Người sử dụng lao động có được phép kí thoả thuận tự nguyện từ bỏ ngày nghỉ phép năm với người lao động không?

Người sử dụng lao động có được phép kí thoả thuận tự nguyện từ bỏ ngày nghỉ phép năm với người lao động không, có tồn tại rủi ro pháp lí nào đối với công ty không? Ngoài ra, biên bản thoả thuận từ bỏ ngày nghỉ phép năm giữa người lao động và công ty cần bao gồm những nội dung gì để đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật?

0
489

Câu hỏi: Thưa luật sư, tôi có thắc mắc về quy định pháp luật về nghỉ hằng năm của người lao động. Hiện nay, người lao động do muốn đi làm thêm để tăng thu nhập nên mong muốn kí thoả thuận với công ty từ bỏ ngày nghỉ phép năm của mình. Tôi muốn hỏi rằng, nếu công ty đồng ý thoả thuận như vậy với người lao động thì có đúng luật không, có tồn tại rủi ro pháp lí nào đối với công ty không? Ngoài ra, biên bản thoả thuận từ bỏ ngày nghỉ phép năm giữa người lao động và công ty cần bao gồm những nội dung gì để đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật?

Luật sư tư vấn:

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn của Công ty Luật TNHH SB Law. Đối với thắc mắc của bạn, chúng tôi xin được tư vấn như sau:

Theo quy định tại Khoản 4, Điều 113, Bộ luật lao động năm 2019, người lao động và người sử dụng lao động chỉ có thể thỏa thuận để nghỉ hàng năm thành nhiều lần hoặc nghỉ gộp tối đa 03 năm 01 lần. Mặc dù, pháp luật Việt Nam không có quy định rõ ràng về việc cấm hoặc hạn chế người sử dụng lao động và người lao động tự thỏa thuận về việc người lao động từ bỏ toàn bộ quyền lợi nghỉ phép để tăng thêm thu nhập, thực tiễn tại các doanh nghiệp ở Việt Nam rất ít trường hợp này xảy ra. Nếu giả sử có tình huống như vậy xảy ra và có tranh chấp phát sinh về thỏa thuận này giữa người lao động và người sử dụng lao động, cơ quan giải quyết tranh chấp có thể vận dụng nguyên tắc được quy định tại Khoản 2, Điều 220 Bộ luật lao động “Kể từ ngày Bộ luật này có hiệu lực thi hành, hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, các thỏa thuận hợp pháp khác đã giao kết có nội dung không trái hoặc bảo đảm cho người lao động có quyền và điều kiện thuận lợi hơn so với quy định của Bộ luật này được tiếp tục thực hiện, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận về việc sửa đổi, bổ sung để phù hợp và để áp dụng quy định của Bộ luật này” để không công nhận hiệu lực của thỏa thuận đó.

Theo ý kiến và kinh nghiệm của SB Law, trong trường hợp này, để giảm thiểu tối đa rủi ro, tránh trường hợp có tranh chấp xảy ra, người lao động và doanh nghiệp có thể vận dụng cơ chế quy định về thời gian nghỉ phép hàng năm tại Khoản 4, Điều 113 Bộ luật lao động năm 2019: “Người sử dụng lao động có trách nhiệm quy định về lịch nghỉ hàng năm sau khi tham khảo ý kiến của người lao động và phải thông báo trước cho người lao động biết” để phối hợp thực hiện như sau:

– Doanh nghiệp thảo luận và thống nhất với người lao động về lịch nghỉ phép năm hàng năm của người lao động. Đến gần ngày nghỉ phép hàng năm như đã được thống nhất từ ban đầu, người lao động viết đơn bày tỏ nguyện vọng được đi làm việc vào những ngày nghỉ phép dự kiến đó và đề xuất doanh nghiệp thanh toán tiền lương cho những ngày nghỉ phép không sử dụng đó để bồi hoàn cho việc nghỉ phép. 

Việc phối hợp thực hiện như vậy có thể giúp cho doanh nghiệp giảm thiểu được một cách tối đa nguy cơ xảy ra tranh chấp giữa người lao động và doanh nghiêp và đồng thời cũng tránh được nguy cơ doanh nghiệp bị suy diễn hoặc quy chụp là đã lợi dụng địa vị của người sử dụng lao động để ép buộc người lao động ký vào một thỏa thuận mang tính chất bất lợi cho người lao động.