Quy chế thẩm định nhãn hiệu

0
654

Ngày 14/02/2007 Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành thông tư số 01/2007/TT-BKHCN hướng dẫn chi tiết thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp (SHCN), thay thế thông tư số 3055 ngày 31/12/1996.

Theo luật, để được đăng ký và bảo hộ dưới danh nghĩa là nhãn hiệu, một dấu hiệu phải có tính phân biệt đối với sản phẩm/dịch vụ tương ứng.

Trước thông tư 1/2007, chưa có văn bản luật hoặc dưới luật nào quy định cụ thể cách đánh giá tính phân biệt của nhãn hiệu. Thông tư 1/2007 đã luật hóa các kinh nghiệm thực tiễn của Cục SHTT về thẩm định nội dung đơn đăng ký nhãn hiệu, trong đó có việc đánh giá tính phân biệt. Theo đó, việc sử dụng nhãn hiệu có thể ảnh hưởng tới tính phân biệt của nhãn hiệu.

Cụ thể, một từ la-tinh có nghĩa có thể bị mất tính phân biệt nếu việc sử dụng ở Việt nam khiến nghĩa của từ đó trở thành thông dụng cho sản phẩm tương ứng (điều 39.3.d).

Ngược lại, một dấu hiệu bình thường không có hoặc thiếu tính phân biệt có thể trở thành có khả năng phân biệt thông qua việc sử dụng, khiến cho nhãn hiệu đó được người tiêu dùng biết đến một cách rộng rãi (điều 39.5).

Đối với “dấu hiệu kết hợp” giữa dấu hiệu chữ và dấu hiệu hình, để đánh giá khả năng phân biệt, cần phải xem xét dấu hiệu một cách tổng thể.

Trong trường hợp dấu hiệu kết hợp có một hoặc các thành phần riêng lẻ không có hoặc ít có khả năng phân biệt, dấu hiệu kết hợp đó vẫn có thể được coi là có tính phân biệt nếu: (i) thành phần mạnh của dấu hiệu có tính phân biệt; hoặc (ii) cách thức kết hợp các thành phần độc đáo, tạo ra một ấn tượng riêng biệt; hoặc (iii) tổng thể kết hợp đó có được tính phân biệt thông qua việc sử dụng nhãn hiệu (điều 39.6).

Thông tư 1/2007 cũng quy định cách đánh giá sự tương tự đến mức gây nhầm lẫn với một dấu hiệu khác, cũng là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá khả năng bảo hộ của nhãn hiệu.

Theo đó, nhãn hiệu ghi trong đơn phải được so sánh với nhãn hiệu đối chứng về cấu trúc, nội dung, cách phát âm (đối với dấu hiệu chữ), về ý nghĩa và hình thức thể hiện của dấu hiệu (chữ và hình), đồng thời phải tiến hành so sánh hàng hóa/dịch vụ.

Dấu hiệu bị coi là trùng nếu giống hệt với nhãn hiệu đối chứng về cấu trúc, nội dung, ý nghĩa và hình thức thể hiện. Dấu hiệu bị coi là tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đối chứng nếu nó (i) gần giống với nhãn hiệu đối chứng về cấu trúc, nội dung, cách phát âm, ý nghĩa hoặc/và hình thức thể hiện, đến mức làm cho người tiêu dùng tưởng lầm rằng hai đối tượng đó là một, hoặc đối tượng này là biến thể của đối tượng kia, hoặc hai đối tượng đó có cùng một nguồn gốc; hoặc (ii) chỉ là bản phiên âm hoặc dịch nghĩa từ nhãn hiệu đối chứng nếu nhãn hiệu đối chứng là nhãn hiệu nổi tiếng (điều 39.8).

Hai hàng hóa/dịch vụ bị coi là trùng nhau (cùng loại) nếu chúng có cùng bản chất hoặc bản chất giống nhau, đồng thời có cùng chức năng, mục đích sử dụng. Hai hàng hóa/dịch vụ bị coi là tương tự nhau nếu chúng: (i) tương tự về bản chất; hoặc (ii) tương tự nhau về chức năng, mục đích sử dụng và được đưa ra thị trường theo cùng một kênh thương mại. Một hàng hóa và một dịch vụ bị coi là tương tự nhau nếu giữa chúng có mối liên quan với nhau về bản chất hoặc về chức năng hoặc về phương thức thực hiện (điều 39.9).