Công ty không ký hợp đồng lao động có vi phạm pháp luật hay không?

0
887

Câu hỏiEm đang làm ở công ty có khoảng hơn 40 công nhân. Nhưng hơn 90% không ký hợp đồng, nếu có thì cũng không lập thành hai bản mà công ty giữ hết. Công ty không đóng bảo hiểm, không có phụ cấp và phép năm ngày nghỉ lễ Tết thì không có lương ạ.

Vậy công ty có phải đã vi phạm luật không ạ? Mong luật sư giải đáp.

Trả lời: Công ty Luật TNHH SB Law cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Theo Bộ luật Lao động 2012 hiện hành, tại Điều 18 quy định về nghĩa vụ giao kết hợp đồng lao động như sau:

Điều 18. Nghĩa vụ giao kết hợp đồng lao động

1.Trước khi nhận người lao động vào làm việc, người sử dụng lao động và người lao động phải trực tiếp giao kết hợp đồng lao động.

Trong trường hợp người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi, thì việc giao kết hợp đồng lao động phải được sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật của người lao động.

2.Đối với công việc theo mùa vụ, công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng thì nhóm người lao động có thể ủy quyền cho một người lao động trong nhóm để giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản; trường hợp này hợp đồng lao động có hiệu lực như giao kết với từng người”.

Hình thức của hợp đồng lao động được quy định tại Điều 16 Bộ Luật Lao động 2012 như sau:

Điều 16. Hình thức hợp đồng lao động

1.Hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản và được làm thành 02 bản, người lao động giữ 01 bản, người sử dụng lao động giữ 01 bản, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2.Đối với công việc tạm thời có thời hạn dưới 03 tháng, các bên có thể giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói.”

Hơn nữa, Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định về đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc như sau:

“1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:

a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;

b) Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;

c) Cán bộ, công chức, viên chức; []

Vì không được đóng bảo hiểm xã hội nên bạn cũng mất đi một số quyền lợi được hưởng của người lao động như trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp thôi việc,..

Bên cạnh đó, theo Khoản 1 Điều 115 Bộ luật Lao động 2012, người lao động sẽ được nghỉ hưởng nguyên lương trong những ngày sau:

“1. Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây:

a) Tết Dương lịch 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch);

b) Tết Âm lịch 05 ngày;

c) Ngày Chiến thắng 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch);

d) Ngày Quốc tế lao động 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch);

đ) Ngày Quốc khánh 01 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch);

e) Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).”

Như vậy, trong trường hợp này, công ty của bạn đã vi phạm pháp luật lao động khi không kí hợp đồng lao động với công nhân và không thực hiện đúng hình thức của hợp đồng.

Từ việc không ký kết có hợp đồng lao động với người lao động, công ty bạn đã kéo theo một số sai phạm nghiêm trọng pháp luật Lao động Việt Nam khi không đóng bảo hiểm xã hội cho công nhân, không thực hiện đúng quy định về trợ cấp và quy định về ngày nghỉ lễ tết hưởng nguyên lương theo pháp luật hiện hành.

Để giải quyết vấn đề này, bạn cần làm đơn khiếu nại lên Ban Giám Đốc để yêu cầu được ký hợp đồng lao động cũng như được đóng đủ bảo hiểm xã hội, chế độ được thưởng trong thời gian làm việc ở công ty.

Nếu không được xử lý thỏa đáng, bạn có quyền khiếu nại đến Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi doanh nghiệp đặt trụ sở, theo Nghị định 24/2018/NĐ-CP.

Việc khiếu nại được thực hiện theo các hình thức như: Gửi đơn khiếu nại và khiếu nại trực tiếp. Thời hiệu khiếu nại lần đầu là 180 ngày, kể từ ngày người lao động biết được hành vi vi phạm của doanh nghiệp.

Sau khi tiếp nhận đơn khiếu nại, Sở Lao động – Thương binh và xã hội nơi bạn nộp đơn sẽ tiến hành hòa giải. Nếu hòa giải giữa các bên không thành, trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày hòa giải không thành, bạn có quyền kiện lên Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu giải quyết theo đúng quy định pháp luật.