Chưa có hành lang pháp lý cho hình thức vay ngang hàng tại Việt Nam

0
646

Bài trả lời phỏng vấn của luật sư Nguyễn Thanh Hà về hình thức cho vay P2P lending, mời các bạn xem nội dung tại đây:

 

Câu 1: Hiện nay, hình thức cho vay ngang hàng (vay trực tuyến) đang phát triển mạnh ở Việt Nam nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường do thiếu khung pháp lý đầy đủ. Theo ông, những yếu tố “thiếu” ở đây là gì? Rủi ro của hình thức cho vay này là gì? Hiện nay pháp luật Việt Nam đã có luật quy định cho hình thức vay này chưa?

Trả lời:

Cho vay ngang hàng (P2P lending) là mô hình kết nối trực tiếp giữa người có vốn và người cần vốn thông qua nền tảng trực tuyến.

Điểm tích cực đầu tiên của mô hình P2P là mở ra cơ hội tiếp cận vốn cho nhiều khách hàng, đặc biệt những người không đủ tiêu chuẩn vay vốn ngân hàng. Khách hàng có thể vay nhanh từ 1 đến 30 triệu đồng, thủ tục đơn giản, chỉ cần điền vào một mẫu đơn xin vay trực tuyến có sẵn, chụp ảnh một số giấy tờ liên quan, chờ xác nhận và khoản vay có thể được phê duyệt chỉ sau 15-30 phút.

Với ưu điểm không cần chứng minh tài chính, thời gian giải ngân nhanh, số lượng khách hàng đến với các mô hình P2P này ngày càng nhiều.

Tại Việt Nam, mô hình này phát triển ngày càng nhiều trong hơn 2 năm trở lại đây, nhưng hiện pháp luật Việt Nam chưa có quy định về việc cho vay ngang hàng và việc phát triển dịch vụ này tồn tại rủi ro cho cả người vay lẫn người cho vay.

Nguyên nhân là do các công ty chỉ đơn thuần cung cấp ứng dụng phần mềm hoặc website để kết nối giữa người cho vay và người cần vay, chứ không trực tiếp huy động hay cho vay nên các công ty này không nằm trong đối tượng theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng.

Hợp đồng giữa người cho vay và người cần vay còn thiếu chặt chẽ và không tuân thủ theo quy định pháp luật. Người cần vay chỉ cần có tên và chứng minh thư nhân dân. Trong khi đó, người cho vay gần như không thẩm định được năng lực tài chính, khả năng trả nợ và mục đích sử dụng tiền vay của người đi vay mà phụ thuộc hoàn toàn vào những đánh giá của đơn vị trung gian.

Ngoài thiếu một khung pháp lý, các P2P Việt Nam cũng không có một phương án phòng ngừa rủi ro đầy đủ và năng lực tài chính còn khiêm tốn.

Hiện nay đa phần các P2P có nguồn vốn nhỏ, tiềm lực tài chính quá khiêm tốn so với quy mô kết nối khoản vay. Điều này để lại khoảng trống đối với câu hỏi về tính an toàn khi có rủi ro xảy ra.

 

Câu 3: Việc chưa có “danh phận” đã khiến các điều kiện trong hoạt động vay trực tuyến trở nên nhập nhèm, khó quản lý. Theo ông cần phải có những biện pháp quản lý như thế nào đối với hình thức cho vay này?

Trả lời:

Theo tôi, để tránh rơi vào tình trạng không kiểm soát được, Việt Nam – khi đang ở giai đoạn đầu của sự phát triển P2P, cần có những bước đi thích hợp, đặc biệt là xây dựng khung pháp lý cho hoạt động này.

Việt Nam có thể học cách thức quản lý từ các quốc gia đã có mô hình này và họ đã đưa ra khung pháp lý để điều chỉnh và đặc biệt là học những vụ việc đã bị đổ vỡ, tìm nguyên nhân và đề ra các biện pháp phòng ngừa, tránh lặp lại các sai lầm như các quốc gia đi trước đã mắc phải.

 

Câu 4: Đến nay, Ngân hàng Nhà nước chưa cấp phép cho bất kỳ cho đơn vị nào huy động và cho vay trực tuyến như vậy. Nếu rủi ro xảy ra, người vay sẽ khó đảm bảo được quyền lợi của mình. Ông có khuyến cáo gì dành cho người vay tiền qua hình thức cho vay trực tuyến? Có hình thức xử phạt nào dành cho các đối tượng cho vay không?

Trả lời:

Theo quy định hiện hành, chỉ các tổ chức tín dụng mới được phép huy động và cho vay vốn. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đến thời điểm này chưa cấp phép hoạt động cho một doanh nghiệp P2P nào.

Do đó, khi chưa có một khung pháp lý để điều chỉnh, thì cả người đi vay và người cho vay đều đối mặt với nhiều rủi ro khi họ không nhận được sự bảo vệ của pháp luật trong trường hợp có tranh chấp xảy ra.

Từ đó, theo tôi nên có những điều khoản rõ ràng. Phải tìm hiểu rất kỹ khi tham gia một lĩnh vực chưa có khung pháp lý điều chỉnh; tìm hiểu kỹ đâu là người cung cấp dịch vụ cho mình, trách nhiệm và nghĩa vụ của họ là gì, tính pháp lý của đơn vị cho vay và nội dung thỏa thuận trong hợp đồng vay để tránh rủi ro khi quyết định vay tiền.

Để đảm bảo lợi ích, người tiêu dùng khi có nhu cầu vốn nên tìm đến các tổ chức cho vay có uy tín, trong đó có các ngân hàng, công ty tài chính được Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động để tránh tín dụng đen, lãi suất cao.