

Nhiều doanh nghiệp đã ý thức trong việc phát hiện và ngăn ngừa hành vi xâm phạm sản phẩm CTMT của mình, nhưng vẫn chưa chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, kiểm soát. Có những doanh nghiệp phần mềm do sợ bị ảnh hưởng đến doanh số và mức tiêu thụ sản phẩm, không dám công khai về số lượng CTMT bị xâm phạm. Nhưng hầu hết cácCTMT bị xâm phạm quyền tác giả chính doanh nghiệp sản xuất cũng không phát hiện và ngăn chặn hay xử lý hết được.