(VNF) – Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW, khẳng định yêu cầu lập Ban thanh tra nhân dân tạo ra bất cập lớn, gây xung đột, đi ngược lại với các quy định trong Bộ luật lao động, Luật doanh nghiệp.
‘Yêu cầu lập Ban Thanh tra nhân dân tạo ra bất cập lớn cho doanh nghiệp, đi ngược nhiều quy định’
Dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đang được Quốc hội lấy ý kiến, dự định thông qua ở kỳ họp lần này. Một trong những nội dung được khối doanh nghiệp ngoài nhà nước quan tâm là các tổ chức lao động phải công khai thông tin như tình hình sản xuất, kinh doanh, nội quy lao động, thang bảng lương, quỹ khen thưởng, phúc lợi…
Dự thảo cũng đề xuất lập Ban thanh tra nhân dân (3-9 người) nhằm kiểm tra, giám sát chấp hành chính sách pháp luật, thực hiện về dân chủ ở cơ sở…
Tuy nhiên, đề xuất này cũng ngay lập tức nhận được những phản ứng trái chiều của dư luận. Xung quanh vấn đề này Tạp chí Đầu tư Tài chính – VietnamFinance đã có cuộc trò chuyện với Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW.
– Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở yêu cầu có ban thanh tra nhân dân trong doanh nghiệp tư nhân. Doanh nghiệp bắt buộc phải báo cáo công khai minh bạch, từ chiến lược phát triển kinh doanh đến lương thưởng… Ông đánh giá như thế nào về quy định này?
Dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở quy định Ban Thanh tra nhân dân ở tổ chức có sử dụng lao động do hội nghị người lao động bầu gồm từ 03 đến 09 thành viên theo đề nghị của Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở hoặc tổ chức khác đại diện cho người lao động ở cơ sở. Người lao động thực hiện việc kiểm tra, giám sát thông qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân ở tổ chức có sử dụng lao động.
Quy định này với doanh nghiệp tư nhân sẽ tạo ra bất cập lớn, xung đột đi ngược lại với các quy định trong Bộ luật lao động, Luật doanh nghiệp bởi:
Thứ nhất, Dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở sẽ gây ra sự chồng chéo, trùng lặp. Pháp luật tôn trọng quyền tự chủ của doanh nghiệp. Doanh nghiệp đã có tổ chức Công đoàn, tổ chức đại diện người lao động để đại diện cho người lao động, Công đoàn được trao nhiệm vụ trách nhiệm như được quy định trong Bộ Luật lao động, Luật công đoàn và các Nghị định liên quan, có quỹ Công đoàn để thực hiện nhiệm vụ được giao. Vì vậy, tổ chức công đoàn phải phát huy hiệu quả việc thực hiện dân chủ trong doanh nghiệp trong hoạt động bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, không thể phát sinh thêm 1 tổ chức mới là Ban thanh tra nhân dân hoạt động chồng chéo nữa gây tốn chi phí, tốn nhân lực cho Công đoàn và doanh nghiệp, gây khó khăn cho vận hành của chủ doanh nghiệp khi phải đối ứng với nhiều ban, nhiều tổ chức.
Thứ hai, nếu công khai hết thì thông tin kinh doanh công ty sẽ bị lộ, mỗi công ty có cách thức kinh doanh riêng, có những chiến lược riêng, tình hình sản xuất, bí mật kinh doanh hoạt động khác nhau. Công khai hết thang lương, bảng lương cho toàn thể người lao động trong công ty là không chính đáng. Việc cung cấp và công khai hết toàn bộ thông tin của doanh nghiệp đặc biệt là những thông tin bí mật trong quản trị doanh nghiệp (tình hình sản xuất kinh doanh, tình hình hoạt động, thang lương, bảng lương…) cho toàn thể người lao động, Công đoàn, ban thanh tra nhân dân là không phù hợp, không chính đáng, đi ngược lại với quyền tự chủ của doanh nghiệp theo Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp và Luật Sở hữu trí tuệ.
Hơn nữa, doanh nghiệp đã vận hành và tuân thủ theo rất nhiều quy định pháp luật (Luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Thuế, Hải quan, Môi trường, Luật Sở hữu trí tuệ….) . Mặt khác, đã có các đoàn thanh tra để kiểm tra việc tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, vậy nên doanh nghiệp phải được tự do vận hành, quản trị.
– Như vậy, ý của ông là việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở sang khu vực doanh nghiệp, nhất là với các doanh nghiệp ngoài nhà nước, là điều không cần thiết?
Theo quy định tại Luật Doanh nghiệp 2020, doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.
Dự án Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở đang được lấy ý kiến tại Quốc hội và dự kiến sắp được Quốc hội thông qua vào kỳ họp tháng 10/2022. Dự thảo luật này quy định mới việc thực hiện dân chủ tại tổ chức có sử dụng lao động.
Cụ thể, Dự thảo Luật quy định: Tổ chức có sử dụng lao động thực hiện công khai các nội dung sau đây: a) Tình hình sản xuất, kinh doanh hoặc tình hình hoạt động của tổ chức có sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật khác có liên quan; b) Nội quy lao động, thang lương, bảng lương, định mức lao động, nội quy, quy chế và các văn bản quy định khác của tổ chức có sử dụng lao động liên quan đến quyền, lợi ích và nghĩa vụ của người lao động; …
Điều 33 Hiến pháp 2013 quy định “Mọi người đều có quyền tự do kinh doanh trong những lĩnh vực trong những ngành nghề pháp luật không cấm”. Ngoài ra, Điều 7 Luật Doanh nghiệp 2020 và Điều 5 Luật Đầu tư 2020 cũng quy định về việc doanh nghiệp có quyền tự chủ trong kinh doanh.
Theo đó, ngoại trừ các vấn đề liên quan trực tiếp tới quan hệ lao động với các thiết chế về đàm phán, thương lượng, tham vấn giữa hai bên đã được ghi nhận trong pháp luật lao động, người lao động không thể can thiệp vào quyền tự chủ kinh doanh của chủ doanh nghiệp hay nói cách khác việc này là bất khả thi.
Do đó, việc đề nghị Quốc hội cân nhắc không mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở sang khu vực doanh nghiệp, nhất là với các doanh nghiệp ngoài nhà nước (được quy định tại các chương I và chương IV của Dự thảo Luật), là rất quan trọng và cần thiết với doanh nghiệp.
– Nếu Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở áp dụng cho doanh nghiệp tư nhân thì sẽ gây ra khó khăn gì, thưa ông?
Tôi cho rằng việc mở rộng phạm vi điều chỉnh sang doanh nghiệp tư nhân là điều không nên.
Thứ nhất là lo ngại phức tạp hơn mối quan hệ lao động trong doanh nghiệp. Từ góc độ quan hệ giữa doanh nghiệp và người lao động, pháp luật về lao động và công đoàn đã xác định rõ công đoàn Việt Nam và các tổ chức đại diện khác của người lao động tại cơ sở là người đại diện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động và là chủ thể có trách nhiệm tham gia xây dựng quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ và ổn định trong doanh nghiệp.
Các tiêu chuẩn và quy định về quan hệ lao động ở nước ta hiện nay cơ bản đã đạt chuẩn mực quốc tế theo các công ước quốc tế và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà chúng ta đã ký kết. Vì vậy, việc đưa thêm thiết chế dân chủ vào doanh nghiệp như dự kiến tại Dự thảo Luật có thể dẫn tới chồng chéo lên nhiệm vụ của tổ chức công đoàn, tổ chức đại diện người lao động và các đoàn thể chính trị- xã hội khác trong doanh nghiệp.
Thứ hai, từ góc độ hội nhập kinh tế quốc tế, trong bối cảnh cạnh tranh rất gay gắt trong thu hút FDI như hiện nay, việc yêu cầu thiết lập thêm một thiết chế của người lao động trong doanh nghiệp, có quyền làm chủ và can thiệp ở các mức độ khác nhau vào quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp, chắc chắn sẽ khiến các nhà đầu tư tiềm năng phải thận trọng hơn khi quyết định đưa vốn vào Việt Nam.
Tóm lại, việc thực hiện dân chủ cũng cần có hệ thống và sự kiểm soát chuyên nghiệp đảm bảo hài hoà lợi ích cho cả hai bên. Bộ luật Lao động, Luật Doanh nghiệp, Luật công đoàn,… quy định khá đầy đủ về các vấn đề này, cùng với đó trong quá trình thực hiện quyền dân chủ trong doanh nghiệp tư nhân khá thuận lợi và không xảy ra những vấn đề vướng mắc lớn.
Việc trao quyền cho người lao động, ban thanh tra nhân dân quá nhiều, vượt quá quyền lợi hợp pháp chính đáng, khiến cho người lao động dễ dàng phát sinh ra yêu sách, kết bè phái, gây nhiễu cho chủ doanh nghiệp, bộ máy doanh nghiệp phải tiếp đón, giải thích, giải trình…gây sự xáo trộn, náo loạn, thậm chí nếu chủ doanh nghiệp không đồng ý thì có thể gây ra đình công gây bất ổn định cho doanh nghiệp và xã hội. Theo đó, sẽ ảnh hưởng đến việc kinh doanh sản xuất của các doanh nghiệp nói riêng và tình hình phát triển kinh tế của cả nước nói chung.
Nguồn:https://vietnamfinance.vn/yeu-cau-lap-ban-thanh-tra-nhan-dan-tao-ra-bat-cap-lon-cho-doanh-nghiep-di-nguoc-nhieu-quy-dinh-20180504224276778.htm