SBLAW giới thiệu bài viết của luật sư Nguyễn Thanh Hà trên Tạp chí luật sư về “Ứng dụng công nghệ số trong quá trình hành nghề của Luật sư”. Dưới đây là chi tiết bài viết:
Đã 10 năm trôi qua kể từ khi khái niệm “Cách mạng công nghiệp 4.0” hay “Công nghiệp 4.0” lần đầu được đưa ra tại Hội chợ công nghiệp Hannover tại Cộng hoà Liên bang Đức vào năm 2011. Nền tảng của cuộc cách mạng này đã được nhắc tới nhiều lần và đã trở nên phổ biến trên toàn thế giới với cái tên: “Công nghệ 4.0” – hay còn được hiểu là “Công nghệ số”. Công nghệ số là quá trình thay đổi mô hình vận hành theo kiểu truyền thống sang những mô hình hiện đại mà ở đó chúng ta áp dụng các công nghệ mới như dữ liệu lớn (big data), internet vạn vật (Iot), điện toán đám mây (cloud computing), trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (blockchain), … để biến việc quản lý điều hành cũng như quy trình làm việc trở nên nhanh chóng, chính xác hơn.
Cho tới hiện tại, rất nhiều ngành nghề, lĩnh vực đã tiếp cận và đưa công nghệ số vào hoạt động của mình, có thể kể tới như tài chính – ngân hàng, du lịch, nông nghiệp, thương mại điện tử, … Kết quả cho thấy việc chuyển đổi này đã mang lại những tác động tích cực không chỉ về chất lượng sản phẩm mà còn cải thiện năng suất, hiệu quả làm việc của người lao động, từ đó thúc đẩy sự phát triển, lớn mạnh của các doanh nghiệp.
Không nằm ngoài xu thế này, tại Việt Nam, một số tổ chức hành nghề luật sư cũng như các luật sư đang dành sự quan tâm nhất định đến việc chuyển đổi số để cải thiện chất lượng dịch vụ pháp lý của mình. Mỗi đơn vị sẽ những có cách tiếp cận và ứng dụng khác nhau nhưng nhìn chung đều đem lại những lợi ích vô cùng thiết thực.
Một trong những cách ứng dụng gần gũi được các luật sư/tổ chức hành nghề luật sư sử dụng phổ biến nhất hiện nay là tiếp thị kỹ thuật số (digital marketing). Thông qua việc sử dụng các nền tảng như website, mạng xã hội, quảng cáo Google (Google ads) và tối ưu công cụ SEO, các luật sư có thể dễ dàng tiếp cận tới những khách hàng mới đang có nhu cầu thay vì phải tìm kiếm theo các cách truyền thống trước đây. Bên cạnh đó, các công cụ này còn hỗ trợ việc quảng bá hình ảnh của các Luật sư nhằm gây dựng sự uy tín, tin cậy trong mắt khách hàng.
Ngoài ra, các luật sư có thể tận dụng những thành tựu, kết quả có được từ việc số hoá dữ liệu, đó là tìm kiếm và tiếp cận các thông tin từ văn bản pháp luật, hồ sơ pháp lý cho đến các thông tin, tài liệu về đối tượng cần nghiên cứu một cách dễ dàng thông qua Internet. Điều này khiến thời gian sàng lọc và tổng hợp thông tin được rút ngắn lại, có nhiều thì giờ hơn cho việc xem xét và phân tích các vấn đề mấu chốt trong hồ sơ, tài liệu.
Không chỉ vậy, việc ứng dụng công nghệ số vào quản lý và vận hành tại tổ chức của mình giúp các luật sư xây dựng được một hệ thống quản trị nội bộ riêng. Ở đó, các thông tin về khách hàng, hồ sơ vụ việc được lưu trữ và bất cứ ai thuộc tổ chức, được cấp quyền đều có thể truy cập. Việc quản lý công việc cá nhân cũng như nội bộ tổ chức trở nên đơn giản, tiện lợi hơn khi mọi thông tin về tiến độ, ngày giờ hoàn thành, các đầu mục còn vướng mắc,… đều được mọi người chia sẻ, cập nhật và lưu hành trong hệ thống đều đặn mỗi ngày. Các luật sư có thể truy cập, tìm kiếm các thông tin mình cần qua hệ thống khi đang ở bất cứ đâu, bất cứ thời điểm nào thay vì phải đến trực tiếp nơi làm việc. Điều này rất phù hợp với đặc thù công việc của luật sư là liên tục phải ở bên ngoài, đi công tác xa. Như vậy, việc số hoá thông tin và đồng bộ với hệ thống quản trị nội bộ đã giúp các luật sư giải quyết công việc nhanh chóng hơn mà vẫn đảm bảo sự chính xác, qua đó tăng năng suất cũng như hiệu quả cho việc hành nghề.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích có được từ việc ứng dụng công nghệ số vào hoạt động hành nghề, các luật sư cũng đang đứng trước một thách thức to lớn do chính những công nghệ mới này mang tới.
Gần đây mọi người đang nhắc tới nhiều hơn đến “trí tuệ nhân tạo”, hay còn được biết tới với cái tên AI (artificial intelligence). Các nghiên cứu đã cho thấy AI có thể tiếp nhận và phân tích thông tin thông minh không thua kém gì não bộ con người. Những bài kiểm tra và kết quả mà AI đưa ra đều được đánh giá cao về tính chính xác, độ chi tiết và thời gian xử lý rất nhanh chóng.
Vào năm 2016, ROSS, được biết tới là “luật sư trí tuệ nhân tạo” đầu tiên trong lịch sử đã được một trong số các công ty luật lớn nhất nước Mỹ là Baker & Hostetler “thuê” để hỗ trợ giải quyết một số công việc của luật sư. ROSS cung cấp các tính năng vô cùng tiện lợi và thân thiện với người dùng, ví dụ như cho phép tìm kiếm và cho ra kết quả dựa trên câu hỏi pháp lý mà người dùng đưa ra, phân tích nội dung tài liệu,… Một tính năng đáng chú ý khác đó là ROSS có thể hỗ trợ tìm kiếm các vụ việc liên quan với phần nội dung trong tài liệu đang nghiên cứu chỉ với thao tác chọn và bôi đánh dấu đoạn văn bản cần tra soát. ROSS cho thấy khả năng giải quyết vấn đề một cách logic, nhanh chóng và hiệu quả với chi phí thấp hơn đáng kể so với việc thuê nhân sự là con người.
Hay theo như truyền thông đưa tin gần đây, trong một cuộc thi tại Trung Quốc, một nhóm 16 luật sư bao gồm các luật sư kỳ cựu và sinh viên ngành luật thuộc trường Luật Quảng Hoa, Đại học Chiết Giang đã cùng nhau thi đấu với chương trình AI do Học viện Damo của Alibaba Group Holding thiết kế. Trong phần thi chính là đánh giá hợp đồng, AI đã cho thấy ưu thế của mình khi chỉ mất 1 phút để cho ra kết quả với độ chính xác lên tới 96%, đánh bại hoàn toàn nhóm luật sư cùng tham gia.
Những điều kể trên cho thấy, trong bối cảnh hiện nay, sự cạnh tranh trong hoạt động hành nghề không chỉ dừng lại giữa các luật sư với nhau mà còn là sự “thi đấu” giữa con người và công nghệ. “Trí tuệ nhân tạo” (AI) ra đời, được nghiên cứu và xây dựng để có thể thực hiện những công việc khác nhau thuộc đa dạng ngành nghề. Cho tới hiện nay đã có rất nhiều thử nghiệm để xem xét khả năng của AI trong ngành dịch vụ pháp lý và đều cho ra những kết quả đáng kinh ngạc: bên cạnh khả năng phân tích các hợp đồng, AI còn có thể được dùng để nghiên cứu các văn bản pháp lý và dự đoán các kết quả của những vụ kiện. Rõ ràng, những thành tựu về khoa học công nghệ cùng với xu thế chuyển đổi số nở rộ trong những năm gần đây đã khiến các luật sư phải đối mặt với những thách thức mới và ngày một khó khăn hơn. Điều này có thể là một hồi chuông cảnh báo đến các luật sư nói riêng và việc hành nghề luật nói chung, buộc chúng ta phải thay đổi nhanh chóng để bắt kịp với sự phát triển của xã hội.
Một trong những điều tiên quyết cần thay đổi chính là “sự nhận thức”. Thay vì lo sợ những công nghệ hiện đại và thông minh như AI ra đời là một tín hiệu “đe doạ”, chúng ta có thể tận dụng chúng để mở ra những cơ hội mới mà trước tiên sẽ là sự gia tăng trong hiệu quả xử lý vấn đề của các luật sư. Trong chính cuộc thi kể trên ở Trung Quốc, người ta đã chia các luật sư thành các nhóm nhỏ để kết hợp cùng AI và sự hiệu quả đã tăng lên rõ rệt khi nhóm có thành tích cao nhất đã xử lý được 5 hợp đồng với gần 20.000 dòng văn bản chỉ trong 30 phút. Các nhà nghiên cứu đã nhận ra rằng trong khi điểm mạnh của các luật sư là giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc thì AI lại tỏ ra ưu thế về khả năng truy xuất thông tin, kiểm tra và khắc phục các điểm yếu. Như vậy, việc kết hợp công nghệ mới cùng với tư duy của một luật sư đã cho ra kết quả vượt trội hơn hẳn so với khi để hai bên làm việc độc lập. Nhờ sự hỗ trợ của AI, các luật sư sẽ tiết kiệm được tối đa thời gian cho việc tìm kiếm, tra soát thông tin, thay vào đó, dành thời gian cho việc nâng cao khả năng tư duy, phân tích vấn đề cũng như trau dồi các kỹ năng, phẩm chất đạo đức cần thiết cho việc hành nghề.
Mặc dù thực tế tại nước ta hiện nay, việc chuyển đổi số trong hoạt động hành nghề của luật sư chưa diễn ra phổ biến và toàn diện, cũng như những công nghệ mới như AI vẫn còn nhiều mới mẻ chưa được ứng dụng rộng khắp. Các luật sư hiện tại vẫn có thể thuận lợi hành nghề theo các cách thức truyền thống và ứng dụng công nghệ số vào một vài công đoạn nhất định. Tuy nhiên, để có thể thích ứng được với những thay đổi trong tương lai, các luật sư cũng cần chuẩn bị cho mình hành trang để tự tin tiến bước ngay từ bây giờ. Bất kỳ một sự chuẩn bị kỹ lưỡng nào cũng là cần thiết và hiệu quả, các luật sư nên dần khám phá cũng như nghiên cứu để có thể đưa những công nghệ mới phù hợp với bản thân cũng như tổ chức của mình vào sử dụng. Điều này trước mắt sẽ hỗ trợ cho công việc giải quyết, xử lý các vấn đề của khách hàng diễn ra nhanh chóng, chính xác hơn, góp phần cải thiện chất lượng dịch vụ pháp lý cũng như tăng năng suất làm việc cho người hành nghề. Về lâu dài, việc ứng dụng công nghệ số từ sớm và kịp thời sẽ trở thành ưu thế cạnh tranh cho các luật sư nhờ những thành quả có được trong việc giải quyết các vấn đề pháp lý nêu trên.