VAI TRÒ CỦA SỞ HỮU TRÍ TUỆ TRONG QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ CỦA MỖI QUỐC GIA

0
563

Bảo hộ SHTT không những mang lại lợi ích kinh tế cho chủ sở hữu sản phẩm trí tuệ, cơ quan nhà nước cấp giấy phép, mà còn cho những người mua quyền sử dụng tài sản trí tuệ đó.

Tại Việt Nam, bảo hộ SHTT là một lĩnh vực còn khá mới mẻ. Nhưng ý tưởng về bảo hộ SHTT mà trước tiên là quyền tác giả đã được ghi nhận ngay tại Bản Hiến pháp đầu tiên của Việt Nam năm 1946 (Điều 10, 12, 13). Theo đó, Việt Nam đã thừa nhận quyền tự do ngôn luận, tự do xuất bản của công dân, quyền nghiên cứu khoa học, sáng tác văn học, nghệ thuật và bảo đảm quyền tư hữu tài sản cùng quyền lợi của trí thức.

Năm 1986 đánh dấu một mốc mới trong hoạt động bảo hộ sở hữu trí tuệ nói chung và quyền tác giả nói riêng: Chính phủ đã ban hành Nghị định 142/CP – văn bản đầu tiên riêng biệt để điều chỉnh các quan hệ xã hội về quyền tác giả. Từ đó đến nay còn có nhiều văn bản, sửa đổi thể hiện một bước tiến đáng kể trong hoạt động lập pháp về lĩnh vực bảo hộ SHTT.

Hoạt động bảo hộ quyền SHTT ở nước ta được bắt đầu triển khai từ những năm 80, nhưng chỉ từ khi Bộ Luật Dân sự (năm 1995) được ban hành thì hoạt động này mới bắt đầu tiến triển. Đặc biệt, từ khi Quốc hội ban hành Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 và Việt Nam là thành viên chính thức của WTO, thì hoạt động này trở nên sôi động với tất cả các dạng tài sản trí tuệ được bảo hộ, bao gồm: bản quyền tác giả và các sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa, tên gọi xuất xứ và chỉ dẫn địa lý, …

 Từ năm 2005 đến nay, việc đăng ký và cấp chứng nhận bảo hộ tăng bình quân hằng năm 20%. Những nhận định đánh giá, nhất là đánh giá của một số đối tác quan trọng về kinh tế (đầu tư, thương mại) trong quá trình đàm phán gia nhập WTO của Việt Nam là EU, Nhật Bản, Mỹ đều có chung nhận định rằng, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng các văn bản pháp luật về SHTT, nhưng vấn đề thực thi là một điểm yếu cần phải được khắc phục.

Việc bảo hộ quyền SHTT tốt sẽ khuyến khích nghiên cứu, phát triển công nghệ, nâng cao chất lượng hàng hóa và tạo uy tín cho sản phẩm. Ngoài ra, việc bảo hộ tốt sẽ dẫn đến giá thành sản phẩm cao, hạn chế các vi phạm như tình trạng khai thác công nghệ không được phép của người sở hữu bằng độc quyền, hay sản xuất hàng giả, hàng nhái và các vi phạm khác. Xét về lâu dài, hệ thống SHTT mạnh sẽ có tác dụng tốt trong việc phát triển công nghệ và kinh doanh lành mạnh.

Vấn đề quyền SHTT được Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đưa vào vòng đàm phán Uruguay năm 1986, với lý do quyền SHTT không phải là một vấn đề tách rời với hoạt động thương mại, mà có quan hệ chặt chẽ với thương mại và phát triển kinh tế. Vấn đề quyền SHTT không dừng lại ở phạm vi lãnh thổ quốc gia mà ngày càng mang tính toàn cầu. Các tập đoàn đa quốc gia của các nước giàu bị tổn thất nhiều do quyền SHTT bị vi phạm nhiều ở các nước đang phát triển. Điều này đã thúc đẩy các nước phát triển xây dựng một cơ chế mang tính kiểm soát toàn cầu đối với vấn đề bảo hộ quyền SHTT.

Với các nước đang phát triển, năng lực cạnh tranh thường thấp, khả năng tiếp cận thị trường hạn chế, cho nên để có thể phát triển bền vững và hội nhập hiệu quả, cần thiết phải đánh giá đúng vị trí quan trọng của sở hữu trí tuệ. Cách tốt nhất là phải tiếp cận các chuẩn mực quốc tế về sở hữu trí tuệ nhằm xây dựng hệ thống sở hữu trí tuệ có hiệu quả. Điều đó làm cho hoạt động sở hữu trí tuệ xét trên phạm vi quốc gia ngày càng có khuynh hướng tiến gần hơn tới chuẩn mực chung của thế giới.