Nhiều rủi ro khi mua nhà qua trung gian

0
1222

Trong bài viết Nhiều rủi ro khi mua nhà qua trung gian trên báo VOV có phần trao đổi của luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch SBLAW, mời các bạn xem nội dung tại đây:

Bán bất động sản có thể đem lại siêu lợi nhuận cho chủ đầu tư cũng như các đơn vị thứ cấp, trung gian. Cũng vì thế mà trong thị trường bất động sản luôn tồn tại những đơn vị, người môi giới, cả chuyên nghiệp và tham gia theo kiểu “lướt sóng” thị trường. Thực tế, việc mua nhà hình thành trong tương lai qua các mối trung gian luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho người mua nhà như phải trả thêm nhiều tiền chênh lệch, thậm chí bị lừa, dẫn đến “trắng tay”. Phóng viên Lưu Huyền có bài đề cập nội dung này:

Không phải là chủ đầu tư, nhưng Công ty TNHH sản xuất, xuất nhập khẩu, dịch vụ và đầu tư Việt Thái (Công ty Việt Thái) vẫn đứng ra làm hợp đồng, thu tiền mua nhà tại dự án nhà ở xã hội Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội (do Công ty Handico 5 làm chủ đầu tư). Do không tìm hiểu kỹ, nên gần 100 người đã tin theo lời của “cò mồi”, tìm đến gặp ông Nguyễn Vũ Hùng, Tổng Giám đốc Công ty Việt Thái để được mua căn hộ. Ông này trực tiếp ký hợp đồng góp vốn, mỗi người đã đóng tiền đợt đầu khoảng 200-300 triệu đồng/căn. Bên cạnh đó, mỗi người còn phải trả phí môi giới lên tới cả trăm triệu đồng. Đến khi công bố công khai danh sách được mua nhà tại dự án này, gần 100 người mua nhà qua Công ty Việt Thái mới “ngã ngửa” khi căn hộ họ làm hợp đồng mua nhà lại có chủ khác, hoặc thuộc diện cho thuê chứ không được bán. Biết bị lừa, những người mua nhà này đã nhiều lần liên hệ, tìm đến gặp và đối thoại với ông Nguyễn Vũ Hùng để đòi tiền. Sau nhiều lần hứa hẹn nhưng không được trả lại tiền, đến nay những người mua nhà đã không còn liên lạc được với ông Hùng, Văn phòng Công ty cũng chuyển đi đâu không biết. Anh Minh, người đã mất khoảng 200 triệu đồng xác định khả năng “mất trắng” là rất lớn:

“Một số cá nhân khởi kiện, sau một vài lần yêu cầu bổ sung giấy tờ thì tòa án cũng có chấp nhận, nhưng đó là khởi kiện nợ dân sự thôi. Bên Handico 5 thì thực tế họ không dính gì đến vụ này cả, mà chỉ là bên Việt Thái đứng ra lừa thôi, nên bên Handico 5 họ không trả lời gì. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục, nhưng mà cũng không biết là phải làm gì cả”

200-300 triệu đồng là số tiền không nhỏ, phải gom góp, vay mượn, nhưng họ đang phải đối diện với nguy cơ “mất cả chì lẫn chài” khi tiền mất mà nhà không mua được. Mua nhà theo kiểu “tin đồn”, nghe người này, người kia mách qua trung gian, mua suất ngoại giao… mà thiếu tìm hiểu kỹ về chủ đầu tư của dự án là con đường rất ngắn dẫn đến rủi ro. Câu chuyện này đã được cảnh báo nhiều lần, tuy nhiên với đặc thù “mua nhà trên giấy” tại các dự án nhà hình thành trong tương lai, các thông tin mua bán nhà tràn lan trên mạng internet, đội ngũ môi giới ngày càng nhiều… thì người mua nhà rất dễ bị bủa vây bởi những nguy cơ rủi ro. Cách đây vài năm, chị Nga ở quận Cầu Giấy cũng đã bỏ khoảng 2 tỷ đồng mua 2 căn nhà tại một dự án ở Hoài Đức, Hà Nội qua nhà đầu tư thứ cấp có tên Hùng Vũ. Thấy ngay sau đó giá lên, chị Nga rủ người thân cùng mua tổng số khoảng 10 căn. Tuy nhiên, cuối cùng dự án đó vẫn chỉ nằm “trên giấy” vì không đủ cơ sở pháp lý để triển khai:

“Mình chỉ nhìn trên bản vẽ, sơ đồ, chỉ biết nhà của mình nằm ở bên 1 đường lớn, phía trước có 1 hồ điều hòa rất lớn. Giá gốc 17 triệu, mua là 23 triệu. Tiền chênh nộp lại cho nhà đầu tư thứ cấp nhưng họ không trả phiếu thu tiền chênh. Bây giờ mất hết, xác định là không đòi được và không biết làm sao. Tôi có nhờ luật sư, làm đơn khởi kiện nhưng không làm được gì cả, cứ đến thì bảo là Tổng Giám đốc ốm đi viện. Công ty đấy bây giờ vẫn đang hoạt động.”

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw nhận định, khi mua nhà qua môi giới, các đơn vị trung gian mà không phải qua chủ đầu tư, người mua nhà sẽ gặp rất nhiều rủi ro. Thứ nhất là rủi ro về mặt thông tin. Do không phải chủ đầu tư nên để bán được nhà, bên trung gian chỉ cung cấp các thông tin có lợi, che giấu những thông tin bất lợi. Rủi ro thứ 2 là người mua nhà dễ bị lừa. Chặng hạn, dự án chưa hoàn thành các thủ tục pháp lý, chưa được phép huy động vốn nhưng các đơn vị trung gian vẫn thu tiền bằng cách soạn thảo ra các hợp đồng hoặc tìm cách thức để lách luật. Khi xảy ra tranh chấp thì người mua nhà sẽ bị thiệt hại về tài chính, khó thu lại số tiền đã bỏ ra, kể ra khi chủ đơn vị đó bị bắt hoặc bị khởi tố. Luật sư Nguyễn Thanh Hà phân tích:

“Việc mua bán nhà hiện nay bất lợi phần lớn thuộc về người mua. Đây là các quan hệ giao dịch dân sự, nếu không có các yếu tố lừa đảo thì cũng rất khó để khởi tố hình sự, chủ yếu là rủi ro về tài chính, người dân không thể đòi được tiền, hoặc phải đợi rất lâu để dự án triển khai, thậm chí vô vọng. Sau khi sửa đổi pháp luật, làm chặt hơn các quy định, giao dịch về nhà hình thành trong tương lai, tranh chấp hiện đã giảm nhưng vẫn còn 1 bộ phận người mua nhà không hiểu các quy định của pháp luật, đôi khi muốn trục lợi, muốn mua nhà ở xã hội nhưng lại không đủ điều kiện, để được giá rẻ thì lại mắc lừa các đơn vị cò mồi, trung gian. Đó là những rủi ro rất lớn mà người mua nhà đang phải chịu”

Mua nhà theo kiểu “tin đồn” thực tế vẫn còn tồn tại và rất dễ gặp rủi ro. Sự thiếu hiểu biết của một bộ phận người dân khi mua nhà cũng dẫn tới rủi ro cho chính bản thân họ, khi không tìm hiểu kỹ về tính pháp lý của dự án, về năng lực của chủ đầu tư, mối liên hệ giữa chủ đầu tư với các đơn vị trung gian, phân phối… Trong khi các thông tin về bất động sản thiếu kiểm chứng, thậm chí không chính xác vẫn tràn lan trên mạng internet, thì người mua nhà cần cảnh giác, tìm hiểu qua các đơn vị tư vấn pháp luật, cơ quan chức năng ở địa phương để hạn chế thấp nhất những bất lợi có thể xảy ra sau này./.

Các bạn cũng có thể nghe nội dung tại đây:

30-11-nhieu-rui-ro-mua-nha