Luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch công ty luật SBLAW đã có bài trả lời phóng viên báo An ninh tiền tệ về Trách nhiệm pháp lý khi lập fanpage nói xấu doanh nghiêp khác.
Chúng tôi trân trọng giới thiệu nội dung bài viết phỏng vấn:
PV:Trước đây, các hãng đồng uống như Cocacola, Pepsi và một số hãng đồ uống khác có các sản phẩm kém chất lượng bị phát hiện thì ngay lập tức có trào lưu kêu gọi tẩy chay. Sau sự việc con ruồi có giá 500 triệu trong sản phẩm của Tân Hiệp Phát, cũng có các fanpage trên facebook kêu gọi tẩy chay sản phẩm này, luật pháp Việt Nam có bảo hộ cho hành động này không?
Luật sư: Theo quy định của pháp luật Việt Nam, người tiêu dùng có quyền:
Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của Luật bảo về quyền lợi của người tiêu dùng và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Tuy nhiên, vấn đề lập fanpage trên mạng xã hội để kêu gọi tẩy chay sản phẩm của một doanh nghiệp thì hiện tại, hệ thống luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể để điều chỉnh vấn đề này.
2. Việc lập facebook tẩy chay như vậy thì có dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh không? Có hàng chục fanpape tẩy chay sản phẩm của 1 nhà sản xuất, theo ông, đó có phải là điều bất bình thường không?
Luật sư: Việc kết luận là có dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh hay không thì cần có sự khiếu nại và khiếu kiến của doanh nghiệp bị nêu ra trên fanpage, sau khi thu thập bằng chứng, chứng cứ xác thực là thực sự ai đứng đằng sau những fanpage đó, mục đích của việc lập fanpage làm gì?
Sau đó, vụ việc sẽ được chuyển cho hội đồng cạnh tranh để xem xét và kết luận xem hành vi lập fangpage như vậy có vi phạm luật cạnh tranh hay không?
Trong luật cạnh tranh hiện nay, có quy định những hành vi bị cấm trong cạnh tranh trong đó có quy định:
Cấm doanh nghiệp gièm pha daonh nghiệp khác bằng hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp đưa ra thông tin không trung thực, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó.
Trong sự việc này, tôi nhận thấy có hàng chục fanpage tẩy chay sản phẩm, theo quan điểm của cá nhân tôi, đây là dấu hiệu không bình thường, dường như có một chiến dịch nào đó chống lại doanh nghiệp này bằng cách sử dụng mạng xã hội.
Lý do là để lập một fanpage có nhiều thành viên tham gia, người quản trị trang đó phải đầu tư nhiều thời gian, sức lực để lôi kéo người khác tham gia, lan truyền thông tin.
3. Phần nhiều comment (lời bình luận) trên các trang fanpage đưa ra các nhận định thiếu căn cứ, thậm chí là bôi nhọ đưa thông tin không chính xác, thậm chí kích động, cố tình làm méo hình ảnh doanh nghiệp. Việc đó có chế tài xử lý không?
Luật sư: Theo quy định của pháp luật hiện hành, thì người sử dụng mạng xã hội nghĩa vụ như sau:
Chịu trách nhiệm về nội dung thông tin do mình lưu trữ, cung cấp, truyền đưa trên mạng xã hội, phát tán thông tin qua đường liên kết trực tiếp do mình thiết lập.
Cấm đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân
Như vậy, việc đưa ra các nhận định thiếu căn cứ, thậm chí là bôi nhọ đưa thông tin không chính xác, thậm chí kích động, cố tình làm méo hình ảnh doanh nghiệp là hành vi vi phạm pháp luật và người dùng mạng xã hội phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình.
Về chế tài đối với hành vi này, người dùng phải chịu trách nhiệm về mặt hành chính, cụ thể như sau:
Theo điểm g khoản 3 Điều 66 Nghị định số:174/2013/NĐ-CP ngày 03/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện. Theo đó, hành vi: “Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác” sẽ bị xử phạt tiền từ: 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Bên cạnh đó, người dùng Internet còn có thể đối mặt với trách nhiệm hình sự với tội dung vu khống theo Điều 122 Bộ luật hình
Điều 122 quy định như sau “Vu khống là hành vi bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền”.
Chế tài của của tội vụ khống được quy định như sau:
Căn cứ khoản 1 Điều 122 BLHS thì Tội vu khống có khung hình phạt là: “phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm”.
Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 122 BLHS quy định người thực hiện hành vi phạm tội vu khống thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ một năm đến bảy năm: “a) Có tổ chức; b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; c) Đối với nhiều người; d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh cho mình; đ) Đối với người thi hành công vụ; e) Vu khống người khác phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng”.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị “phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm” (Khoản 3 Điều 122 BLHS)
Tuy nhiên, quan điểm của cá nhân tôi cho rằng, rất khó phát hiện và xử lý được những bình luận này trên mạng xã hội bởi vị thông thường, có rất nhiều người vi phạm, đôi khi họ dùng tài khoản giả để đăng ký, để điều tra, xử lý sẽ rất mất thời gian và công sức.