Mới đây, tại chốt phòng chống dịch Covid 19 ở ở phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội, lực lượng chức năng đã phát hiện 3 trường hợp sử dụng giấy đi đường được mua ở cửa hàng cầm đồ.
Ba thanh niên trên là T.Đ.L (SN 1993), Đ.V.B (SN 1987) và Đ.H.T (SN 1993) cùng trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội; và khai nhận đã mua 9 giấy đi đường với tổng số tiền 12 triệu đồng tại một cửa hàng cầm đồ ở đường Láng, quận Đống Đa. Hiện CAQ Thanh Xuân đang tiếp tục điều tra làm rõ vụ việc.
Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty luật SB Law cho rằng, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Hà Nội đã thực hiện cách ly toàn xã hội trên phạm vi toàn thành phố đến 6h ngày 23-8.
Theo đó, mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, khám chữa bệnh, tiêm chủng và các trường hợp khẩn cấp khác; đi công tác công vụ, làm việc tại cơ quan, công sở, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu được phép hoạt động….
Để đảm bảo việc phòng chống dịch đồng thời tạo điều kiện cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được phép hoạt động trong thời gian gian cách xã hội, lãnh đạo UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành quy định cho các cơ quan, tổ chức cấp giấy đi đường cho người lao động khi đi, đến nơi làm việc.
Trước tình hình đó, một số cá nhân không thuộc diện được cấp Giấy đi đường, để tránh bị xử phạt khi tham gia giao thông đã nhờ xin cấp giấy, làm giả thậm chí còn mua bán giấy đi đường…
Đối với vụ việc 3 nam thanh niên bỏ 12 triệu đồng để mua giấy đi đường, để có căn cứ xử lý, cơ quan công an cần xác minh làm rõ nguồn gốc giấy đi đường có phải do một doanh nghiệp nào đó cấp hay là giấy được làm giả – Luật sư Nguyễn Thanh Hà nhận định
Trường hợp xác định đó là giấy tờ giả, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, cá nhân bán giấy này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” theo quy định tại Điều 341 (BLHS 2015).
Theo đó, người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng – 2 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Có tổ chức; Phạm tội 2 lần trở lên; Làm từ 2-5 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác; Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng… thì bị phạt tù từ 2-5 năm.
Phạm tội làm 6 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên hoặc thu lợi bất chính 50 triệu đồng trở lên… thì bị phạt tù từ 3 – 7 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 – 50 triệu đồng.
Cũng theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà, trường hợp xác đinh được giấy đi đường do doanh nghiệp cấp nhưng không đúng đối tượng hoặc cấp khống thì theo khoản 3 Điều 12, Nghị định117/2020/NĐ-CP, doanh nghiệp sẽ bị xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng chống dịch và có thể bị đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép đăng ký kinh doanh với mức phạt từ 10 – 20 triệu đồng.
Ngoài ra, người mua giấy đi đường để sử dụng cũng sẽ bị xử phạt hành chính về về hành vi không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền (khoản 3 Điều 12, Nghị định 117/2020/NĐ-CP).
Nguồn bài viết: https://anninhthudo.vn/mua-giay-di-duong-o-hieu-cam-do-de-tham-gia-giao-thong-se-bi-xu-ly-ra-sao-post476542.antd