Xây dựng và bảo hộ thương hiệu cho các dự án bất động sản

0
723

Đối với mỗi dự án bất động sản, điều làm lên thành công đối với dự án đó là vị trí, các tiện ích, giá cả và đáp ứng được đúng nhu cầu của khách hàng.

Một yếu tố khác mà chủ đầu tư cũng cần quan tâm là nghiên cứu để đặt một cái tên cho dự án, làm sao đảm bảo cái tên phản ánh được tầm nhìn, giá trị và hỗ trợ tốt nhất cho việc truyền thông makerting và bán hàng.

Trong những năm vừa qua, với tư cách là một chuyên gia về sở hữu trí tuệ, tôi nhận thấy nhiều dự án bất động sản tại Việt Nam đều có xu hướng đặt tên dự án theo tiếng Anh và một số ít là tiếng Pháp.

Ví dụ những từ phổ biến trong tiếng Anh như Sun, Green, Luxury, Bay, Eco,Parc, garden, golden  hoặc những từ tiếng Pháp như Soleil, Palais hay được các chủ đầu tư sử dụng phổ biến.

Những từ ngữ này gắn với tên địa danh của dự án đôi khi cũng tạo ra sự sang trọng và nghe có vẻ tây, giúp cho quá trình truyền thông được hiệu quả.

Tuy nhiên, hiện nay, việc đặt tên cho các dự án bất động sản hiện nay có một vấn đề đó là một số dự án ra sau đã đặt tên trùng hoặc tương tự với những dự án đã có trước đó.

Điều này xuất phát từ lý do đó là bộ phận marketing và truyền thông của dự án chưa am hiểu và quan tâm tới vấn đề sở hữu trí tuệ.

Thông thường tên một dự án cùng với bản thiết kế gồm có logo, slogan và tên gọi sẽ cấu thành lên thương hiệu của dự án, theo ngôn ngữ pháp lý là nhãn hiệu.

Theo luật sở hữu trí tuệ Việt Nam, một nhãn hiệu chỉ có thể cấp cho một tổ chức hoặc một cá nhân, và họ độc quyền sử dụng tên đó cho hoạt động kinh doanh.

Nếu một dự án ra sau, có một nhãn hiệu trùng hay tương tự gây nhầm lẫn với một nhãn hiệu của một dự án trước đó thì điều này sẽ gây khó khăn cho chủ đầu tư, cụ thể như sau:

–      Chủ đầu tư đã đầu tư nhiều tiền vào hoạt động marketing và PR, nhưng nhãn hiệu không được bảo hộ về mặt pháp lý sẽ phải tiến hành thay đổi, bao nhiêu công sức và tiền bạc marketing sẽ bị trôi xuống sông xuống biển.

–      Chủ đầu tư có thể vướng vào vòng kiện cáo của các chủ đầu tư đã sở hữu thương hiệu, điều đó sẽ không tốt cho một thương hiệu về bất động sản.

–      Nếu là một chủ đầu tư lớn, có thể phải bỏ thêm nhiều tiền để đàm phán với chủ cũ để mua lại nhãn hiệu mà họ mong muốn dùng.

Để tránh những rắc rối về mặt pháp lý cho những  thương hiệu này, chủ đầu tư cần tiến hành các bước sau đây để có thể bảo vệ thương hiệu của mình:

Bước 1: Làm việc với một bên thiết kế và đưa ra ý tưởng về một tên gọi phù hợp cho dự án.

Bước 2: Đơn vị thiết kế và công ty thương hiệu sẽ nghĩ ra từ 3 đến 5 tên gọi, chủ đầu tư đồng ý, họ sẽ gửi tới các công ty luật và luật sư sở hữu trí tuệ để họ kiểm tra xem nhãn hiệu đó đã có đơn vị khác đăng ký hay chưa? Nếu có rồi thì ngay lập tức nghĩ phương án khác, còn chưa có thì sẽ tiếp tục hoàn thiện tiếp phương án thiết kế, gồm logo và slogan.

Bước 3: Sau khi chủ đầu tư chốt phương án cuối cùng, phải chủ động liên hệ luật sư để đăng ký ngay về sở hữu trí tuệ tại Cục sở hữu trí tuệ để đảm bảo độc quyền.

Bước 4: Sau khi đã đăng ký thành công rồi mới tiến hành công bố và triển khai hoạt động marketing và PR.

Nếu các chủ đầu tư đều làm theo các bước nêu trên thì đảm bảo tên gọi của dự án sẽ an toàn về mặt pháp lý, hỗ trợ tốt cho hoạt động truyền thông và bán hàng.