Thực trạng việc quản lý nhãn hiệu hàng hóa ở Việt Nam

0
721

 

Theo thống kê, trong mười năm gần đây, lực lượng quản lý thị trường trong cả nước đã xử lý hơn 102 nghìn vụ làm hàng giả, vi phạm quyền SHTT, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính hơn 124 tỷ đồng, Hải quan cả nước xử lý gần 200 vụ xuất nhập khẩu hàng giả hoặc hàng hóa vi phạm quyền SHTT, Cục Cảnh sát kinh tế đã phát hiện, đấu tranh với 2.615 vụ, trong đó đã khởi tố 426 vụ, 607 đối tượng, xử lý hành chính 2.205 vụ…

Theo nhận định của ông Nguyễn Hùng Dũng, Cục trưởng QLTT, việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 31/1999 về đấu tranh chống sản xuất và buôn bán hàng giả, bước đầu đã tạo ra sự chuyển biến cơ bản cả trong nhận thức và hành động của toàn xã hội trong mười năm qua. Tuy nhiên, tình trạng sản xuất và buôn bán hàng giả ngày càng nghiêm trọng.

Theo đánh giá của Hiệp hội Bản quyền thế giới, tình trạng vi phạm về SHTT, đánh cắp bản quyền, sáng chế ở nước ta đã đến mức báo động. Tội phạm về hàng giả chiếm tỷ lệ từ 75% – 85%. Gần như không còn mặt hàng dân dụng nào là không bị làm giả, từ xe máy, hàng điện tử, điện lạnh, hóa mỹ phẩm, dược phẩm, rượu, bia, nước giải khát, thực phẩm, sách và băng đĩa, đặc biệt là tiền giả, hóa đơn chứng từ, tem hàng hóa giả, bao bì hàng hóa giả… Hàng giả bị phát hiện thu giữ gồm cả hàng sản xuất trong nước và hàng sản xuất từ nước ngoài được đưa vào nước ta tiêu thụ.

Hình thức làm giả cũng rất đa dạng, giả về chất lượng, công dụng, giả hoặc nhái nhãn hiệu hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp của những thương hiệu nổi tiếng hoặc đang được bảo hộ sở hữu công nghiệp, giả nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Các đối tượng sản xuất và buôn bán hàng giả dùng nhiều thủ đoạn tinh vi để đạt mục đích của mình.

Ta có thể xét một số vụ việc xâm phạm nhãn hiệu hàng hóa ở Việt Nam.

 Vụ xâm phạm nhãn hiệu Red Bull

Tháng 2.2004, ông H “đặt hàng” Công ty TP gần 73.000 vỏ lon nước uống tăng lực có hình hai con vật húc nhau màu đỏ. Từ số vỏ lon này, ông H đã cho sản xuất hơn 34.000 lon sản phẩm và tung ra thị trường.

Tháng 9.2006, Công ty TNHH công nghiệp dược phẩm TC Thái Lan (TC) sở hữu nhãn hiệu Red Bull + hình (đã được bảo hộ độc quyền tại Việt Nam) đề nghị xử lý bằng biện pháp hình sự ông H về tội xâm phạm quyền SHCN.

Tại tòa, ông H cho rằng mình bị oan, vì thời điểm đó ông không có ý “đánh lừa” khách hàng bằng sản phẩm giống nhãn hiệu Red Bull + hình. ông cho biết, trước đây đã nhìn thấy hình hai con lợn húc nhau nên khi chuyển qua kinh doanh chính ông đã nghĩ ra mẫu mã đó và đã được sự cho phép của Sở Y tế. Trước đó, ông H từng bị phạt hành chính 2 lần về hành vi xâm phạm quyền SHCN nhãn hiệu “Heneiken” và “Sài Gòn”.

Toà án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên phạt ông H 3 năm cải tạo không giam giữ về tội “xâm phạm quyền SHCN” theo quy định tại Điều 171 Bộ luật Hình sự và tội “trốn thuế”.

(nguồn: Cand.com, ngày 25.1.2007)

Theo quy định của Điều 171 Bộ Luật Hình sự, hành vi xâm phạm quyền ở mức độ từ nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng sẽ bị truy cứu trách nhiệm.

Các mức độ nghiêm trọng nêu trên được đánh giá thông qua một trong các tiêu chí sau: Lợi nhuận đã thu được từ 10.000.000 đồng trở lên; gây thiệt hại về vật chất cho chủ sở hữu nhãn hiệu từ 50.000.000 đồng trở lên; hàng hóa xâm phạm có giá trị từ 50.000.000 đồng trở lên.

Trong trường hợp vi phạm lần đầu, tính chất, mức độ hành vi chưa nghiêm trọng, chưa đạt tới các ngưỡng nói trên, nhưng trước đó đã bị xử phạt hành chính về SHCN, nay tái phạm thì sẽ bị xử lý bằng biện pháp hình sự. Trong trường hợp xâm phạm nhãn hiệu Red Bull + hình này có thể tính chất, mức độ chưa nghiêm trọng, nhưng trước đó ông H đã bị xử phạt vi phạm hành chính về SHCN 2 lần vì xâm phạm đối với nhãn hiệu “Heneiken” và “Sài Gòn”. Hai lần vi phạm đó có thể không đồng nhất về hành vi, đối tượng vi phạm, nhưng cùng trong lĩnh vực SHCN (nhãn hiệu) nên bị coi là đã bị xử phạt vi phạm hành chính trong cùng lĩnh vực.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 105 của Bộ luật Tố tụng hình sự thì một trong các điều kiện để truy cứu trách nhiệm hình sự là khi có yêu cầu của chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý. ở đây, Công ty TC đã có đơn đề nghị cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam áp dụng biện pháp hình sự đối với hành vi của ông H.

Xem xét các điều kiện trên, hành vi của ông H đáp ứng đủ điều kiện để bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi xâm phạm nhãn hiệu do Công ty TC đang sở hữu. Do đó, Toà án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh áp dụng Điều 171 Bộ luật Hình sự để xử lý hành vi của ông H là phù hợp với quy định của pháp luật.

Công ty TP sản xuất vỏ hộp có gắn nhãn hiệu Red Bull + hình. Các vỏ hộp này (khi chưa được nạp hàng hóa là nước tăng lực bên trong) chính là vật mang nhãn hiệu. Đây cũng là hành vi xâm phạm quyền của Công ty TP trong việc sản xuất vật mang nhãn hiệu nhưng chưa bị xem xét, xử lý hành chính vì chưa có quy định chế tài đối với trường hợp sản xuất, buôn bán vật mang nhãn hiệu tại thời điểm hành vi xảy ra. ông H đặt hàng cho Công ty TP sản xuất 73.000 vỏ lon. Trong tình huống này, ông H chính là bên giao cho người khác thực hiện hành vi sản xuất vỏ lon, chính là vật mang nhãn hiệu. ông H cũng chưa bị xử lý về hành vi này.

Rõ ràng là hành vi của Công ty TP và của ông H là hành vi xâm phạm quyền của Công ty TC vì sử dụng các nhãn hiệu của họ gắn trên sản phẩm các vỏ lon khi chưa có sự đồng ý của chủ sở hữu nhãn hiệu đó.

Tuy nhiên, vì chưa có chế tài xử lý nên tại thời điểm đó chưa xử lý được hành vi này.

Chính vì vậy, để xử lý triệt để, không bỏ sót các hành vi xâm phạm quyền SHCN, Điều 14 Nghị định số 106/2006/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về SHCN đã quy định hành vi sản xuất, vận chuyển, nhập khẩu, buôn bán vật mang nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý xâm phạm sẽ bị: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1 đến 2 lần giá trị hàng hóa xâm phạm đã phát hiện được đối với cá nhân/tổ chức thực hiện một trong các hành vi sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, buôn bán vật mang nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý được bảo hộ của tổ chức/cá nhân khác hoặc giao cho người khác thực hiện hành vi này trong trường hợp hàng hóa xâm phạm phát hiện được có giá trị đến 20 triệu đồng; trường hợp giá trị trên 20 triệu đồng sẽ bị xử phạt ở khung tiền phạt cao hơn.

Hành vi sản xuất vật mang nhãn hiệu và giao cho người khác sản xuất vật mang nhãn hiệu của ông H nếu xảy ra sau thời điểm Nghị định số 106/2006/NĐ-CP có hiệu lực thì sẽ bị xử phạt theo Điều 14 của Nghị định này.

 Làm giả nhãn hiệu Adidas và Nike

Theo hồ sơ, P là Giám đốc Công ty May và xuất nhập khẩu Hoàng Huỳnh tại quận Tân Bình. Tháng 12.2007, một người buôn bán quần áo tại Ukraine đến liên hệ với P đặt may gia công 1.500 chiếc áo thun lưới gắn nhãn hiệu Adidas và Nike. Sau đó, P đã mua vải, các phụ liệu tại chợ Tân Bình, đưa về cơ sở tự cắt và đưa cho các thợ bên ngoài may gia công.

Đến tháng 2.2008, Đội Quản lý thị trường quận Tân Bình phát hiện P sản xuất gần 1.500 cái áo thun không cổ, hàng Việt Nam giả hai NHNT Adidas và Nike có giá trị gần 150 triệu đồng. Những sản phẩm này đều không đảm bảo chất lượng, nhãn hiệu của hai hãng Adidas và Nike đã được bảo hộ tại Việt Nam.

(Nguồn: Công an TP HCM ngày 8.6.2010, Pháp luật TP HCM ngày 3.6.2010)

Cần yêu cầu xác định NHNT trong một số trường hợp:

Trường hợp tiến hành xác lập quyền, nhưng bị từ chối vì nhãn hiệu của mình tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác, hoặc bị loại trừ thì tổ chức, cá nhân đề nghị xác lập quyền cho nhãn hiệu này chứng minh nhãn hiệu của mình đáp ứng các điều kiện để được coi là NHNT. Từ đó, yêu cầu huỷ bỏ hiệu lực một văn bằng đã cấp hoặc phản đối việc sẽ cấp cho một nhãn hiệu khác trên cơ sở nhãn hiệu đó gây nhầm lẫn với NHNT.

Trường hợp yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm quyền, cạnh tranh không lành mạnh đối với NHNT.

Như vậy, chỉ có Cục SHTT và Tòa án tiến hành xem xét, đánh giá và công nhận một nhãn hiệu là nổi tiếng khi có yêu cầu của tổ chức, cá nhân trong từng vụ việc cụ thể (phản đối, đề nghị hủy bỏ, đề nghị xử lý hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu). Từ các trường hợp trên, có thể thấy không có việc ngay từ đầu, nộp đơn đăng ký, hoặc đề nghị công nhận một nhãn hiệu là NHNT.

Trở lại vụ việc xâm phạm quyền của Hoàng Huỳnh, nhãn hiệu Adidas và Nike có được coi là NHNT không?

Hàng năm, Công ty Interbrand và Tạp chí BusinessWeek đưa ra danh sách các NHNT trên thế giới trên cơ sở sử dụng, tổng hợp, phân tích từ dữ liệu, tiêu chí để xếp hạng NHNT và giá trị các NHNT của các hãng nghiên cứu thị trường uy tín nhất.

Các điều kiện để xếp hạng 100 NHNT của Interbrand và BusinessWeek cũng tương tự như quy định tại Điều 75 Luật SHTT. Để được có tên trong danh sách này, mỗi nhãn hiệu sản phẩm phải có ít nhất 1/3 doanh thu là từ thị trường nước ngoài, được đông đảo người tiêu dùng không thuộc đối tượng khách hàng mục tiêu của hãng thừa nhận và xuất hiện trong hệ thống cơ sở dữ liệu marketing và tài chính công khai. Trong danh sách 100 NHNT do Interbrand và BusinessWeek đưa ra hàng năm có nhãn hiệu Adidas, Nike.

Nhãn hiệu Adidas (Đức) nhóm hàng hóa thể thao, năm 2006 xếp thứ 64, năm 2007 xếp thứ 70 (trị giá chuyển nhượng 4,6 tỷ USD), năm 2008 xếp thứ 70 và năm 2009 xếp thứ 62 (trị giá 5, 4 tỷ USD).

Nhãn hiệu Nike (Mỹ) nhóm hàng hóa thể thao, năm 2006 xếp thứ 31, năm 2007 xếp thứ 29 (trị giá chuyển nhượng 12 tỷ USD), năm 2008 xếp thứ 29, năm 2009 xếp thứ 26 (trị giá 13,179 tỷ USD).

Như vậy, Adidas và Nike liên tục trong nhiều năm được xếp loại thuộc 100 NHNT trên thế giới.

Thực tế tại Việt Nam, Adidas, Nike là hai trong số các nhãn hiệu được người tiêu dùng sử dụng hàng thể thao và lớp trẻ biết đến thông qua việc mua bán, sử dụng hàng hóa mang nhãn hiệu hoặc thông qua quảng cáo. Như vậy, trong trường hợp Hoàng Huỳnh sản xuất các hàng hóa thuộc nhóm hàng hóa mang nhãn hiệu Adidas và Nike thì sẽ bị xử lý vì hành vi xâm phạm NHNT.

Ngay cả trong trường hợp Hoàng Huỳnh sản xuất hàng hóa không thuộc nhóm hàng hóa của Adidas và Nike cũng có thể bị xử lý. Việc xử lý đó căn cứ vào Điều 11.4.b Nghị định số 105/ 2006/NĐ-CP quy định trong trường hợp “hàng hóa, dịch vụ không trùng, không tương tự, không liên quan tới hàng hóa, dịch vụ mang NHNT nhưng có khả năng gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sản xuất, kinh doanh sản phẩm, dịch vụ đó với chủ sở hữu NHNT”.

Một trong hai cơ quan có thẩm quyền đánh giá, coi một nhãn hiệu có nổi tiếng hay không là Tòa án khi xử lý các vụ việc cụ thể. Trong trường hợp này Tòa án đã coi Adidas và Nike là NHNT ở Việt Nam. Căn cứ Thông tư Liên tịch của Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp số 01 ngày 20.2.2008 thì đối với hành vi sản xuất hàng hóa giả mạo nhãn hiệu sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với các mức độ đánh giá hành vi nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng khi xem xét các tiêu chí: “Đã thu được lợi nhuận, hoặc gây thiệt hại về vật chất cho chủ sở hữu hàng hóa, hoặc giá trị hàng hóa vi phạm”.

Nếu đánh giá theo tiêu chí giá trị hàng hóa giả mạo thì trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 150 triệu đồng là nghiêm trọng. Trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 150 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng là rất nghiêm trọng. Và hàng hóa vi phạm có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên là đặc biệt nghiêm trọng. Hoàng Huỳnh sản xuất lượng hàng hóa có giá trị là 150 triệu đồng. Vì vậy, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức độ nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng.

Cần lưu ý nếu trong các trường hợp: Đã thu được lợi nhuận từ 10 triệu đồng đến dưới 50triệu đồng, hoặc gây thiệt hại về vật chất cho chủ sở hữu nhãn hiệu từ 50 triệu đồng đến dưới 150 triệu đồng, hoặc giá trị hàng hóa giả mạo từ 50 triệu đồng đến dưới 150 triệu đồng, thì chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự khi có yêu cầu của chủ thể quyền nhãn hiệu bị giả mạo