Để nhận diện một dự án đầu tư tài chính có dấu hiệu lừa đảo nên căn cứ vào những yếu tố nào?

0
674

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW đã tư vấn cách nhận diện một dự án đầu tư tài chính có dấu hiệu lừa đảo. Dưới đây là nội dung chi tiết:

Trước khi xảy ra vụ CEO của Sky Mining bỏ trốn diễn ra, một vụ nghi lừa đảo về tiền số rất lớn trước đó là Modern Tech đã xảy ra, với hàng chục nghìn nạn nhân. Vì sao trường hợp như Sky Mining vẫn tiếp diễn được?

Trả lời:

Khi mức độ chú ý đến tiền ảo (coin) ngày càng lớn, các vụ lừa đảo thu hút đầu tư vào loại tiền này dưới các chiêu bài dịch vụ khai thác giả hay tiếp thị dạng đa cấp ngày càng tinh vi.

Cũng giống như các mô hình kinh doanh khác áp dụng hình thức tiếp thị đa cấp, giới chủ luôn hứa hẹn sẽ chi các khoản hoa hồng “khủng” khi giới thiệu sản phẩm thành công. Họ tìm đủ mọi cách để kiếm được càng nhiều người mua đồng coin càng tốt.

Sau khi mua tiền ảo, các nhà đầu tư sẽ chờ đợi coin tăng giá. Khi mức đầu tư vào càng nhiều thì giá coin sẽ ngày càng được đẩy lên cao. Điều này đồng nghĩa lợi nhuận (theo thỏa thuận) của nhà đầu tư sẽ tăng chóng mặt. Chính vì điều này mà nhiều người sẵn sàng dốc hầu bao từ vài chục triệu đến trăm triệu, thậm chí tiền tỷ.

Những trường hợp lừa đảo đầu tư như trên sẽ vẫn còn tiếp diễn vì trong xã hội còn có nhiều người chưa có đủ kiến thức trong lĩnh vực này, sập bẫy vì ham lợi.

Dưới góc độ pháp lý, theo ông, để nhận diện một dự án đầu tư tài chính có dấu hiệu lừa đảo nên căn cứ vào những yếu tố nào?

Trả lời:

Nếu các nhà đầu tư muốn tham bất kỳ một dự án đầu tư tài chính nào thì phải hiểu rõ về dự án đó, theo đó đặt ra cho mình những câu hỏi cần phải trả lời, sau đó hãy làm rõ những câu trả lời đó trước khi bỏ tiền đầu tư.

Thông thường, để nhận diện một dự án đầu tư tài chính có dấu hiệu lừa đảo hay không nên căn cứ vào những dấu hiệu sau:

Thứ nhất là Dự án đó có xu hướng phát triển theo mô hình tiếp thị đa cấp không?

Thường thì các dự án này sẽ huy động vốn theo các lời mời gọi hấp dẫn như: Chỉ cần bỏ ra 10tr và bạn sẽ được hoàn vốn trong 3 tháng. Nếu bạn lôi kéo thêm thành viên vào thì sẽ được hưởng xx% số tiền họ đầu tư vào.

Thứ hai, dự án không công bố danh sách người sáng lập và đội ngũ phát triển

Đây là chiêu trò của các dự án lừa đảo để không ai có thể truy lùng ra dấu vết của họ nếu họ ôm tiền và trốn chạy.

Thứ ba, dự án không có ví riêng hoặc liên kết với các ví kém uy tín;

Thứ tư, hệ thống bảo mật tài khoản thấp;

Thứ năm, không thông cáo báo chí và không xuất hiện trên các trang phát triển dự án;

Thứ sáu, Dự án có dấu hiệu lừa đảo chỉ hoạt động ở một số quốc gia nhất định;

Thứ bảy, các coin của dự án lừa đảo thường không được đưa lên các sàn uy tín như Bittrex, Poloniex, …

Với trường hợp của CEO Sky Mining, ông Lê Minh Tâm viết là đã hết cách rồi và do không tính trước được, ông nghĩ thế nào về điều này?

Trả lời:

Một bức thư đang lan truyền trên mạng được cho là của ông Tâm viết trước khi “biến mất”. Trong thư này, ông Tâm nhận hết trách nhiệm trong việc điều hành hệ thống Sky Mining, thu chi kế toán và máy móc xưởng.

“Giá mua máy cả trăm triệu đồng giờ chỉ còn vài triệu, công suất đào từ vài chục USD còn không tới 1 USD sau khi trừ chi phí. Tôi phải dùng hết tài sản của tôi để âm thầm bù lỗ suốt mấy tháng qua mà không dám nói ra sợ anh em lo lắng. Nhưng đến nay thì tôi thực sự kiệt quệ rồi, tôi đã phải bán luôn xe để trang trải nợ nần”, bức thư viết và cho biết giải pháp cuối cùng của ông Tâm là lánh mặt đi để bảo vệ mạng sống.

Trong vụ việc này, có thể ông Tâm đã viết đúng suy nghĩ của mình. Ông Tâm đã dự đoán giá Bitcoin tăng mạnh khi ông sở hữu dòng tiền từ nhà đầu tư nhưng điều đó đã không xảy ra. Do đó, ông Tâm đã hết cách xoay tiền để trả lãi suất cao ngất cho các nhà đầu tư.

Hiện tại, ông Tâm đã xuất hiện, trong trường hợp người chơi muốn lấy lại tiền thì nên dùng hình thức nào?

Trả lời:

Việc nhà đầu tư đã đưa tiền vào dự án này có lấy lại được không sẽ phụ thuộc vào quá trình điều tra công ty đứng sau dự án này. Nhưng dưới góc độ pháp luật, nhà đầu tư khi tham gia vào hoạt động không được pháp luật công nhận, sẽ không được pháp luật bảo vệ khi có rủi ro xảy ra.

Trong trường hợp này, chỉ còn trông chờ ông Tâm tự nguyện trả hoặc việc thu hồi tài sản, được bao nhiêu thì đem chia cho những người bị hại theo tỷ lệ đã góp.

Ông có nhận định như thế nào về căn cứ pháp lý cho hoạt động tiền ảo hiện tại?

Trả lời:

Hiện nay chưa có văn bản pháp luật nào quy định về tiền ảo. Việc sở hữu, mua bán, sử dụng tiền ảo như là một loại tài sản tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người dân và không được pháp luật bảo vệ. Chính phủ vẫn đang trong quá trình xây dựng khung pháp lý về tiền ảo. Tuy nhiên, thiết nghĩ, trước mắt, các cơ quan có thẩm quyền phải có ngay động thái chấn chỉnh. Ít nhất các cơ quan này phải ra cảnh báo rất rõ ràng và kiên quyết để người dân biết về mức độ rủi ro rất cao.

Tính rủi ro vẫn cao mà nhà đầu tư vẫn lao vào là vì động cơ lợi nhuận. Nơi nào rủi ro càng cao thì lợi nhuận càng cao. Do đó, tôi không thấy ngạc nhiên khi nhiều người vẫn bất chấp đầu tư trong điều kiện khung pháp lý dù có nhưng chưa rõ ràng.

Ông có khuyến cáo gì cho người tiêu dùng khi tham gia vào hoạt động này?

Trả lời:

Như tôi đã trình bày ở trên, hiện chưa có bất cứ văn bản pháp luật nào của cơ quan quản lý nhà nước quy định, điều chỉnh về tiền ảo. Do đó, rủi ro mà những người chơi tiền ảo có thể gặp phải (trong trường hợp phát sinh các tranh chấp hoặc bị thiệt hại từ các giao dịch liên quan đến tiền ảo) là quyền lợi của họ sẽ không được pháp luật bảo vệ, bởi tiền ảo chưa được công nhận tại Việt Nam. Ðồng thời, những người tham gia các giao dịch tiền ảo còn có thể gặp rủi ro khi phải đối diện trách nhiệm hình sự về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Người dân cần hết sức cảnh giác, vì đầu tư vào các loại tiền ảo không có gì bảo đảm, có thể mất trắng; khi xảy ra tranh chấp không biết kêu ai. Ðể quản lý, giám sát được tiền ảo, các cơ quan quản lý nhà nước cần sớm ban hành các văn bản liên quan.

Ông có ý định tham gia tiền ảo không? Vì sao?

Trả lời:

Tôi thấy tiền ảo cũng rất thú vị nhưng chưa đầu tư vì tuy đã tìm hiểu nhưng tôi vẫn chưa hiểu rõ về nguyên lý hoạt động, nguyên tắc tạo ra lãi, và những rủi ro tiềm ẩn của nó. Mà hiện nay, lại chưa có bất cứ văn bản pháp luật nào của cơ quan quản lý nhà nước quy định, điều chỉnh về tiền ảo.