Luật Việt Nam với vấn đề định giá TSTT

0
358

Luật SHTT 2005 (sửa đổi, bổ sung 2009).

Luật SHTT 2005 là văn bản luật đầu tiên tại Việt Nam quy định đầy đủ các khía cạnh của việc bảo hộ và thực thi quyền SHTT. Văn bản luật này cùng với các văn bản hướng dẫn đã quy định một cách cụ thể và chi tiết về các quyền sau: quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và việc bảo hộ các quyền đó, đồng thời cũng quy định các cơ quan có trách nhiệm liên quan. Đặc biệt là vấn đề chuyển nhượng, chuyển giao các quyền này cũng được đề cập đến trong Luật SHTT 2005 (sửa đổi, bổ sung 2009). Cụ thể, điều 46 quy định về hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả và quyền liên quan có quy định về những nội dung cần có của hợp đồng chuyển nhượng:

“a, Tên và địa chỉ đầy đủ của bên chuyển nhượng và bên được chuyển nhượng;

b, Căn cứ chuyển nhượng;

c, Giá, phương thức thanh toán;

d, Quyền và nghĩa vụ của các bên;

đ, Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng.”

. Chương 10 quy định về chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp bao gồm 3 mục, 12 điều quy định cụ thể về các điều khoản và hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp. Cụ thể, tại điều 140 cũng quy định rõ hợp đồng chuyển nhượng quyền sở  hữu công nghiệp phải có các nội dung chủ yếu sau:

“1, Tên và địa chỉ đầy đủ của bên chuyển nhượng và bên được chuyển nhượng;

2,  Căn cứ chuyển nhượng;

3, Giá chuyển nhượng;

4, Quyền và nghĩa vụ của bên chuyển nhượng và bên được chuyển nhượng”.

Cả điều 46 và điều 140 đều nói đến giá chuyển nhượng quyền SHTT. Tuy nhiên, trong Luật này cũng như trong các văn bản hướng dẫn ban hành kèm theo không có quy định cụ thể nào về việc làm thế nào để định giá TSTT cũng như các căn cứ để định giá TSTT trong quá trình chuyển nhượng. Điều này gây rất nhiều khó khăn cho cá nhân cũng như doanh nghiệp trong nước khi cần tiến hành các thủ tục chuyển giao công nghệ, dễ dẫn đến thiệt hại cho doanh nghiệp Việt Nam trong các giao dịch với nước ngoài.

2.1.2. Luật Doanh nghiệp 2005.

Luật doanh nghiệp 2005 cũng đã quy định việc góp vốn bằng TSTT tại điều 4.4: “Góp vốn là việc đưa tài sản vào công ty để trở thành chủ sở hữu hoặc các chủ sở hữu chung của công ty. Tài sản góp vốn có thể là tiền Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, các tài sản khác ghi trong Điều lệ công ty do thành viên góp để tạo thành vốn của công ty”.

Cụ thể hơn, tại điều 5 nghị định 102/2010/NĐ-CP hướng dẫn thi hành chi tiết một số điều của luật Doanh nghiệp cũng đã quy định rõ: “Quyền sở hữu trí tuệ được sử dụng để góp vốn bao gồm quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và các quyền sở hữu trí tuệ khác theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ.

Chỉ cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu đối với các quyền nói trên mới có quyền sử dụng các tài sản đó để góp vốn. Bộ Tài chính hướng dẫn việc định giá góp vốn bằng quyền sở hữu trí tuệ”. Góp vốn là việc mà cá nhân mang tài sản của mình đưa vào khối tài sản chung của doanh nghiệp để trở thành chủ sở hữu hoặc các chủ sở hữu chung của công ty. Có thể khẳng định, đây là một quy định mới so với các quy định trước đây. Bộ Tài chính là đơn vị được giao nhiệm vụ hướng dẫn việc định giá TSTT. Tuy nhiên, đến giờ phút hiện nay, vẫn chưa có một văn bản hướng dẫn nào chính thức được công bố. Mặc dù thực tế bộ Tài chính cũng đã có đưa ra sáu phương pháp định giá tại thông tư số 17/2006/TT-BTC ngày 3 tháng 8 năm 2006 hướng dẫn nghị định số 101/2005/NĐ-CP của chính phủ về thẩm định giá: phương pháp so sánh, phương pháp chi phí, phương pháp thu nhập, phương pháp thặng dư, phương pháp lợi nhuận và các phương pháp khác theo thông lệ quốc tế được bộ Tài chính chấp thuận.

Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là việc áp dụng các phương pháp này còn rất nhiều khó khăn do còn phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như mục đích, hoàn cảnh hay kinh nghiệm của thẩm định viên. Bộ Tài chính đã được giao nhiệm vụ hướng dẫn việc định giá TSTT nhưng cho đến nay vẫn chưa có một văn bản chính thức  nào quy định cụ thể từng phương pháp cho từng đối tượng TSTT. Điều này đã làm cản trở đến việc góp vốn bằng TSTT của các doanh nghiệp hiện nay.

 Chuẩn mực kế toán số 04 (ban hành kèm theo quyết định số 149/2001/QĐ-BTC ngày 31 tháng 12 năm 2001 của bộ Tài chính quy định và hướng dẫn các nguyên tắc và phương pháp kế toán tài sản cố định vô hình).

Tại đoạn 7 và đoạn 8 của chuẩn mực kế toán này có quy định:

“7, Các doanh nghiệp thường đầu tư để có các nguồn lực vô hình, như: quyền sử dụng đất có thời hạn, phần mềm máy vi tính, bằng sáng chế, bản quyền, giấy phép khai thác thủy sản, hạn ngạch xuất khẩu, giấy phép nhượng quyền, quan hệ kinh doanh với khách hàng hoặc nhà cung cấp, sự trung thành của khách hàng, thị phần và quyền tiếp thị…

8, Để xác định nguồn lực vô hình quy định trong đoạn số 07 thỏa mãn định nghĩa tài sản cố định vô hình cần phải xem xét các yếu tố: tính có thể xác định được, khả năng kiểm soát nguồn lực và tính chắc chắn của lợi ích kinh tế trong tương lai. Nếu một nguồn lực vô hình không thỏa mãn định nghĩa tài sản cố định vô hình thì chi phí phát sinh để tạo ra nguồn lực vô hình đó phải ghi nhận là chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ hoặc chi phí trả trước. Riêng nguồn lực vô hình doanh nghiệp có được thông qua việc sáp nhập doanh nghiệp có tính chất mua lại được ghi nhận là lợi thế thương mại vào ngày phát sinh nghiệp vụ mua”.

Như vậy, với các tài sản trí tuệ như bằng sáng chế, bản quyền.. được mua lại thì sẽ được ghi nhận là tài sản cố định vô hình và được tính vào giá trị của doanh nghiệp đó.

Mặt khác, tại đoạn 42 của chuẩn mực này lại quy định: Các nhãn hiệu hàng hóa, quyền phát hành, danh sách khách hàng và các khoản mục tương tự được hình thành trong nội bộ doanh nghiệp không được ghi nhận là tài sản vô hình”. “Lợi thế thương mại được tạo ra từ nội bộ doanh nghiệp không được ghi nhận là tài sản”. Trong văn bản này cũng nói rõ rằng lợi thế thương mại từ nội bộ doanh nghiệp chính là chi phí phát sinh để tạo ra lợi ích kinh tế trong tương lai nhưng lại không hình thành tài sản cố định vô hình vì không đáp ứng được định nghĩa và tiêu chuẩn ghi nhận trong chuẩn mực này, mà tạo nên lợi thế thương mại từ nội bộ doanh nghiệp. Trên thực tế, các tài sản vô hình, cụ thể là TSTT đều tạo ra lợi nhuận kinh tế trong tương lai cho doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp đều mong muốn có được phương pháp định giá phù hợp để có thể hạch toán vào sổ kế toán của mình. Tuy nhiên, với những quy định của chuẩn mực kế toán này thì dù TSTT có thể sẽ tạo ra một lợi thế vô cùng lớn cho những doanh nghiệp thì những tài sản đó cũng không thể được hạch toán và không được ghi vào sổ kế toán. Điều này gây ra tình trạng doanh nghiệp có tài sản nhưng lại không thể hạch toán để chi tiêu.

Như vậy, theo văn bản này, chỉ có những TSTT được mua lại thì mới được ghi nhận là tài sản cố định vô hình và được tính vào giá trị doanh nghiệp, còn những TSTT được tạo ra từ nội bộ doanh nghiệp không được xem là tài sản, và không được ghi nhận vào giá trị doanh nghiệp.

Công văn số 3539/TCT-PCCS ngày 20 tháng 09 năm 2006 của tổng cục Thuế về việc sử dụng giá trị thương hiệu bổ sung vốn chủ sở hữu.

Công văn này đã chính thức không công nhận giá trị của thương hiệu. Theo công văn này, các công ty không được góp vốn bằng quyền sử dụng thương hiệu hoặc không được ghi tăng giá trị doanh nghiệp cùng với thương hiệu của doanh nghiệp. Trên thực tế, chính thương hiệu là một yếu tố làm tăng lợi nhuận trong tương lai của doanh nghiệp. Do đó, việc tổng cục Thuế không công nhận giá trị của thương hiệu đã gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp hiện nay, đặc biệt là nhiều doanh nghiệp Nhà nước đang tiến hành cổ phần hóa hay quyết định góp vốn bằng giá trị thương hiệu.

Thông tư số 203/2009/TT-BTC ngày 20 tháng 10 năm 2009 của bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định.

Khoản 2, điều 04 của thông tư này quy định về việc xác định nguyên giá tài sản cố định vô hình:

“e, Nguyên giá của tài sản cố định vô hình là quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ: là toàn bộ chi phí thực tế mà doanh nghiệp đã chi ra để có được quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.

g, Nguyên giá tài sản cố định là các chương trình phần mềm: Nguyên giá tài sản cố định của các tài sản cố định vô hình được xác định là toàn bộ các chi phí thực tế mà doanh nghiệp đã bỏ ra để có các chương trình phần mềm trong trường hợp chương trình phần mềm là một bộ phận có thể tách rời với phần cứng có liên quan, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ”.

Như vậy, theo các quy định tại thông tư này thì quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng được xem xét là tài sản của doanh nghiệp và được tính vào để trích khấu hao tài sản.

Thông tư số 146/2007/TT-BTC ngày 06 tháng 12 năm 2007 hướng dẫn thực hiện một số vấn đề về tài chính khi thực hiện chuyển doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thành công ty cổ phần theo quy định tại nghị định số 109/2007/NĐ-CP ngày 26 tháng 06 năm 2007 của Chính phủ.

Thông tư này quy định rõ thương hiệu là một lợi thế thương mại của doanh nghiệp trong công thức tính như sau:

“Xác định trên cơ sở lợi thế về vị trí địa lý và giá trị thương hiệu:

Giá trị lợi thế kinh doanh của doanh nghiệp = giá trị lợi thế vị trí địa lý + giá trị thương hiệu

Trong đó:

+ Giá trị lợi thế vị trí địa lý áp dụng đối với doanh nghiệp cổ phần hoá (không phụ thuộc vào ngành nghề và kết quả kinh doanh) sử dụng các lô đất thuộc loại đất đô thị nếu lựa chọn hình thức thuê đất thì phải xác định giá trị lợi thế địa lý của lô đất để tính vào giá trị doanh nghiệp.

Giá trị lợi thế vị trí địa lý của lô đất được xác định bằng chênh lệch giữa giá đất được xác định sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường (theo quy định tại khoản 12 Điều 1 Nghị định số 123/2007/NĐ-CP ngày 27/7/2007 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 188/2004/NĐ-CP ngày 16/11/2004 về phương pháp xác định giá đất và khung giá các loại đất) so với giá do Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định và công bố vào ngày 01/01 của năm thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp.

Đối với các doanh nghiệp trung ương, căn cứ giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất do cơ quan thẩm định giá thực hiện, cơ quan quyết định cổ phần hoá lấy ý kiến của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có doanh nghiệp đóng trên địa bàn về giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường trước khi quyết định.

Đối với các doanh nghiệp địa phương, Ban chỉ đạo cổ phần hoá báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố quyết định.

+ Giá trị thương hiệu (bao gồm: nhãn hiệu, tên thương mại) được xác định trên cơ sở các chi phí thực tế cho việc sáng chế, xây dựng và bảo vệ nhãn mác, tên thương mại của doanh nghiệp trong 10 năm trước thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp hoặc kể từ ngày thành lập đối với các doanh nghiệp có thời gian hoạt động của doanh nghiệp ít hơn 10 năm (bao gồm cả chi phí quảng cáo, tuyên truyền trong và ngoài nước để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, công ty; xây dựng trang web…)”.

Thông tư này cũng quy định rõ: “Giá trị lợi thế kinh doanh tính vào giá trị doanh nghiệp cổ phần hoá là giá trị cao hơn khi so sánh kết quả được xác định theo 2 phương pháp trên” (phương pháp xác định theo tỷ suất lợi nhuận và lãi suất trái phiếu của Chính phủ và phương pháp xác định trên cơ sở lợi thế về vị trí địa lý và giá trị thương hiệu).

Như vậy, thông tư này đã xác định thương hiệu là một lợi thế doanh nghiệp và tính vào giá trị của doanh nghiệp khi cổ phần hóa.